Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Kiến nghị 9 nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt

(ĐTTCO) - LTS: Dịch Covid-19 trên thế giới đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến tất cả các mặt đời sống kinh tế - xã hội. Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc của đại dịch Covid-19. 

Ở nước ta, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đã đạt thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra. Từ thực tiễn vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, có bài viết phân tích tình hình, qua đó đề xuất 9 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội giai đoạn 2020 - 2021. Báo SGGP trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết đến bạn đọc.

I. DIẾN BIẾN DỊCH TRÊN THẾ GIỚI VÀ CÁC NƯỚC ĐÃ CHUYỂN GIAI ĐOẠN

Ngày 11-3-2020, đúng 70 ngày từ ngày 1-1-2020 và 2 tháng sau khi có ca chết đầu tiên vì COVID-19 ở Trung Quốc, WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 toàn cầu. Chỉ sau 3 tháng ghi nhận ca chết đầu tiên (11-1 đến 11-4-2020), đã có 207 nước bị mắc COVID-19 chiếm 99% dân số thế giới và 99% GDP toàn cầu. 

Phân tích diễn biến dịch từ tháng 1- 2020 đến tháng 5-2020 trên thế giới có thể rút ra 3 nhận xét sau (Hình 1)

1. Xu hướng lây nhiễm toàn cầu từ cuối tháng 3-2020 đến cuối tháng 5-2020 không thay đổi.

Số ca mắc mới trên thế giới vẫn tăng và ở mức cao, cụ thể: Ngày 20-2-2020, thế giới chỉ có 977 ca mắc mới nhưng đến ngày 26-5-2020 có 99.000 ca mắc mới (gấp hơn 100 lần). Dự báo đến giữa tháng 6-2020, số ca mắc trên toàn thế giới sẽ đạt mức 7 triệu người mắc (Hình 1).

 Số người mắc đang được điều trị là chỉ số quan trọng thể hiện mức độ khống chế dịch COVID-19 của mỗi nước (số mắc mới mỗi ngày và năng lực điều trị của hệ thống y tế). Đến ngày 26-5-2020, thế giới có 2,8 triệu người mắc đang điều trị và có xu hướng tăng lên, chưa có dấu hiệu suy giảm (Hình 1). 

Số người chết hàng ngày tăng cao từ tháng 2 đến tháng 4-2020 và có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 5-2020: trong tháng 2-2020, bình quân 1 ngày có 94 người chết; trong tháng 3-2020, bình quân 1 ngày có 1.269 người chết; trong tháng 4-2020, bình quân 1 ngày có 6.384 người chết; đến tháng 5-2020, bình quân 1 ngày có 4.532 người chết (Hình 1).

2. Việc lây nhiễm COVID-19 diễn ra mạnh ở các khu vực khác nhau vào các thời gian khác nhau, hình thành các trung tâm dịch của thế giới ở các giai đoạn:

 - Từ tháng 1 đến tháng 3-2020: Trung Quốc là nơi bùng phát dịch và là trung tâm dịch của thế giới.

- Từ tháng 3 đến tháng 5-2020: châu Âu là trung tâm dịch của thế giới.

- Từ tháng 4 đến tháng 6-2020: Bắc Mỹ đã trở thành trung tâm dịch của thế giới, chiếm 33,4% số người mắc toàn thế giới. Riêng Mỹ giữa tháng 6-2020 dự báo sẽ có 2 triệu người mắc (Hình 2).

- Từ tháng 5 đến tháng 7-2020: Nam Mỹ có nguy cơ trở thành trung tâm dịch của thế giới, dự báo có 1 triệu người mắc vào tháng 7-2020.

- Câu hỏi đặt ra là: Việc lây nhiễm COVID-19 ở châu Phi sẽ thế nào, có trở thành một trung tâm dịch tiếp theo của thế giới hay không?

3. Bùng phát dịch, việc chuyển giai đoạn trong phòng chống dịch ở các nước và đất nước an toàn dịch trong trạng thái bình thường mới.

- Theo khảo sát số liệu ca mắc tại một số nước châu Âu (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh) trong tháng 3-2020 và tháng 4-2020, khi số ca mắc đạt 1.000 người tại một nước thì số ca mắc sẽ tăng lên gấp đôi cứ sau 3 - 4 ngày; tức là ca mắc sẽ tăng vọt từ 1.000 người lên 32.000 người chỉ sau 14 - 19 ngày và đạt 64.000 người mắc chỉ sau 20 đến 27 ngày.

