Kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng vi mô rất lo

(ĐTTCO) - Thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, phản ứng chính sách của các nước rất bất trắc. Việt Nam sẽ thế nào trong tình thế thay đổi này và cần có đối sách nào, giải pháp gì. Bởi chính sách sai lầm cái giá phải trả và phí tổn khắc phục rất lớn. 

Chính sách tiền tệ phải hài hòa cùng chính sách tài khóa và vĩ mô, không thể vì an toàn mà siết chặt. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chính sách tiền tệ phải hài hòa cùng chính sách tài khóa và vĩ mô, không thể vì an toàn mà siết chặt. Ảnh: VIẾT CHUNG
Rủi ro tiềm ẩn và thách thức hiện hữu
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững và lựa chọn chính sách thế nào không chỉ là chủ đề nóng trong các cuộc thảo về điều hành vĩ mô, còn là sự trông đợi của doanh nghiệp (DN).
Dù tình hình kinh tế 7 tháng tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhưng các bộ ngành, địa phương và DN đều thấy được áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm ngày càng gia tăng. 
“Thế giới nhiều bất ổn, bất trắc, phản ứng chính sách của các nước trên thế giới cũng bất trắc, bất ổn, qua đó ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, cực kỳ khó dự đoán” - PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu vấn đề.
Trên thế giới, lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá và cạnh tranh chiến lược gay gắt, nhiều nước đã thay đổi định hướng chính sách. Những thay đổi này khiến thị trường bị thu hẹp, tác động tới chuỗi cung ứng, giá xăng dầu và nguyên vật liệu tăng cao… gây ra những rủi ro, thách thức cho nền kinh tế trong nước. 
Những khó khăn, thách thức và rủi ro được chỉ ra khá rõ trong báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư gửi Chính phủ: Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Nhưng áp lực tăng giá ngày càng gia tăng, khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước. Đã vậy lại tiềm ẩn rủi ro đến cân đối ngân sách và có thể ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu tài chính công, vay, trả nợ công. Cán cân thương mại đối mặt với rủi ro thiếu bền vững…  
 Các chỉ số chung đang tốt, nhưng nếu chỉ ổn định vĩ mô là giữ lạm phát thấp, theo đó là chính sách thắt chặt khiến DN khó phục hồi, sẽ là bất ổn vĩ mô.
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN 
Trong nông nghiệp, người dân hạn chế tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến nên có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt, hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). 
Thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, có thể ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy nếu có biến động xảy ra nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán.
Dòng vốn FDI có chất lượng chưa cao, suy giảm từ năm 2020 đến nay, kéo theo nhiều khó khăn về phát triển sản xuất trong nước, ổn định vĩ mô và có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn. Điều này tạo áp lực rất lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành…

Ổn định vĩ mô, tập trung vi mô
Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, cần hết sức linh hoạt và nhanh nhạy khi điều hành; phải tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, trong đó chính sách tiền tệ cần thận trọng, chắc chắn.
“Chúng ta đã có bài học từ những bất ổn của năm 2010-2011. Chúng ta đã rất nỗ lực để chữa những bất ổn đó nhằm giữ ổn định vĩ mô. Nhưng đến nay 10 năm rồi vẫn có vấn đề chưa xử lý được, như nợ xấu” - TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu, nói. 
Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ kiểm soát lạm phát, còn là tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư, là sự lành mạnh của hệ thống tài chính, là cán cân thanh toán, ngân sách, nợ công…
“Cần dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa. Đây cũng là sơ sở để thực hiện chương trình phục hồi kinh tế giảm áp lực lên ổn định vĩ mô không dùng nhiều chính sách tiền tệ. Sau nhiều năm tích lũy, chúng ta đã có được dư địa tài khóa để thực hiện điều này” - TS. Thành nhận định. 
Cũng cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu BIDV, cho rằng Việt Nam có đủ yếu tố giúp kiềm chế lạm phát mà vẫn đảm bảo nguồn lực cho phục hồi và tăng trưởng.
Theo chuyên gia này, chúng ta có thể yên tâm với mục tiêu kiềm chế lạm phát vì đang đảm bảo tốt nguồn cung các đầu vào thiết yếu cho nền kinh tế. Công tác phối hợp điều hành chính sách thời gian qua tiến hành khá tốt như giảm thuế, phí đối với xăng dầu để hạ nhiệt giá xăng; siết chặt tín dụng chảy vào những lĩnh vực phi sản xuất… 
Nói về việc cần phản ứng chính sách kịp thời, có giải pháp đúng, trúng với liều lượng phù hợp, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhấn mạnh: “Không nên phản ứng quá mức, cần bình tĩnh. Chúng ta đã có kinh nghiệm trải qua những điều kiện ngặt nghèo trước đây, nên nay có thể vượt qua được. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao, các nước tăng lãi suất, điều hành lãi suất như vừa rồi của NHNN là rất linh hoạt”.     
Thống nhất quan điểm phải giữ ổn định vĩ mô, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh thêm ở khía cạnh vi mô: “Chúng ta có dư địa, có kinh nghiệm nên sẽ thành công trong ổn định vĩ mô. Nhưng vi mô thật sự lo. Chính phủ cần tập trung nhiều hơn vào vấn đề vi mô”.
Theo TS. Cung, hiện DN bị mất mát rất lớn do đại dịch nên đang rất yếu. Bây giờ chi phí đầu vào tăng cao nhưng đầu ra không thể tăng ngay hoặc chỉ tăng một phần, nên đã xuất hiện tình trạng DN thu hẹp, sản xuất cầm chừng, không có đầu tư mới cho tương lai. Vi mô yếu không có động lực tăng trưởng. 
PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích: DN yếu, không trả được nợ sẽ gây rủi ro rất lớn, thậm chí bất ổn cho hệ thống ngân hàng. Năm 2011 chúng ta sợ lạm phát nên siết chặt tín dụng quá mức, nền kinh tế điêu đứng vì thiếu vốn.
Trong bối cảnh đầy bất trắc hiện nay, lạm phát thế giới tăng cao, DN chưa khỏe lại, cứ giữ mục tiêu lạm phát ở 4% như ở điều kiện bình thường và chính sách giảm quá đà sẽ rất nguy hiểm, chi phí để giữ lạm phát rất đắt và sau này trả giá sẽ rất lớn.
“Cân bằng phải là cân bằng động, không phải cân bằng tĩnh, vì cân bằng tĩnh sẽ bất ổn” - ông Thiên nói.  

Các tin khác