Không quá lo lắng các kịch bản biến đổi khí hậu

(ĐTTCO) - Nhân hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) - COP26 diễn ra tại Glasgow (Anh), tạp chí Time Out đã công bố báo cáo của dự án Climate Central, nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao tới các thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới. 

Không nên quá lo lắng về biến đổi khí hậu với một kịch bản xấu nhất tác động đến Thủ Thiêm để rồi bất an.
Không nên quá lo lắng về biến đổi khí hậu với một kịch bản xấu nhất tác động đến Thủ Thiêm để rồi bất an.
Theo đó, khu vực phía Đông cạnh sông Sài Gòn và Thủ Thiêm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có thể bị “nhấn chìm”. 
Thông tin này được báo chí và các phương tiện truyền thông đồng loạt đăng tải, khiến bà con sống ở Thủ Thiêm, Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái và các vùng trũng phía Đông TP Thủ Đức lo lắng, nhà đầu tư phân vân. Vậy thực hư câu chuyện này như thế nào?
Chỉ mang tính dự báo, cảnh báo
Trước hết phải hiểu đây là kịch bản mang tính dự báo, cảnh báo nhiều hơn là khẳng định một điều chắc chắn sẽ xảy ra. Kịch bản dự báo có thể sai và hành động can dự thực tế của con người có thể làm cho kịch bản bị phá sản.
Các nhà khoa học lấy số liệu đầu vào như nhiệt độ tăng bao nhiêu, băng sẽ tan chảy ra bao nhiêu m3, làm nước biển tăng lên bao nhiêu cm. Họ đưa số liệu vào máy tính và chạy ra bản đồ có những vùng ngập đỏ lòe, trong đó có ĐBSCL và một phần của TPHCM. Nhưng ngay bản thân nhiệt độ tăng, băng tan, nước biển dâng cũng là giả định theo kiểu nếu A… thì B…
Đã có biết bao kịch bản giả định trật lất, chẳng hạn một phần sự sống trái đất sẽ bị hủy diệt do sự va chạm của một hành tinh khổng lồ, nhưng mãi chả thấy mà thời gian ấn định đã qua lâu rồi. 
Bản thân kịch bản về BĐKH diễn ra như thế nào phụ thuộc vào hành động của con người. Trong trường hợp này, chúng ta có 3 kịch bản đối phó lại (cũng là giả định). Thứ nhất - được gọi là kịch bản tốt nhất, sau COP26 các nước đồng lòng và kiên quyết giảm phát thải khí nhà kính giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC. Như vậy kịch bản xấu nhất không xảy ra đối với TPHCM, khi đó bờ Đông sông Sài Gòn trong trạng thái bình thường. 
 Thận trọng với BĐKH nhưng đừng quá sợ hãi, có thể nó chưa xảy ra chúng ta đã chết vì sự ám ảnh.
GS.TS Badarudin, 
Nhà quy hoạch đô thị Trường Đại học khoa học Malaysia 
Thực ra nếu so với Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015 đã có sự thay đổi nhận thức về “cơ may cuối cùng và tốt nhất” cho nhân loại, khi các quốc gia có mức phát thải khí nhà kính nhiều nhất như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu đã cam kết giảm khí phát thải rất mạnh mẽ.
Thứ hai - kịch bản trung bình, là khí phát thải nhà kính có giảm nhưng không về mức 1,5oC, băng có tan chảy, nước biển dâng và khu Đông TPHCM bị ngập. Trong trường hợp này TP đã có những dự tính đối phó nhằm giảm thiệt hại.
Theo thiết kế, Thủ Thiêm có hồ nước trung tâm 14ha được đào nối vào hệ thống kênh đô thị với sông Sài Gòn về phía Bắc và vùng châu thổ phía Nam. Hồ trung tâm này có khả năng chứa nước, điều tiết nước mưa và nước triều. Nói như TS. Tô Văn Trường, đến 2030 nước biển dâng thêm 2-4 cm vẫn nằm trong sức chịu đựng và kiểm soát của TPHCM, không rơi vào hoàn cảnh “chết bất thình lình”. 
