Kích hoạt cơ chế đặc thù cho Cần Thơ

(ĐTTCO) - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ với nhiều chính sách mới được ban hành, được kỳ vọng tạo động lực, nguồn lực đầu tư mới. Song vấn đề quan trọng là sớm “kích hoạt” vận hành cơ chế để tạo ra nguồn lực thật sự.
Hạ tầng giao thông phát triển mới khai thông kinh tế cho các tỉnh ĐBSCL. Trong ảnh: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị đưa vào vận hành.
Hạ tầng giao thông phát triển mới khai thông kinh tế cho các tỉnh ĐBSCL. Trong ảnh: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị đưa vào vận hành.
Tháo điểm nghẽn, tạo động lực mới
Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, mang đặc trưng của một trung tâm đa chức năng, có sức thu hút, tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng ĐBSCL. Cùng với TPHCM, đô thị này là “2 nút kép” tạo ra không gian phát triển liên vùng, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng Mekong.
Vai trò trung tâm vùng ĐBSCL của Cần Thơ ngày càng thể hiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thông vận tải.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chức năng của một đô thị lớn chưa nổi trội. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, chưa thật sự trở thành hạt nhân liên kết và kết nối, tạo ra đột phá để thực sự trở thành trung tâm động lực cho cả vùng ĐBSCL.
Nguyên nhân được nhận diện chính là thiếu động lực mạnh mẽ, chưa tạo ra nguồn lực lớn để tạo sự phát triển đột phá. Chính vì vậy mà việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ không chỉ tháo điểm nghẽn, mà còn giúp Tây Đô tạo ra động lực phát triển mới. 
Nguồn lực mới tạo ra khi thành phố được chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho vay lại, với tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố không quá 70% số tăng thu được phân chia. Cần Thơ cũng được áp dụng các cơ chế ủy quyền, phân cấp quyết định liên quan phí, lệ phí, ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu này. 
3 điểm nghẽn khác cũng được tháo gỡ, mở đường cho Cần Thơ phát triển. Đó là các quy định liên quan đất đai, quản lý quy hoạch và chính sách thu nhập của cán bộ, công chức theo hiệu quả công việc với mức tăng thêm đến 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi mới về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An, thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được Quốc hội thông qua, không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Cần Thơ mà còn có tính lan tỏa, thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển đối với tất cả các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Tăng quyền, tăng trách nhiệm, năng lực thực thi
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng tính tự chủ phải đi liền với tăng trách nhiệm, đảm bảo sự kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ và HĐND, đặc biệt đối với các lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư, tài chính, ngân sách, đất đai, quản lý đô thị.
Trong thực tế, các chính sách thu hút đầu tư về cơ bản đã được phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương. Nhưng cái mà Cần Thơ cần, người dân cần là sự vượt trội cần thiết phù hợp bối cảnh thực tiễn của địa phương, khả năng cân đối nguồn lực đầu tư công và huy động mạnh mẽ đầu tư toàn xã hội và phải dựa trên năng lực thực tiễn của địa phương.
Cơ chế thí điểm có thể tạo ra nguồn lực mới, nhưng nguồn lực có thực sự được tạo ra hay không phụ thuộc vào hiệu quả thực thi được kích hoạt.
Yêu cầu đó đòi hỏi năng lực tổ chức bộ máy, hiệu quả thực thi của chính quyền TP Cần Thơ, yêu cầu tăng cường liên kết vùng, liên vùng để thu hút các nguồn lực và tác động lan tỏa, cần sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. 
Kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Cần Thơ, giai đoạn 2011-2020 chỉ mới chuyển đổi được 802ha trong tổng số 3.825ha tổng diện tích hạn mức đất trồng lúa cần chuyển đổi, mới đạt 20,97%. Cho thấy “điểm nghẽn” thủ tục và thẩm quyền, nhưng cũng bộc lộ khoảng trống thực thi so chỉ tiêu kế hoạch.
Yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị bộc lộ thời gian qua, triển khai chậm các công trình trọng điểm, thực hiện chức năng của một đô thị lớn chưa nổi trội, cần được khắc phục khi thành phố được trao thẩm quyền lớn hơn, cơ hội được mở ra nhiều hơn, yêu cầu phải cao hơn và trách nhiệm nặng nề hơn.
Câu chuyện nạo vét luồng Định An cho tàu biển lớn vào sông Hậu, cũng như đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản vùng như chợ gạo ở Cần Thơ, chợ trái cây ở Tiền Giang với cách làm cũ, không mang lại hiệu quả mong muốn, cần được rút ra bài học trách nhiệm cho hiện tại. Cơ chế, chính sách mới là rất cần, nhưng quan trọng hơn vẫn là hiệu quả thực thi để không giẫm lên bước đi cũ.
Các cơ chế chính sách mới cũng như việc có được một Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không phải là một phép màu giải quyết tất cả các vấn đề. Nó chỉ tập trung giải quyết những khâu quan trọng về cơ chế, chính sách.
Trung tâm này đặt tại Cần Thơ nhưng có vai trò của cả ĐBSCL nên cần phải được phát huy không gian kinh tế với những kết nối nội vùng ĐBSCL và liên vùng với các khu vực khác trong cả nước.
Xây dựng trung tâm cần gắn với bài học về thị trường, giải bài toán thị trường, rà soát quy hoạch phù hợp với những cơ chế mới. Làm thế nào vận dụng hiệu quả cơ chế chính sách, xây dựng vào phát huy hiệu quả của trung tâm là cơ hội nhưng cũng là thách thức, trách nhiệm lớn cho Cần Thơ.
Mục tiêu thật sự trở thành trung tâm vùng của TP Cần Thơ thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, có đạt được hay không phụ thuộc vào việc sử dụng điểm tựa của các luận cứ khoa học và thực tiễn, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tham gia.
Cần giải bài toán kinh tế - xã hội - môi trường, bố trí nguồn lực “đầu vào” đúng nhu cầu, khả năng đáp ứng và kết quả “đầu ra” trên cơ sở các tiêu chí định lượng và hiệu quả xã hội “chất lượng cuộc sống của người dân” TP Cần Thơ.
Và các cơ chế, chính sách đặc thù đang được kỳ vọng tạo ra nguồn lực đầu tư mới, cần cơ chế chính sách mới cho Tây Đô thời gian tới.

Các tin khác