Không lo thiếu thịt heo dịp Tết Tân Sửu

(ĐTTCO) - Với chỉ đạo quyết liệt của các sở ngành địa phương cùng sự chủ động chuẩn bị của doanh nghiệp (DN) chăn nuôi và nhà bán lẻ, người tiêu dùng tại phía Nam có thể yên tâm dịp cuối năm và Tết Tân Sửu sắp tới sẽ không thiếu thịt heo.
Nguồn hàng thịt heo được bán bình ổn tại Co.opmart
Nguồn hàng thịt heo được bán bình ổn tại Co.opmart

Chủ động nguồn hàng từ sớm

Theo giới kinh doanh, thị trường thịt heo năm nay rất khó đoán bởi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Dù vậy, giới kinh doanh vẫn có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường từ mấy tháng trước để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm, sử dụng thịt heo cuối năm và Tết Tân Sửu cho người dân. Đơn cử như TPHCM, ngay từ tháng 4-2020, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2020 - Tết Tân Sửu 2021. Theo kế hoạch này, thịt heo là một trong những mặt hàng thiết yếu được thành phố giao chỉ tiêu cung ứng cho các DN trú đóng trên địa bàn. Việc giao chỉ tiêu này vừa giúp thành phố đảm bảo được nguồn cung hàng hóa cho thị trường vào các dịp cao điểm lễ, tết vừa giúp DN có kế hoạch chủ động thực hiện tốt. 

Những DN sản xuất, phân phối được UBND TPHCM giao nhiệm vụ cung ứng hàng hóa tiêu biểu gồm Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - VISSAN, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM - Saigon Co.op… Trong đó, C.P Việt Nam khoảng 236 tấn trong các tháng thường, tháng cao điểm tết là 600 tấn; còn VISSAN cung cấp cho thị trường khoảng 1.380 tấn thịt heo các loại trong tháng thường, tháng tết là 1.435 tấn; riêng Saigon Co.op là nhà phân phối nhưng có mạng lưới rộng khắp, trải đều các phân khúc nên được UBND TPHCM giao nhiệm vụ đảm bảo cung ứng khoảng 1.585 tấn thịt gia súc (trong đó có thịt heo) vào các tháng thường và 1.900 tấn vào tháng cao điểm. Điểm đáng lưu ý là giá thịt heo của những DN này sẽ luôn được cân đối nhằm đảm bảo có nguồn hàng bình ổn thấp hơn giá thịt trường ít nhất 5%. 

Cùng với TPHCM, TP Cần Thơ cũng đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng thịt heo cho thị trường từ rất sớm. Cụ thể, Sở Công thương TP Cần Thơ đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các kênh phân phối trên địa bàn phối hợp xây dựng phương án dự trữ, bảo đảm nguồn cung thịt heo ổn định với giá cả hợp lý. Đồng thời phối hợp với UBND các quận huyện tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm khuyến khích người tiêu dùng dùng sản phẩm thay thế thịt heo, sử dụng thịt heo đông lạnh thay thế thịt heo tươi truyền thống. Ngoài ra, sở này còn phối hợp với Sở Công thương TPHCM và các tỉnh khu vực ĐBSCL chia sẻ, trao đổi thông tin về nguồn cung cấp heo hơi. Song song đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi; hạn chế các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng nhằm kéo giảm giá thịt heo… Theo ước tính, hiện Cần Thơ đang có tổng đàn heo trên 102.000 con, cùng với lượng heo nhập khẩu liên tục được DN cung cấp sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá dịp cao điểm.

Tương tự, tại Hậu Giang, theo ngành chức năng tỉnh này, hiện nay đàn heo toàn tỉnh khôi phục được khoảng 70%-75%, chủ yếu là ở những trại chăn nuôi quy mô lớn. Đây cũng là thời điểm nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bước vào đợt tái đàn, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Dự báo, các tháng cuối năm lượng heo sẽ dần đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ nội tỉnh. 

Khó xảy ra khan hàng, sốt giá

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, tính đến cuối tháng 7-2020, cả nước có 12 tỉnh đã có tổng đàn heo hồi phục 100%; 22 tỉnh đạt 70% tổng đàn so với thời điểm trước dịch tả heo châu Phi. Cuối tháng 7-2020, khối 16 DN chăn nuôi heo lớn với tổng đàn đạt trên 4,88 triệu con heo thịt, tăng 46,8% so với tháng 1-2020. Riêng tổng đàn heo cả nước vào cuối tháng 7-2020 đạt 25,18 triệu con, bằng 81,9% so với tổng đàn trước đợt dịch tả heo châu Phi. Đó là chưa kể tới thịt heo nhập khẩu, bởi chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020 có hơn 93.000 tấn thịt heo các loại đã được nhập về Việt Nam, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng giai đoạn từ ngày 12-6 đến 1-8 đã có hơn 4,7 triệu con heo sống nhập từ Thái Lan về Việt Nam. Các ngành chức năng đánh giá, chính nguồn heo nhập khẩu lớn này đã góp phần bình ổn thị trường thịt heo gần đây. 

Về kế hoạch nhập khẩu thời gian tới, đại diện một số DN cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, nhiều đơn hàng đã và sẽ tiếp tục ký để nhập về Việt Nam phục vụ cho nhu cầu trong nước. Khi tổng đàn tăng, nguồn thịt heo tiếp tục được nhập khẩu sẽ góp phần kìm hãm giá thị heo đang neo ở mức cao. Theo đánh giá của giới kinh doanh, nhờ khả năng đầu tư vào chăn nuôi heo ở các địa phương đang dần được phục hồi, cùng với lượng lớn heo nhập khẩu vào thị trường, do đó từ nay đến cuối năm 2020 giá thịt heo trên thị trường sẽ ổn định, không có sự đột biến như trước đây.

Các tin khác