- Đối với mỗi nước, giai đoạn đầu có người mắc COVID-19 thì số người bị mắc đang được điều trị ở các bệnh viện sẽ tăng lên, sau đó đạt đỉnh và giảm dần. Thời điểm đạt đỉnh chính là thời điểm chuyển giai đoạn chống dịch ở mỗi nước. Trung Quốc đã chuyển giai đoạn vào 18-2-2020, Hàn Quốc 12-3-2020, Campuchia 26-3-2020 (Hình 4), Brunei 27-3-2020, Việt Nam 30-3-2020 (Hình 3), Úc 4-4-2020. Đến nay đã có ít nhất 21 nước trên thế giới đã chuyển giai đoạn.

Theo đó, nước có thời gian từ khi có người mắc đầu tiên đến khi chuyển giai đoạn ngắn nhất là Brunei (17 ngày) và nước có thời gian chuyển giai đoạn dài nhất là Singapore (111 ngày), bình quân thời gian chuyển giai đoạn của 21 nước là 64 ngày.

- Từ Hình 1 cho thấy, việc lây nhiễm trên toàn thế giới vẫn đang gia tăng, số người mắc đang điều trị ở bệnh viện vẫn đang tăng, chưa dự báo được lúc nào đạt đỉnh và sau đó giảm dần. Tức là chưa dự báo được thời gian chuyển giai đoạn của phòng chống dịch COVID-19 trên toàn thế giới.

- Từ kinh nghiệm thực tiễn các nước có thể xác định ngưỡng an toàn dịch COVID-19 với một nước là không quá 10 người mắc đang điều trị/1 triệu dân. Với mức 10 người mắc đang điều trị/1 triệu dân thì năng lực y tế của các nước nói chung là đủ khả năng chữa trị hoàn toàn và kiểm soát, cách ly mọi ca mắc, hạn chế lây lan ở mức cao hơn.

Ở các nước này vẫn có thể xảy ra lây nhiễm cục bộ tại một số khu dân cư, nhà thờ, trường học, trại dưỡng lão, song được cô lập và kiểm soát kịp thời, triệt để, đất nước vẫn được coi là an toàn dịch nếu số người mắc phải điều trị không quá 10 người/1 triệu dân. Đó là trạng thái bình thường mới.

II. KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 CỦA VIỆT NAM

Đến ngày 26-5-2020, Việt Nam có 327 người mắc, 55 người mắc đang điều trị, chưa có người tử vong, đứng thứ 144/213 quốc gia, vùng lãnh thổ về số ca mắc trên thế giới; đứng thứ 6/10 quốc gia về số ca mắc trong cộng đồng Đông Nam Á - ASEAN (Hình 3).

Nếu đánh giá quốc gia an toàn về dịch trong trạng thái bình thường mới bằng tiêu chí không quá 10 người mắc đang điều trị/1 triệu dân thì Việt Nam (dân số khoảng 97 triệu người) chưa bao giờ đạt ngưỡng 970 người đang điều trị và là một quốc gia có lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, song chưa có “dịch COVID-19”. Ngày 30-3, Việt Nam chuyển giai đoạn khi chỉ có 1,8 người mắc đang điều trị/1 triệu dân, sau đó giảm dần, hiện nay là 0,6 người/1 triệu dân. Đến đầu tháng 6-2020, Việt Nam không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Số ca mắc được ghi nhận hiện nay chủ yếu từ số người nước ngoài về được cách ly tập trung (Hình 3). 

Cần lưu ý là không chỉ Việt Nam có lây nhiễm COVID-19 song không có “dịch COVID-19”, mà còn một số nước khác cũng như vậy: Campuchia lúc cao nhất chỉ có 88 người mắc được điều trị, trong khi ngưỡng an toàn là 167 người mắc (dân số gần 16,7 triệu người) (Hình 4). Lào lúc cao nhất chỉ có 19 người mắc phải điều trị, trong khi ngưỡng an toàn là 72 người mắc (dân số 7,2 triệu người) (Hình 5). Myanmar lúc cao nhất có 129 người mắc phải điều trị, trong khi ngưỡng an toàn là 544 người mắc (dân số 54,4 triệu người).

Tức là 4 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar đều có lây nhiễm trong cộng đồng song chưa có dịch COVID-19, vì tỷ lệ người mắc phải điều trị trên 1 triệu người dân chưa bao giờ quá 1,8 ở Việt Nam; 2,4 ở Myanmar; 2,6 ở Lào và 5,2 ở Campuchia, thấp hơn ngưỡng an toàn 10 người mắc/1 triệu dân.

Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt số người từ nước ngoài vào Việt Nam, phát hiện và cách ly kịp thời các trường hợp đã bị mắc COVID-19, thì Việt Nam hoàn toàn có thể giữ số người mắc đang điều trị ở các bệnh viện không quá 970 người (10 người trên 1 triệu dân), tức Việt Nam là một nước có mắc COVID-19, song không có dịch, an toàn về dịch COVID-19, đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Trong suốt thời gian qua, lúc cao nhất ở Việt Nam chỉ có 178 người mắc phải điều trị ở các bệnh viện (Hình 3).

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và kiến nghị 9 nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 1

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và kiến nghị 9 nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 2

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và kiến nghị 9 nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 3

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và kiến nghị 9 nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 4

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và kiến nghị 9 nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 5

III. DỰ BÁO KHẢ NĂNG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI CỦA NHÓM CÁC QUỐC GIA, VÙNG LÃNH THỔ ĐỐI TÁC ĐẦU TƯ LỚN NHẤT VIỆT NAM NĂM 2019

Trong 10 quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác đầu tư chiếm tổng cộng khoảng 90% giá trị đầu tư nước ngoài ở Việt Nam năm 2019, có 8/10 quốc gia, vùng lãnh thổ đã chuyển giai đoạn từ tháng 2-2020 đến tháng 5-2020 gồm Hàn Quốc, Hồng Công, Singapore, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands) và Thái Lan (Bảng 1). 

Trong đó, có 5/10 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đạt ngưỡng an toàn là Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Thái Lan và Quần đảo Virgin thuộc Anh; 2/10 quốc gia dự kiến đạt được ngưỡng an toàn tháng 6-2020 là Hàn Quốc và Nhật; 2/10 quốc gia chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Singapore và Hà Lan. Có 1/10 quốc gia chưa biết chuyển giai đoạn vào lúc nào là Hà Lan do không công bố số người mắc đang điều trị. Có 1/10 quốc gia không có trường hợp mắc COVID-19 là Samoa. 

Có thể dự báo từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020, có 8/10 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ là nước an toàn về dịch COVID-19 và có thể xúc tiến đầu tư lại vào Việt Nam gồm Hàn Quốc, Hồng Công, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Samoa, Thái Lan và dự báo năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài có thể phục hồi, đạt khoảng 70% tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2019. Điều này ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 và 2022.

IV. DỰ BÁO THƯƠNG MẠI CỦA VIỆT NAM VỚI NHÓM CÁC QUỐC GIA, VÙNG LÃNH THỔ ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT VIỆT NAM NĂM 2019

Trong 14 quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm khoảng 80% tổng giá trị thương mại của Việt Nam, có 10/14 quốc gia, vùng lãnh thổ đã chuyển giai đoạn từ tháng 2-2020 đến tháng 5-2020 gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Đức, Hồng Công, Úc và Singapore (Bảng 1). 

Trong đó, 4/14 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đạt ngưỡng an toàn là Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Công; 4/14 quốc gia dự kiến đạt được ngưỡng an toàn tháng 6-2020 là Hàn Quốc, Nhật, Đức và Úc; có 2/14 quốc gia đã chuyển giai đoạn nhưng chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Malaysia và Singapore. Có 4/14 quốc gia chưa chuyển giai đoạn là Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và Hà Lan. 

Có thể dự báo từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020, có 8/14 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ là nước an toàn dịch COVID-19 và có thể phục hồi thương mại 2 chiều với Việt Nam gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Đài Loan, Đức, Hồng Công, Úc và dự báo trong năm 2020, tổng giá trị thương mại có thể phục hồi sẽ bằng khoảng 85% tổng giá trị thương mại tại Việt Nam năm 2019. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020.

V. DỰ BÁO DU LỊCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM TỪ NHÓM CÁC QUỐC GIA, VÙNG LÃNH THỔ ĐỐI TÁC DU LỊCH QUỐC TẾ LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM NĂM 2019

Diễn biến dịch COVID-19 hiện nay đã làm tê liệt ngành du lịch của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong 8 quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác du lịch quốc tế lớn nhất chiếm khoảng 80% số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đã có 6/8 quốc gia, vùng lãnh thổ chuyển giai đoạn từ tháng 2-2020 đến tháng 4-2020 gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Malaysia và Thái Lan (Bảng 1). 

Trong đó, 3/8 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đạt ngưỡng an toàn là Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan; 2/8 quốc gia dự kiến đạt được ngưỡng an toàn trong tháng 6 năm 2020 là Hàn Quốc và Nhật; 1/8 quốc gia chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Malaysia. Có 2/8 quốc gia chưa chuyển giai đoạn là Mỹ và Nga. 