Thứ ba - kịch bản xấu nhất, tức nhiệt độ trái đất tăng lên 2,7-3oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, sẽ là thảm họa cho cả nhân loại. Khi ấy bề mặt của TPHCM và khu Đông có thể chìm sâu dưới nước vài mét. 
Thận trọng nhưng đừng quá sợ hãi
Giả sử xảy ra theo kịch bản 3, điều chắc chắn là người dân sẽ biết chấp nhận và thích nghi. Thực tế cho thấy hàng trăm năm nay người dân ở ĐBSCL luôn tìm cách thích nghi với thiên nhiên hơn chống và tránh. Với họ ngập nước là “cơ hội sống” không phải là “tai ương”, do vậy chưa bao giờ họ nghĩ đến chuyện đắp đê, điều tiết nước.
Có thể khi đó (vào năm 2070 như kịch bản) người dân TPHCM sẽ sống trên những công trình nổi, thay đổi hẳn lối canh tác trồng lúa từ đất sang trồng từ nước, từ sản xuất trên mặt đất sang sản xuất trên các phao lớn, chuyển từ sử dụng các sản phẩm từ đất như rau, trái cây, thịt gia súc, gia cầm sang các sản phẩm sinh ra từ nước như rong biển, tảo, cá, tôm…
Nếu kịch bản xã hội này xảy ra, các kiến trúc sư, nhà quy hoạch sẽ phải chuyển hướng hoạt động nghề nghiệp từ “cạn” sang “nước”. Các khu dân cư nổi, công trình nhà ở, công sở nổi, hệ thống giao thông nổi hoặc trên cao sẽ là đối tượng nghiên cứu của các nhà kỹ thuật, nhà sáng tạo và tổ chức không gian sống. Có thể đó là cuộc sống rất khác nhưng thú vị. 
Song nên nhớ kịch bản xấu nhất rất khó xảy dù nó đáng quan tâm, vì vậy không nên hiểu nó sẽ xảy ra thực sự làm dư luận bất an. Bởi lẽ, việc xây dựng các kịch bản BĐKH tác động rất nghiêm trọng đến các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của những quốc gia, thành phố ven biển. Nếu đúng sẽ tốt, nhưng nếu sai hậu quả sẽ khôn lường. 
Không quá lo lắng các kịch bản biến đổi khí hậu ảnh 1
Giả sử, khi xây dựng chiến lược phát triển, công tác quy hoạch không gian, xây dựng công trình, phát triển dự án phải đối phó và xây dựng các phương án ứng phó với các kịch bản BĐKH.
Theo đó, nhiều tỷ USD sẽ phải chi ra cho việc thay đổi hướng phát triển, cho kiến trúc công trình chịu được nước ngập quanh năm, những phí tổn cho thay đổi phương thức canh tác, lối sống, thói quen, sinh hoạt, nhà ở, và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội cho hàng chục triệu người ở vùng ngập. Nhưng nếu kịch bản không xảy ra sẽ lãng phí tiền bạc, nguồn lực. 
Chẳng hạn theo kịch bản ở mức cao, vùng phía Nam như quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ (TPHCM) sẽ bị ngập sâu. Nếu không lường trước vì một kịch bản không chắc chắn chúng ta bỏ đi vùng đất rộng bằng 30% diện tích cả TPHCM, quả thật quá lãng phí.
Vì vậy, cảnh báo này cần được các cơ quan chức năng và nhà khoa học chủ động nghiên cứu, kiểm nghiệm để có các kịch bản ứng phó kịp thời trước mắt cũng như lâu dài. Vấn đề đầu tiên là phải xây dựng được các kịch bản BĐKH - nước biển dâng có độ tin cậy cao nhất có thể. 
“Kịch bản phải được xác định dựa trên tập hợp các sản phẩm dự tính khí hậu tương lai. Do tính bất định của các mô hình khí hậu, mức độ nhạy cảm của hệ thống cũng như của các kịch bản phát thải khí nhà kính, số dung lượng mẫu càng lớn độ tin cậy của kịch bản BĐKH - nước biển dâng nhận được càng cao” - TS. Trường nhấn mạnh.

Các tin khác