Kiểm soát giá cả mới ghìm cương lạm phát

(ĐTTCO) - Quý I-2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá ổn định, nhưng đa số nhận định đều cho rằng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Vậy giải pháp nào giữ lạm phát trong tầm kiểm soát và để đạt được tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra? ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong quý I giá cả có xu hướng tăng mạnh như giá xăng, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, chỉ số CPI tăng 1,92%, liệu có phản ánh hết các mức giá tăng trong quý I?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Theo công bố của Tổng cục Thống kê cuối tháng 3, CPI quý I chỉ tăng khoảng 1,92% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lạm phát cơ bản (lạm phát liên quan đến yếu tố tiền tệ) 0,81%. Có nghĩa chỉ số CPI trong quý đầu năm chủ yếu chịu ảnh hưởng từ giá cả như giá xăng dầu, giá một số hàng hóa thực phẩm tăng… đặc biệt có cả tác động tâm lý trên thị trường. Theo tôi số liệu CPI của quý I đã phản ảnh đúng thực tế. 
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng hiện nay kiểm soát giá cả là vấn đề rất quan trọng của kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ nó không phải chỉ ở việc điều chỉnh một số giá cả trên thị trường từ ngày 1-4, mà bên cạnh đó còn là tình hình giá nguyên liệu trên thế giới, có liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu hay liên quan đến những tác động từ cuộc chiến tại Ukraine.
Chẳng hạn, dự báo giá lương thực thế giới sẽ tăng do Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% lượng lúa mì, 1/4 lượng ngũ cốc và dầu thực vật cho thị trường EU. Vì vậy, trong các quý tới, 3 yếu tố gồm giá lương thực, giá nhiên liệu và tắc nghẽn chuỗi cung ứng, sẽ là những vấn đề chúng ta phải quan tâm. Đặt trong bối cảnh chung như vậy, các dự báo về kinh tế thế giới được đưa ra gần đây đều rút giảm mức tăng trưởng GDP năm nay khoảng 1% so với các dự báo trước đó.
- Nói như vậy chỉ số CPI bùng phát vào các quý tới khi giá xăng dầu vẫn cao và giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng “té nước theo mưa”? 
Tập trung kiểm soát giá những mặt hàng do Nhà nước định giá, dự báo tình hình thế giới để điều hành chính sách giá và chính sách tiền tệ thích hợp, là điều phải quan tâm đặc biệt trong năm 2022.
- Như đã nói ở trên, từ tháng 4 chắc chắn chúng ta sẽ quan sát rất kỹ diễn biến tình hình giá cả thế giới, đặc biệt với các bước điều chỉnh giá trong nước. Với mục tiêu CPI năm nay, nếu quý I tăng 1,92%, thì trong những quý tới phải lưu ý một số biện pháp quan trọng mới kiểm soát trong mức 4%.
Thứ nhất, kiểm soát đầu tiên là lạm phát cơ bản, liên quan đến lạm phát về tiền tệ. Đó là gốc vấn đề. Thứ hai, kiểm soát giá cả đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Thí dụ, sang quý III các mức giá về y tế, về giáo dục… phải kiểm soát kỹ, kiềm giữ, đừng để biến động. Ngoài ra, cần có những biện pháp ứng phó với biến động các loại giá như nhiên liệu, thực phẩm… 
Nói tóm lại, tập trung kiểm soát giá những mặt hàng do Nhà nước định giá và dự báo tình hình thế giới để điều hành chính sách giá và chính sách tiền tệ thích hợp, là điều phải quan tâm đặc biệt trong năm nay so với năm 2021. Nếu thực hiện tốt, tôi tin rằng năm 2022 có thể kiểm soát CPI dưới 4% như mục tiêu đề ra.
- GDP quý I tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Ông đánh giá thế nào về khả năng đạt được mức tăng GDP 6-6,5% năm nay?
- Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I đầu tiên là dựa vào công nghiệp. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, một số ngành trong khu vực dịch vụ cũng tăng khá, trong đó hoạt động tài chính ngân hàng (NH), bảo hiểm tăng 9,75%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%.