Có thể dự báo từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020, có 5/8 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ là nước an toàn dịch COVID-19 và có thể phục hồi khách du lịch đến Việt Nam gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Thái Lan và dự báo trong năm 2020, số lượng khách du lịch quốc tế có thể phục hồi bằng khoảng 40% (hơn 7 triệu khách) tổng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019.

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động, doanh thu của ngành du lịch Việt Nam và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020.

VI. TÌNH HÌNH LÂY NHIỄM COVID-19 Ở CÁC QUỐC GIA ASEAN

Trong 10 quốc gia là thành viên ASEAN, có 8/10 quốc gia đã chuyển giai đoạn từ tháng 3-2020 đến tháng 5-2020 gồm Campuchia, Brunei, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Lào, Myanmar và Singapore. 

Trong đó, 6/10 quốc gia đã đạt ngưỡng an toàn dịch là Campuchia, Brunei, Việt Nam, Thái Lan, Lào và Myanmar; 2/10 quốc gia chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Malaysia và Singapore. Đáng lưu ý là 4 nước Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia tuy có lây nhiễm COVID-19, song thực sự chưa có dịch do tỷ lệ người mắc điều trị ở bệnh viện chưa bao giờ vượt quá 6 người/1 triệu dân và ngày 24-5-2020 có số người mắc đang điều trị không quá 1,4 người/1 triệu dân thì đều là các nước có Phật giáo là tôn giáo lớn nhất. Nếu xem xét 1 nước khác đã là an toàn dịch COVID-19 từ tháng 5-2020 và có số người mắc đang điều trị là 1 người/1 triệu dân là Thái Lan thì cả 5 nước này đều có Phật giáo là tôn giáo lớn nhất.

Như vậy, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có thể phối hợp với các nước tiến hành các hoạt động chung tại 6 nước: Campuchia, Brunei, Việt Nam, Thái Lan, Lào và Myanmar từ tháng 6-2020. Đại biểu từ các nước Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines khi tham gia các hoạt động trên cần được kiểm tra tình trạng sức khỏe, đảm bảo không bị mắc, trước khi tham dự các hoạt động chung.

VII. KIẾN NGHỊ 9 NHÓM GIẢI PHÁP PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN KINH TẾ, ỔN ĐỊNH XÃ HỘI VIỆT NAM

Đến nay, qua dự báo nêu trên có thể thấy các ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế Việt Nam năm 2020 và 2021 và xuất hiện các thời cơ như sau: 

1. Sự gián đoạn các quan hệ hợp tác quốc tế:

- Do dịch ở các nước trên thế giới, trong 17 nước, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế và du lịch quan trọng nhất của Việt Nam (chiếm 80% về thương mại, 90% về đầu tư nước ngoài, 80% về du lịch nước ngoài, Bảng 1), có 16 nước, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Vì vậy nhu cầu nhập khẩu, khả năng xuất khẩu và khả năng người dân đi du lịch nước ngoài ở các nước này giảm mạnh so với năm 2019, chừng nào các nước này chưa trở lại trạng thái bình thường mới và là nước an toàn dịch COVID-19.

- Trong 17 đối tác kinh tế quan trọng nhất này, có 10 nước, vùng lãnh thổ sẽ an toàn dịch vào tháng 6 đến tháng 8-2020 (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Công, Đức, Úc, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Samoa, Bảng 1). 

- Ở 7 nước thuộc nhóm 17 nước, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế quan trọng nhất mà hiện nay họ chưa trở lại trạng thái bình thường mới, chưa an toàn dịch (Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Singapore, Malaysia, Hà Lan và Nga), cần theo dõi chặt chẽ kết quả chống dịch COVID-19 của họ, để khi họ là nước an toàn dịch, ta phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch với họ được sớm nhất và thận trọng, an toàn dịch.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch khẩn trương để phối hợp với từng nước: chuẩn bị, khuyến khích phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại 2 chiều và du lịch một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng nước. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phát huy vai trò tích cực của quan hệ kinh tế với nước ngoài của Việt Nam, biến dự báo phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch nêu trên thành hiện thực và có thể cải thiện hơn.

