Kiểm soát tham nhũng khu vực công

(ĐTTCO) - Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017 công bố ngày 4-4, cho thấy đang có sự cải thiện tích cực trong khu vực công. 
Điểm đáng lưu ý của PAPI 2017 là chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng điểm cao nhất, phản ánh tham nhũng khu vực công giảm.
Cảm nhận tham nhũng giảm
Có 6 chỉ số nội dung được đánh giá trong PAPI 2017: sự tham gia của người dân cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
Kết quả phân tích dữ liệu thống kê PAPI 2017 cho thấy một số xu thế tích cực, cải thiện được ghi nhận về tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân. Các thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công đã thuận tiện hơn, đặc biệt việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công có kết quả tích cực.
Báo cáo PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam khảo sát hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Từ năm 2009 đến 2017, báo cáo PAPI đã ghi nhận ý kiến của 103.059 người dân trên cả nước. 
Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công trong năm 2017 đạt 6,15 điểm, tăng 0,35 điểm so với 2016. Mức tăng này có ý nghĩa đáng kể nếu nhìn lại kết quả khảo sát đánh giá PAPI những năm gần đây.
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên Hiệp quốc, đại diện thường trú Cơ quan Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP), đánh giá chỉ số kiểm soát tham nhũng năm 2017 có xu hướng đảo chiều so với các năm trước. Kết quả khảo sát PAPI giai đoạn 2013-2016, chỉ số kiểm soát tham nhũng đều giảm điểm, nhưng năm 2017 tăng điểm. Điều này phản ánh những nỗ lực chống tham nhũng của Trung ương đang có kết quả, tác động tích cực tới địa phương.
Kết quả khảo sát PAPI 2017 ghi nhận tỷ lệ người phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 23% (năm 2016) xuống 17% (năm 2017); tỷ lệ người phải đưa hối lộ cho nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện/quận giảm từ 17% (2016) xuống mức 9% (2017).
Tuy nhiên, mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng tiếp tục gia tăng. Mức tiền bị vòi vĩnh trung bình buộc người dân phải tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức địa phương năm 2017 là 27,5 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với mức trung bình năm 2016.
Năm 2017 có 33 địa phương có tiến bộ trong kiểm soát tham nhũng so với năm 2016, nhưng cũng có 6 tỉnh, thành phố thụt lùi so với kết quả khảo sát năm trước. Các địa phương có nhiều cải thiện trong công tác kiểm soát tham nhũng là Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai, An Giang, với mức tăng điểm đạt trên 20% so với cùng kỳ năm trước.
“Dù người dân đánh giá nỗ lực kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền năm 2017 tốt hơn vài năm trước, song mức độ hài lòng chưa đạt mức của năm 2012. Vì vậy, những nỗ lực kiểm soát tham nhũng vẫn cần được duy trì” - ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.
Kiểm soát tham nhũng khu vực công ảnh 1 Mức độ vòi vĩnh trong thủ tục làm giấy tờ nhà đất giảm đáng kể. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).  
Nâng chất lượng dịch vụ công
Đối với các chỉ số còn lại, 13 tỉnh, thành phố có tiến bộ về chỉ số tham gia người dân cấp cơ sở; 27 tỉnh, thành được đánh giá tiến bộ về trách nhiệm giải trình; 8 địa phương tiến bộ về thủ tục hành chính công; và 8 địa phương có tiến bộ so với năm 2016 về cung ứng dịch vụ công. Nhìn chung hiệu quả cung ứng dịch vụ thủ tục hành chính cho người dân không thay đổi nhiều qua 2 năm 2016 và 2017.
Năm 2017 chỉ có 8 tỉnh, thành phố có mức tăng về điểm trên 5%. Bạc Liêu và Bình Phước là 2 địa phương có mức tăng nhiều nhất khoảng 7%. Người dân hài lòng hơn với dịch vụ 1 cửa và quy trình, thủ tục hành chính của 3 nhóm dịch vụ chứng thực, xác nhận; cấp phép xây dựng; dịch vụ hành chính cấp xã, phường. Riêng thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người sử dụng vẫn phàn nàn nhiều, chất lượng dịch vụ cấp giấy chứng giảm nhẹ từ 2,64 điểm (2016) xuống 2,55 điểm (2017), tính theo thang điểm 0-4.
Về cung ứng dịch vụ công đang có chiều hướng thay đổi tích cực trong hiệu quả cung ứng dịch vụ. Các tỉnh Vĩnh Long, Quảng Trị có mức tăng điểm về cung ứng dịch vụ công trên 5%, trong khi Đà Nẵng, Bình Dương là 2 địa phương có mức sụt giảm trên 5% so với năm 2016.
Khảo sát PAPI 2017 ghi nhận chất lượng và điều kiện dạy học của các trường công lập tăng nhẹ, trong khi chất lượng và điều kiện khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến huyện, quận giảm nhẹ trong 2 năm gần đây. Hiện đang có sự khoảng cách lớn giữa chất lượng giáo dục tiểu học, và chăm sóc sức khỏe cho người dân giữa các địa phương.
Khảo sát PAPI 2017 cũng cho thấy tỷ lệ người dân phản ánh hộ gia đình bị thu hồi đất tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2017. Khảo sát người dân tại 63 tỉnh, thành phố chỉ ghi nhận 7% số người trả lời cho biết gia đình họ bị thu hồi đất trong năm 2017, thấp hơn tỷ lệ 9% trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Song bồi thường thu hồi đất vẫn là vấn đề đáng quan ngại, bởi tỷ lệ người bị thu hồi đất hài lòng với mức tiền bồi thường thu hồi giảm. Năm 2014 có 36% người dân bị thu hồi đất cho rằng giá bồi thường xấp xỉ giá thị trường, nhưng năm 2017 tỷ lệ này giảm xuống còn 21%.

Các tin khác