Kinh nghiệm xuất khẩu hàng Việt vào EU

(ĐTTCO) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. 
Gạo chất lượng cao được người tiêu dùng chọn lựa tại hệ thống Emart Ảnh: THANH HẢI
Gạo chất lượng cao được người tiêu dùng chọn lựa tại hệ thống Emart Ảnh: THANH HẢI
Tuy nhiên, khi hàng rào thuế quan đuợc gỡ bỏ thì hàng rào kỹ thuật mới sẽ được thiết lập và buộc các doanh nghiệp (DN) phải vượt qua.
Chuẩn bị kỹ lưỡng 
Công ty Trung An vừa xuất khẩu thành công 150 tấn gạo thơm ST20 và Jasmine trong tháng 8-2020 với giá khá cao, 600 USD/tấn với gạo Jasmine và 1.008 USD/tấn với dòng ST20. Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, đây không phải lần đầu tiên DN xuất khẩu gạo sang EU, nhưng dấu ấn đặc biệt vì đây là những lô gạo đầu tiên được xuất đi khi EVFTA có hiệu lực và được bán với thuế suất 0%.
Để có được thành quả này, Trung An đã có quá trình chuẩn bị về kỹ thuật để đạt tiêu chuẩn vào thị trường EU từ năm 2011. Công ty phải mất 3 - 4 năm cải tạo đất để sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ. Bên cạnh đó, Trung An phải bảo đảm các yếu tố về xuất xứ hàng hóa, chất lượng kho bãi, điều kiện môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… 
Sản phẩm bột rau má Orama của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt được nhiều khách hàng EU ưa chuộng, đặc biệt tại Hà Lan. Rau má được bán dưới dạng tươi chỉ vài chục ngàn đồng 1kg, nhưng sáng kiến sản xuất ra các sản phẩm như bột rau má hay nước rau má dừa đã giúp Orama không có đối thủ cạnh tranh. Theo bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt, hiện tại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không cạnh tranh nhiều với hàng nội địa của EU do khác biệt về phân khúc.
Nhưng để phát triển bền vững và khai thác tốt nhất các lợi thế từ EVFTA, công ty sẽ phải lên kế hoạch cho lâu dài và chuẩn bị tăng quy mô sản xuất. Ngoài ra công ty cũng phải khắc phục khó khăn trong việc tìm vùng nguyên liệu an toàn vì các loại bột rau má, bột rau dấp cá, bột tía tô… cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của EU thì mới có thể gia tăng sản lượng trong thời gian tới. 
Vượt rào cản về quy chuẩn
Bàn về lợi thế của nông sản Việt Nam khi có EVFTA, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau quả đang là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. EVFTA cũng không có hạn chế về mặt hàng và kim ngạch, nên không phải đàm phán từng mặt hàng cụ thể. Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào sang EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam và đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Đây cũng chính là điểm khác biệt của EVFTA so với các FTA ký trước đó, đồng thời cũng là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng rau quả của Việt Nam so với Trung Quốc và Thái Lan khi họ chưa có FTA với EU. 
Cụ thể, những mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu thô thì thuế không thay đổi nhiều, do đang ở mức thấp 0%-5%, nhưng với nhóm hàng đã qua chế biến và chế biến sâu, thì thuế sẽ chênh lệch khá nhiều, giảm từ mức trên dưới 10% xuống 0%. Do đó, muốn gia tăng xuất khẩu thì bắt buộc hàng nông sản Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices - thực hành nông nghiệp tốt). 
Ông Nguyễn Huy, chuyên gia tiêu chuẩn từ dự án “Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập” cho rằng, bộ tiêu chuẩn GlobalGAP tồn tại từ trước tới giờ không có gì thay đổi, tức là không có chuyện phía EU dựng thêm hàng rào kỹ thuật để làm khó nhà xuất khẩu Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta cần tuân thủ và có sự chuẩn bị thật kỹ để đáp ứng tốt nhất tiêu chí từ phía đối tác đưa ra. Khi hàng hóa xuất khẩu thành công vào EU cũng đồng nghĩa sẽ gia nhập các thị trường khác tốt hơn. 
Chia sẻ về kinh nghiệm chinh phục những thị trường bằng sản phẩm cao cấp, ông Phạm Thái Bình cho biết, ông không ngại “gõ cửa” các cơ quan chức năng, ban ngành trong nước và nước ngoài để tìm hiểu cơ hội, các quy chuẩn cụ thể đối với từng thị trường để thỏa mãn yêu cầu dù là khắt khe nhất.
Bởi lẽ, nếu muốn mở rộng cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa thì đây là con đường tất yếu của DN Việt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. EU là thị trường đòi hỏi rất khắt khe với nhóm hàng nông sản, trong đó các lô hàng xuất khẩu phải đồng đều, không được trồi sụt về “phong độ”, bằng không DN sẽ tự đánh mất cơ hội của mình.

Các tin khác