“Khơi thông mạch máu” giao thông: TPHCM cần hơn 970.000 tỷ đồng

(ĐTTCO) - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho rằng, để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2030, thành phố cần nguồn vốn hơn 970.000 tỷ đồng.

Hàng hóa tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hàng hóa tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngày 30-9, UBND TPHCM tổ chức diễn đàn “Vị thế logistics của TPHCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”. 

Nhiều điểm nghẽn  

 Về thực trạng logistics TPHCM, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, đánh giá, với quy mô thị trường hơn 12 triệu người, TPHCM vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất nước. Xét ở yếu tố kết nối GTVT, thành phố có khả năng cạnh tranh cả đường thủy, đường bộ, đường hàng không bởi thuận lợi để kết nối và lưu chuyển hàng hóa đa phương thức với nhiều nước. Tuy nhiên, TPHCM có nhiều điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển ngành logistics, tập trung chủ yếu là về hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực. 

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, hạ tầng giao thông của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Các tuyến đường vành đai kết nối các tỉnh thành triển khai còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng phát triển. 

Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM, bức xúc: “Đường bộ nhỏ hẹp, tải trọng hạn chế; quá nhiều giao lộ tắc nghẽn do xung đột giữa các luồng xe; thiếu cầu đủ trọng tải phù hợp giao thương hàng hóa, kết nối cảng với các KCN, KCX... Tại các cảng biển, tình trạng quá tải cũng thường xuyên xảy ra”. 

Về điểm nghẽn trong nguồn nhân lực, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương, nhìn nhận, đang có gần 30.000 doanh nghiệp (DN) logistics hoạt động, trong đó số DN hoạt động ở TPHCM chiếm 54%. Bình quân mỗi DN 20 người và với nhu cầu tăng trưởng nhân sự 7,5%/năm, các DN sẽ cần 8.400-10.000 lao động/năm. Thế nhưng, thực tế đào tạo hiện nay chỉ đáp ứng 30% nhu cầu này. Do vậy, việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho DN ngành logistics nói chung, là rất cấp thiết. 

Một vấn đề khác được đề cập tại diễn đàn là thành phố đang rất thiếu trung tâm logistics. TPHCM đã quy hoạch 7 trung tâm logistics nhưng hiện chỉ có trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao 6ha đang kêu gọi đầu tư. 6 trung tâm còn lại (ở Hóc Môn, Củ Chi, Linh Trung, Long Bình, Cát Lái - Phú Hữu, Hiệp Phước, Tân Kiên), mới dừng ở khâu quy hoạch. 

Bên cạnh đó, công nghệ số phát triển thiếu đồng bộ, làm phát sinh nhiều công đoạn thừa, dẫn đến chậm và gia tăng chi phí logistics; trong khi, thị phần thương mại điện tử do DN nước ngoài chi phối.

'Khơi thông mạch máu' giao thông: TPHCM cần hơn 970.000 tỷ đồng ảnh 1Ùn ứ phương tiện giao thông trên quốc lộ 1A (quận Bình Tân, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư hạ tầng

Để tháo gỡ những điểm nghẽn trên, về nguồn nhân lực, TPHCM đã làm việc với các trường đại học, trung tâm dạy nghề và đề xuất hỗ trợ 70%/chi phí đào tạo ngắn hạn cho nguồn nhân lực dành cho DN nhỏ và vừa. Đồng thời, thúc đẩy mô hình đào tạo “nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp” có tính đến liên kết hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí và thời gian đào tạo lại cho DN. Thành phố cũng chủ động đề xuất liên kết với các tỉnh thành để mở rộng quy mô đào tạo và chia sẻ nguồn nhân lực. 

Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho rằng, để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2030, thành phố cần nguồn vốn hơn 970.000 tỷ đồng. Do vậy, trước mắt thành phố tập trung, ưu tiên triển khai các dự án như Vành đai 2, 3 và 4, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, nút giao An Phú, quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2. Tập trung triển khai dự án các cảng tại Khu công nghệ cao (6ha), Củ Chi (15ha), Phú Định giai đoạn 2 (60ha) và KCN Cát Lái... 

Bên cạnh việc tập trung đầu tư đường bộ và đường sắt, nhiều DN kiến nghị thành phố cần nâng cấp cảng biển, lập quy hoạch hạ tầng đường bộ có tính kết nối vùng, cảng biển và các trung tâm logistics… Việc kết nối này phải liền lạc, nhanh chóng, thông thoáng. Song song đó, cần đẩy mạnh vận tải biển, phát huy thế mạnh vận tải thủy nội địa và quy hoạch các cảng cạn hợp lý phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu cho từng khu vực. 

Ông Huỳnh Văn Cường cho rằng, hiện sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố đã vượt 2,63% so với quy hoạch tiếp nhận của năm 2030 và chiếm 23,26% so với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước. Do vậy, cần thiết bổ sung và thúc đẩy nhanh xây dựng cảng biển nước sâu tại Cần Giờ - điều kiện tất yếu để TPHCM duy trì vị thế trung tâm logistics của cả nước, hướng đến mục tiêu phát triển trung tâm tài chính TPHCM đặt ra. 

Về nguồn vốn đầu tư, ngoài khai thác nguồn thu từ hoạt động đấu giá quỹ đất sạch, đấu giá trụ sở cơ quan, quỹ đất dọc tuyến đường sắt đô thị, TPHCM tiếp tục kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố. Thành phố cũng cần tính đến việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư dự án, hoặc đề xuất Chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho thành phố vay lại để đầu tư phát triển hạ tầng. Phương án trả nợ vay thông qua khai thác các nguồn lực từ đất dọc các tuyến vành đai, cao tốc và vùng phụ cận.

TPHCM xác định ngành logistics là một trong 49 chương trình, đề án trọng tâm phát triển kinh tế thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng doanh thu logistics của doanh nghiệp TPHCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TPHCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Các tin khác