Kìm lạm phát từ giá xăng dầu

(ĐTTCO) - Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, là nhận định được đưa ra khá phổ biến trong thời gian gần đây. Nhưng áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm là thực tế, và điều này sẽ tác động rất lớn đến những nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ. Câu hỏi là chúng ta phải tập trung điều chỉnh nhân tố nào để “níu” đà tăng của lạm phát?
Kìm lạm phát từ giá xăng dầu
Giá xăng dầu bào mòn nỗ lực phục hồi kinh tế
Số liệu kinh tế vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố vào cuối tháng 6, cho thấy tình hình giá cả những tháng đầu năm có nhiều diễn biến phức tạp và theo chiều hướng ngày càng tăng cao. Trong 6 tháng qua, điểm nổi cộm được dư luận quan tâm là việc tăng giá xăng dầu và những tác động của nó đến sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống tiêu dùng xã hội.
Tính đến thời điểm tăng giá ngày 13-6, xăng dầu đã tăng giá 12 lần, giảm giá 3 lần. Giá xăng đã lên mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, trên 32.000 đồng/lít, giá dầu diezel cũng xấp xỉ 30.000 đồng/lít. 
Thực tế, ta vẫn phụ thuộc khá lớn vào thị trường xăng dầu, thành phẩm của thế giới, sản xuất trong nước chỉ đảm nhiệm được 70%, nên việc tăng giảm giá theo giá thế giới là tất yếu. Điều quan trọng, chúng ta xem xét thực hiện việc tăng giá như thế nào trong điều kiện thực tế từng thời kỳ, phù hợp với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp (DN) và người dân.
Đầu tiên, hãy nhận định về những tác động của việc tăng giá đối với sản xuất kinh doanh dịch vụ. Khi xăng dầu tăng giá liên tiếp, với biên độ mạnh trong một thời gian ngắn, trước hết nó có tác động ngay đối với giá thành vận chuyển của DN vận tải hàng hóa và công cộng.
Chi phí xăng dầu chiếm đến 35-40% trong chi phí vận chuyển, vài tháng qua một số đơn vị vận tải tuy có bị lỗ song cũng vẫn cân nhắc trong việc tăng giá cước để đảm bảo hoạt động bình thường. 
Đối với ngư dân, nhiều tàu thuyền đã tạm nằm bờ, vì đánh bắt với giá xăng dầu cao không đủ bù đắp chi phí khi bán sản phẩm thu hoạch được, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Một số tỉnh như Khánh Hòa có đến 50% tàu cá không hoạt động. Nhìn chung, đây là giai đoạn khó khăn nhất sau 2 năm đại dịch, các đơn vị chưa kịp hồi phục, tác động của giá xăng dầu đã bồi thêm những khó khăn mới cho họ.
Đời sống tiêu dùng của người dân cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Bởi khi giá cước vận tải hàng hóa, logistics tăng cao do xăng dầu, sẽ lập tức làm giá cả hàng hóa tăng lên nhiều đợt, những mặt bằng giá mới đã hình thành trong 5 tháng qua. Biên độ tăng giá thấp nhất 5-10%, có mặt hàng đến 25-30%, thậm chí tăng gấp đôi.
Sự biến động giá của các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, rau, hoa quả, đường kính, sữa, dầu ăn… đã tác động trực tiếp đến bữa cơm hàng ngày của các gia đình trong giai đoạn hiện nay, nhất là với người nghèo, công nhân, nông dân, người về hưu... 
Cuối cùng, những quyết định tăng lương và thu nhập có lúc không đủ bù đắp tình hình trượt giá ngoài xã hội, những số liệu công bố chính thức của TCTK thực chất chưa phản ảnh đầy đủ tình hình lạm phát thực tế ở nước ta, các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đến việc này.

Liên bộ “né” trách nhiệm?
Thực tế về những khó khăn nêu trên cho thấy, giá xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tăng giá làm giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa tăng, sự phát triển của DN và đời sống người dân đang gặp những khó khăn cần phải có những giải pháp tức thời và mạnh mẽ hơn.
Vậy nếu muốn cởi nút thắt về giá hiện nay chỉ có thể tìm cách giảm thuế phí xăng dầu, soát xét lại chi phí, lợi nhuận định mức trong chuỗi kinh doanh xăng dầu hiện nay, cộng thêm các biện pháp khác như các nghị quyết của Chính phủ đã ban hành trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. 
Dư luận đòi hỏi các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sớm nhận ra những khó khăn nêu trên, đưa ra các giải pháp để đề xuất với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quyết định sớm, bởi bây giờ đã qua nửa năm 2022.
Tính từ thời điểm dư luận, các chuyên gia có ý kiến về giảm thuế phí xăng dầu cho đến nay đã khoảng gần 3 tháng, nhưng mới có thuế môi trường giảm 2.000 đồng/lít (giảm 50%, và ngày 6-7 giảm thêm 1.000 đồng/lít), còn lại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức vẫn chưa có đề xuất của 2 bộ.
Những câu trả lời của 2 bộ về những vấn đề trên chưa có tính thuyết phục. Các bộ cho rằng giảm giá xăng dầu sẽ dẫn tới buôn lậu xăng dầu. Dư luận đặt câu hỏi vậy lực lượng hàng vạn chiến sĩ công an, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường được giao nhiệm vụ này đang làm gì? Chính họ đang tham gia ngăn chặn buôn lậu xăng dầu trên thị trường đó sao?  
Một ý kiến khác của 2 bộ là khi giảm thuế phí xăng dầu sẽ khiến hạch toán không đầy đủ giá trị của hàng hóa, nguy cơ Việt Nam bị kiện bán phá giá, trợ cấp có khả năng xảy ra. Ý kiến này không chuẩn xác, bởi Malaysia và một số nước khác đã giảm thuế phí thậm chí bằng 0, để hỗ trợ DN và người dân. Ở Malaysia xăng bán lẻ hiện nay chỉ 13.000 đồng/lít, nhưng họ có bị kiện đâu?
Trả lời câu hỏi tại kỳ họp tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính và Công Thương nói đang tiếp tục nghiên cứu rồi sẽ đề xuất với Quốc hội xem xét. Hiện nay giá xăng dầu tại Việt Nam đã tăng đến 60% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19, vậy các bộ không biết nghiên cứu đến lúc nào mới đề xuất giảm thuế phí?
Trong khi đó dư luận coi việc này rất cấp bách, giảm thuế phí để cứu cả nền kinh tế và giảm bớt những khó khăn trong chi tiêu của các hộ gia đình. Từ tình hình chậm trễ đề xuất giảm thuế phí của 2 bộ, dư luận mong muốn Quốc hội, Chính phủ trong thẩm quyền của mình, nếu thấy việc giảm thuế phí là hợp lý sớm chỉ đạo 2 bộ này xây dựng các phương án để có quyết định ngay.  
  Nếu muốn cởi nút thắt về giá hiện nay chỉ có thể tìm cách giảm thuế phí xăng dầu, soát xét lại chi phí, lợi nhuận định mức trong chuỗi kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Các tin khác