Lãi suất đang “nóng”, trái phiếu còn “nóng hơn”

(ĐTTCO) - Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần 4 thêm 0,75% vào tuần qua, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, Fed phát đi quan điểm “hỗn hợp” sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. 
Lãi suất đang “nóng”, trái phiếu còn “nóng hơn”
Vẫn biết đây là động thái đã được báo trước khi Fed lên kế hoạch, nhưng NHTW các nước buộc phải “đu theo” để thắt chặt chính sách tiền tệ, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ dòng vốn tháo chạy và đồng nội tệ suy yếu hơn.
Theo phân tích của Bloomberg, các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang chịu áp lực điều chỉnh lãi suất nhiều hơn sau động thái của Fed, nhất là các nước có mức lãi suất thấp. Bởi nếu không tăng khoảng cách lãi suất với Mỹ sẽ bị thu hẹp, dòng vốn bị rút ra khỏi thị trường trái phiếu (TP) của các nước châu Á là điều sẽ không thể tránh khỏi. 
Đầu năm 2022, NHNN Việt Nam tìm cách duy trì lãi suất ổn định để hỗ trợ nền kinh tế, và quan trọng nữa là để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vì đã tiêu hao rất nhiều năng lực sau 2 năm dịch bệnh. Tuy nhiên, sau các đợt tăng mạnh lãi suất của Fed, chỉ số DXY (chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với 6 loại ngoại tệ trong rổ tiền tệ) tăng mạnh tạo áp lực mất giá lên VNĐ.
Hiện tại, VNĐ đã mất giá khoảng 9% so với cuối năm 2021. Trong 2 tháng 9 và 10 vừa qua, NHNN đã 2 lần thực hiện nâng lãi suất điều hành và 4 lần thực hiện nâng giá bán USD, trong khi đã phải nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VNĐ sau 7 năm giữ nguyên. 
Như vậy, NHNN Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng để đối phó với khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, với sự linh hoạt hiện tại của NHNN thì các thành viên trên thị trường sẽ là điểm cuối hứng chịu sức nặng.
Bởi khi đó thanh khoản VNĐ suy yếu do NHNN hút tiền về để điều hành tỷ giá, trong khi tiền gửi trên thị trường 1 tăng rất chậm, còn tốc độ huy động vốn chỉ bằng 1/3 tốc độ cho vay. Theo đó, các NHTM buộc “đốt nóng” lãi suất đầu vào để có nguồn vốn thì đương nhiên lãi suất cho vay sẽ tăng. 
Lúc này, lẽ ra thị trường vốn có thể chia sẻ gánh nặng với thị trường NH, bằng cách DN sẽ chủ động huy động vốn qua TP, thay vì phụ thuộc vào các nhà băng để giảm nhiệt lãi suất. Nhưng, thị trường TPDN Việt Nam hiện đang đi vào giai đoạn “đóng băng”, do các quy định phát hành được sửa đổi theo hướng siết hơn, còn lòng tin của người mua TPDN giảm sút.
Vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, những người không có khả năng phân tích tình hình tài chính của DN phát hành, đã liên tiếp gặp các “cú sốc” liên quan đến một số DN phát hành TP. Còn với nhà đầu tư tổ chức cũng ngần ngại đối với kênh này. 
TPDN là thị trường không thể thiếu với một nền kinh tế như Việt Nam. Và thực ra những “cú sốc” vừa qua chỉ là một vài DN trên tổng số rất nhiều DN phát hành. Do vậy bất ổn tâm lý của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đối với TPDN trong thời điểm hiện tại cần phải được giải tỏa từ các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên ngành, cơ quan có thẩm quyền cao nhất. Nếu không khai thông được kênh này, trong khi kênh vốn NH bị “mắc kẹt” trong chính sách tiền tệ bất ổn của thế giới mà Việt Nam không ngoại lệ, thì nền kinh tế dễ lâm vào cảnh… rất khó đoán định.
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam (VBMA), trong 3 tuần đầu tháng 10-2022, không có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận. Đã vậy, do mất niềm tin nhiều nhà đầu tư rút vốn khiến DN phát hành phải đẩy mạnh hoạt động mua lại trước hạn.
Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị TP đã được các DN mua lại là 142.458 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021). Đã có tổ chức khuyến cáo, các nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ không dựa trên đánh giá được sức khỏe tài chính của DN phát hành.
Song khuyến cáo này khó thay đổi được tâm lý bất ổn đang bao trùm thị trường. Và đối với Việt Nam, ở thời điểm hiện tại việc Fed tăng lãi suất có lẽ không thể “nóng” bằng câu chuyện liên quan đến TPDN. 

Các tin khác