Không thể mãi dựa vào gia công tái xuất

(ĐTTCO) - Từ nhiều năm nay, chỉ số xuất khẩu hàng hóa Việt Nam luôn tăng trưởng đều đặn, năm sau cao hơn năm trước. Song có lẽ đã đến lúc đặt thêm câu hỏi sự tăng trưởng đó đem lại giá trị thực cho nền kinh tế là bao nhiêu?
Không thể mãi dựa vào gia công tái xuất
Tổng quát số liệu về xuất nhập khẩu cho thấy Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu với thế giới, tỷ lệ xuất khẩu so với GDP từ 62,4% năm 2010 lên 99,4% năm 2018. Tỷ lệ nhập khẩu từ 73% năm 2010 lên 97% năm 2018, từ năm 2016 Việt Nam đã có thặng dư thương mại.
Đáng chú ý, tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc chiếm trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngày càng tăng. Năm 2010 tỷ lệ này khoảng 36% đến năm 2018 tăng lên hơn 12%, đạt 48,4%.
Nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc cơ bản là nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị cho sản xuất hơn 90%. Những thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ (20%), EU (17,2%), ASEAN (10%) và Trung Quốc (17%).
Trong những năm gần đây, Việt Nam xuất siêu chủ yếu do khối FDI với những sản phẩm như hàng điện tử máy tính và linh kiện, điện thoại và các linh kiện. Năm 2010 Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm này 5,8 tỷ USD, đến năm 2018 tăng 13,6 lần, bằng 40% tổng giá trị xuất khẩu.
Điều đáng lưu ý, những sản phẩm này cơ bản là sản xuất gia công cho nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc với ít nhất 12 tỷ USD của Samsung.
Trong bối cảnh hội nhập qua các hiệp định thương mại (FTA) song phương hoặc đơn phương như FTA với châu Âu (EVFTA), thuế suất các sản phẩm sẽ dần về mức 0% và xóa bỏ hạn ngạch. Vấn đề đặt ra, những sản phẩm như điện thoại, máy tính và linh kiện có bao nhiêu phần trăm của Việt Nam?
Dù có những quy định mang tính hành chính xem tất cả sản phẩm của doanh nghiệp FDI sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam đều được coi là hàng Việt Nam, nhưng về bản chất những quyết định như vậy không có ý nghĩa với người dân và cả Chính phủ. Nó giống hệt như việc coi sự giàu có của nhà hàng xóm là của mình.
Theo tính toán từ số liệu bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, tỷ lệ chi phí trung gian của nhóm ngành điện thoại, máy tính và linh kiện chiếm khoảng 72% tổng giá trị sản xuất, trong đó chi phí vật chất khoảng 60% và chi phí dịch vụ 12%. Trong chi phí về vật chất có 2% là sản phẩm nội địa, coi 100% chi phí dịch vụ là sản phẩm nội địa, thuế sản phẩm khoảng 6% trong giá trị sản xuất, thu nhập của người lao động 5% (trong thu nhập của người lao động 90% là thu nhập của lao động thường trú). Như vậy, tỷ lệ giá trị tạo ra cho nền kinh tế khoảng 24%.
Điều này cho thấy giả sử coi sản phẩm của Samsung là của Việt Nam, có gì đó chưa hợp lý. Hoặc nếu nói Samsung không có chút hàm lượng Việt Nam nào cũng không hoàn toàn đúng.
Các FTA Việt Nam tham gia sẽ mở cửa thị trường cho các nước đối tác với Việt Nam, vấn đề là Việt Nam có sẵn sàng? Vấn đề đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa đòi hỏi Việt Nam phải sẵn sàng với các sản phẩm phụ trợ của chính mình, hoặc nguồn nguyên vật liệu từ EU, thay vì nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Dịch Covid-19 đang diễn ra cho thấy khi các doanh nghiệp trong nước mất nguồn cung đầu vào từ Trung Quốc, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam rơi vào đình trệ và sút giảm hoặc mất khả năng cung cấp hàng hóa xuất khẩu cho các nước khác.
Như vậy, dù các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, hay những văn bản có quy định đầu vào này, đầu vào khác là sản phẩm nội địa và cũng có thể các nước đối tác chấp nhận những sản phẩm này nhập khẩu vào nước họ, nhưng tỷ lệ nội địa thực chất thấp sẽ không có ích với nền kinh tế. Những con số về xuất khẩu như vậy chỉ mang ý nghĩa thành tích, không đóng góp vào thực chất giá trị bền vững cốt lõi của nền kinh tế. 

Các tin khác