Khơi thông nguồn lực sau dịch cho các dự án PPP

(ĐTTCO)-Hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đã được áp dụng nhiều năm nay với hàng trăm dự án được triển khai. Thông qua đó, hàng chục ngàn tỷ đồng nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân đã được huy động cho các công trình hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự kiến, dự án Luật PPP sẽ được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 biểu quyết thông qua vào ngày 18-6. ĐTTC xin trích đăng ý kiến đóng góp của TS. Vũ Tiến Lộc.
Sân bay Vân Đồn, một biểu hiện thành công trong việc huy động PPP tư nhân.
Sân bay Vân Đồn, một biểu hiện thành công trong việc huy động PPP tư nhân.
Xóa bỏ các rào cản
Thực tế triển khai PPP cho thấy, ngay cả trong điều kiện kinh tế thuận lợi, việc huy động nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển hạ tầng luôn là thách thức khó khăn tại các quốc gia đang phát triển.
Còn nay với đại dịch Covid-19 đã làm các hoạt động kinh tế bị tê liệt, dẫn đến nguồn thu ngân sách của Chính phủ sụt giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí xử lý đại dịch và chi phí an sinh xã hội rất lớn, đã tạo thâm hụt ngân sách rất lớn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực đầu tư của Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo. 
Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT). Để có thể thực thi cơ chế trên, các dự án PPP phải thông thoáng hơn, dỡ bỏ các rào cản, bảo đảm sự linh hoạt, khả năng chống chịu cao và sự phối hợp lợi ích phải hài hòa hơn.
Vì thế, việc quy định quy mô tối thiểu các dự án như trong dự luật PPP hiện nay không cần thiết, vì nó sẽ bỏ lỡ các dự án PPP quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội và phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương.
Mặt khác, việc quy định hạn chế lĩnh vực đầu tư PPP (hiện tại dự luật PPP chỉ bao gồm 5 lĩnh vực) cũng là rào cản thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực CSHT khác. Việc mở rộng lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP không có nghĩa nguồn lực của Nhà nước sẽ bị dàn trải. 
Việc mở rộng hoặc thậm chí không hạn chế lĩnh vực đầu tư  theo hình thức PPP có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động tối đa nguồn lực tài chính, công nghệ, kỹ thuật của khu vực tư nhân đáp ứng nhu cầu đa dạng về CSHT và dịch vụ công của quốc gia trong thời gian tới.
Để thúc đẩy đầu tư thông qua phương thức này, 5 lĩnh vực mà ban soạn thảo đưa ra chỉ nên coi là 5 lĩnh vực ưu tiên cho các dự án PPP. Các lĩnh vực khác, trừ những lĩnh vực có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, các địa phương có thể quyết định mời gọi đầu tư PPP theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của mình. 

Cơ quan nhà nước tôn trọng hợp đồng PPP
Bây giờ không phải là lúc siết chặt các quy định về PPP, mà phải dỡ bỏ các rào cản, khơi thông nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng, đờng thời bảo đảm cho cả Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân có thể linh hoạt, thích ứng với cạnh tranh, chia sẻ được rủi ro và cùng hưởng lợi trong đầu tư.
Trong đại dịch Covid-19, việc áp dụng phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, dẫn đến nhu cầu sử dụng hệ thống CSHT giao thông, điện, nước sụt giảm, khiến nguồn thu của nhiều dự án bị sụt giảm mạnh. Trước thực tiễn này để thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án CSHT dài hạn, Luật PPP nên được xem là luật khung, không nên đi vào chi tiết quy định cách thức và tỷ lệ chia sẻ rủi ro của Nhà nước.
Việc quy định chi tiết một số loại bảo lãnh của Chính phủ cho dự án PPP như trong dự luật vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa vì nó không tạo ra sự linh hoạt cho cả khu vực công và khu vực tư trong các dự án PPP khác nhau. Thiếu khi xét các rủi ro khác cần sự tham gia của Nhà nước lại không được đề cập, thí dụ bảo lãnh trách nhiệm thực hiện hợp đồng trong bối cảnh mức độ tín nhiệm quốc gia còn thấp.
Trên cơ sở luật khung, tùy theo định hướng chính sách và nguồn lực quốc gia trong từng giai đoạn, Chính phủ sẽ có các hướng dẫn và quy định cụ thể. Trong trường hợp Quốc hội vẫn quyết định phải đưa ra những biện pháp chia sẻ rủi ro cụ thể, tôi ủng hộ phương án chia sẻ tăng giảm doanh thu, không phải chia sẻ lợi nhuận.
Tôi cũng đề nghị, để chia sẻ rủi ro rất cần bổ sung thêm biện pháp quan trọng, là bảo lãnh trách nhiệm thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước. Hiện nay rủi ro lớn trong việc thực hiện hợp đồng là hiện tượng các cơ quan nhà nước không tôn trọng hợp đồng PPP khá phổ biến. Đây là điều lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư tư nhân, nên tôi đề nghị bổ sung điều này vào dự luật.

Chuẩn bị dự án nghiêm túc
Dự luật PPP cần bổ sung quy định hoặc khuyến khích các bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc việc chuẩn bị dự án, cũng như hình thành đơn vị phát triển dự án chuyên nghiệp, chuẩn bị các dự án PPP thế hệ mới mang tính bài bản, nhằm tạo ra sự cân bằng lợi ích và rủi ro của các bên tham gia dự án. Đây có thể nói đang là điều lo ngại của nhà đầu tư tư nhân, nên tôi đề nghị bổ sung điều này vào dự thảo. Bởi việc chuẩn bị dự án tốt đã đảm bảo ít nhất 50% của thành công. 
Cụ thể, để khắc phục khó khăn hiện nay khi nguồn ngân sách nhà nước cho chuẩn bị dự án rất hạn chế, tôi đề nghị bổ sung Khoản 1 Điều 73 cho phép huy động các nguồn vốn hợp lý khác, ngoài nguồn vốn nhà nước. Việc này sẽ giúp chuẩn bị các dự án kịp thời và có chất lượng cao để mời gọi đầu tư. Cùng với đó, khuyến khích nhà đầu tư tư nhân chủ động chuẩn bị và đề xuất dự án với cơ quan nhà nước.
Chúng ta đã có những thực tiễn tốt trong thực hành PPP. Điển hình là Quảng Ninh đã triển khai việc huy động PPP rất tốt, không chỉ những dự án lớn mà có cả những dự án phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ công quy mô nhỏ và vừa.
Ở Quảng Ninh trên 62% vốn tư cho phát triển CSHT từ khu vực tư nhân. Riêng các dự án PPP, 1 đồng vốn đầu tư của Nhà nước kéo theo 8-9 đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Đây là một mô hình rất tốt để các địa phương có thể huy động vốn đầu cho các công trình CSHT cho phát triển địa phương mình. 

Các tin khác