Quý I tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 12,9%, nhập khẩu tăng 15,9%. Như vậy, cỗ xe tam mã thúc đẩy tăng GDP quý I-2022 tiếp tục là công nghiệp, sức mua thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây cũng sẽ là 3 động lực chính từ nay đến cuối năm để duy trì tốc độ tăng trưởng. 
Như vậy, dự báo kinh tế nước ta năm nay tăng trưởng xoay quanh mức 6-6,5% là hoàn toàn có thể đạt được. Hiện chúng ta đang triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội 350.000 tỷ đồng. Đây sẽ là một trong các yếu tố kích tổng cầu, và theo báo cáo gần đây cho biết đang triển khai tương đối có hiệu quả trên tất cả các mặt.
Hiện có ý kiến lo ngại việc thực hiện gói hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, tác động đến GDP, nhưng tôi cho rằng gói này sẽ không phải là nguyên nhân có thể gây lạm phát, mà lạm phát đến từ những yếu tố đã phân tích ở trên. Vì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được khối lượng tiền tệ và dòng tiền bên trong, nên không có chuyện triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là áp lực cho lạm phát.
- Đi cùng với phục hồi kinh tế và lạm phát, chính sách tiền tệ năm nay nên đi theo hướng nào?
- Theo tôi, hiện nay chủ trương của Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Bởi một số gói hỗ trợ hiện nay thực hiện thông qua chính sách tiền tệ và triển khai thông qua hệ thống NHTM. Do đó, vấn đề đầu tiên là cơ chế phối hợp, phối hợp trong cả việc tăng mức tín dụng, trong cả vấn đề phát hành trái phiếu chính phủ tạo được dòng tiền tốt nhất.
Vì hiện nay, NHTM có nguy cơ tăng nợ xấu nội bảng do việc khoanh nợ giãn nợ theo Thông tư 01/2020, Thông tư 03/2021 và Thông tư 14/2021 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19. 
Vậy nên, NHNN vẫn thực hiện chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, nhưng phải bám sát các mục tiêu trong chương trình hỗ trợ. Đồng thời, cần kiểm soát tốt dòng tín dụng đi ra, nhất là dòng tín dụng vào thị trường bất động sản, kể cả tín dụng cho các dự án đầu tư, tín dụng cho người mua đều phải được kiểm soát chặt chẽ và theo dõi đường đi của dòng tiền.
Chính sách tiền tệ phải phục vụ mục tiêu tăng trưởng, đồng thời phải thực hiện được chức năng quan trọng nhất của NHNN là kiểm soát được lạm phát cơ bản, tức lạm phát về tiền. Hiện các nước đang thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng Việt Nam đang thực hiện chương trình phục hồi. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, so sánh giữa USD và VNĐ tỷ giá lại giảm, đó là những vấn đề cần phải tính toán. 
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng dù có tác động từ lạm phát nhập khẩu trên thế giới, nhưng mỗi nước cũng đều có chính sách khác nhau. Nhìn trên tổng thể, dù có thể có biến động giá dầu, nhưng tôi tham khảo 5-6 dự báo của các tổ chức quốc tế, chưa có dự báo nào nhắc đến nguy cơ trì lạm trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam có ảnh hưởng tình hình thế giới ở mức độ nào đó nhưng vẫn trong tầm có thể phát triển được.
Nếu chúng ta phát triển đồng bộ đúng chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tôi tin rằng năm nay các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô sẽ đạt được, tức tăng trưởng 6-6,5%, lạm phát kiểm soát dưới 4% và giữ ổn định thị trường tài chính tiền tệ. Cho đến hiện tại, các đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế chưa thấy có đánh giá nào bi quan về tình hình của Việt Nam. 
- Xin cảm ơn ông.
 Không có chuyện triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là áp lực cho lạm phát, tác động đến GDP, vì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được khối lượng tiền tệ và dòng tiền bên trong.

Các tin khác