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và kiến nghị 9 nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 6

2. Tăng trưởng kinh tế giảm, thu nhập của người lao động giảm, thất nghiệp và phá sản tăng:

- Qua phân tích và dự báo bước đầu ở trên nhiều khả năng năm 2020:

* Đầu tư nước ngoài giảm khoảng 30% so với năm 2019,

* Thương mại quốc tế giảm khoảng 15% so với năm 2019,

* Khách du lịch quốc tế giảm khoảng 60% so với năm 2019,

thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 và năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh (ngày 14-4-2020, IMF dự báo GDP của Việt Nam năm 2020 tăng khoảng 2,7%, Ấn Độ 1,9%, Nhật -5,2%, Hàn Quốc -1,2%, Singapore -3,5%, Mỹ -5,9% và Anh -6,5%, còn kinh tế toàn cầu tăng trưởng - 3%).

- Do nhu cầu nhập khẩu của thế giới, của các nước nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam giảm đáng kể năm 2020 và đầu năm 2021, các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu không thể sử dụng hết năng lực sản xuất đã đầu tư phải tạm ngưng sản xuất, thậm chí đóng cửa, thu nhập của người lao động sẽ giảm và một bộ phận lao động sẽ không có việc làm kéo dài. 

Khi thu nhập của người lao động khu vực sản xuất xuất khẩu và du lịch giảm mạnh, thì sức mua của họ với hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước cũng giảm, từ đó các đơn vị sản xuất và dịch vụ trong nước cũng không thể phục hồi như trước khi có dịch COVID-19 toàn cầu. Điều này sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoặc đóng cửa.

Như vậy áp lực hỗ trợ duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp và đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động sẽ lớn, đòi hỏi phải có nguồn chi lớn cho mục đích này trong khi nguồn thu ngân sách lại giảm.

3. Thời cơ gia tăng sản xuất trong nước và phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ 4.0:

- Việc giảm nhập khẩu một số nguyên liệu, vật tư cần cho sản xuất trong nước, do các cơ sở sản xuất nước ngoài phải dừng khi nước này còn dịch, thì đây là cơ hội cho phát triển các cơ sở sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu này. Về lâu dài sẽ làm cho kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc vào nước ngoài hơn, tăng chuỗi giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.

- Việc thu nhập của lao động trong nước và của nước ngoài giảm trong năm 2020 - 2021, dẫn đến áp lực cung cấp các giải pháp cho sản xuất và dịch vụ có chi phí thấp hơn sẽ tăng, để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể cạnh tranh thắng lợi. Đây là cơ hội để các giải pháp sản xuất, dịch vụ áp dụng các công nghệ 4.0 phát triển và cơ hội để đưa ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mới.

Do đó, ngay trong giai đoạn hiện nay, 2020 - 2021, cần đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, chuẩn bị các giải pháp và sản phẩm để người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường trong nước và quốc tế với tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2021 - 2025.

Từ các nhận định trên và kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, tôi xin đề xuất 9 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội 2020 - 2021 như sau:

1. Hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp và người lao động để cuối năm 2020, số doanh nghiệp phải phá sản không quá 15% tổng số doanh nghiệp đã hoạt động tháng 12-2019 (các giải pháp của Chính phủ và địa phương cần làm rõ nguồn hỗ trợ ở đâu, bao nhiêu, lúc nào).

2. Có kế hoạch cụ thể, thiết thực với từng nước, vùng lãnh thổ từ tháng 6-2020 đến tháng 6-2021 để tận dụng cơ hội phục hồi đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và du lịch nước ngoài của 17 nước, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam.

3. Khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu với lợi thế về nhân lực (chi phí lao động không cao, chất lượng lao động được nâng cao) và công nghệ 4.0 do người Việt Nam tạo ra.

4. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, hình thành phong trào “Khởi nghiệp sáng tạo - cơ hội cho Việt Nam phát triển 2021 - 2025 - 2030”.

5. Thay đổi cơ chế quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng để phát huy cao nhất tác dụng của đầu tư công và đầu tư tư nhân (có một luật để sửa các mâu thuẫn, chồng chéo, giữa các luật thuộc 3 lĩnh vực nói trên).

6. Triển khai chương trình quốc gia “Số hóa tài nguyên kinh tế và hạ tầng xã hội Việt Nam 2020 - 2023” làm cơ sở chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế sang kinh tế số từ năm 2024.

7. Triển khai Cuộc vận động toàn xã hội “Tiết kiệm để phát triển sản xuất và ổn định xã hội 2020 - 2021”.

8. Giám sát chặt chẽ các thị trường và chi ngân sách, kiềm chế, giữ vững lạm phát theo chỉ tiêu của Quốc hội.

9. Phát huy truyền thống văn hóa của Việt Nam - Nhà nước và Nhân dân cùng chia sẻ, hợp tác để mọi người nghèo, thu nhập thấp được hỗ trợ, không để người dân, gia đình rơi vào hoàn cảnh cùng cực.

Các tin khác