Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện các FTA

(ĐTTCO)-Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về chủ đề này sau 25 năm Việt Nam tham gia và thực thi các FTA.
Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện các FTA

Chiều ngày 12-10-2020, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 49 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giải quyết vướng mắc liên quan đến đất quốc phòng, an ninh; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về: Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; Báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2020.
Cho ý kiến việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen cho các xã đặc biệt khó khăn, thuộc Chương trình 135; Báo cáo về tình hình thực hiện các Dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận), hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An); đồng thời, cho ý kiến về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác để thực hiện các dự án trên.

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ bàn về công tác nhân sự, trong đó có việc bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội và miễn nhiệm thành viên Chính phủ để nhận nhiệm vụ khác.

Sau phần khai mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về chủ đề này sau 25 năm Việt Nam tham gia và thực thi các FTA.

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm 1 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018.
Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. “Có ý kiến cho rằng đi nhanh quá, mở rộng quá, có ý kiến lại cho rằng cần mở rộng hội nhập hơn nữa. Báo cáo cần khẳng định là việc thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên đã đem lại lợi ích chính đáng cho Việt Nam, bước đầu có khó khăn nhưng lâu dài sẽ có kết quả tích cực”, ông Phùng Quốc Hiển nhận định.

Đáng lưu ý, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan tâm đến đến trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt – Trung đã tăng gấp 16 lần trong giai đoạn 2004 - 2019 (từ 7,2 tỷ USD lên 116,9 tỷ USD). Đây cũng là đối tác thương mại có trị giá xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao trong trị giá xuất nhập khẩu chung của cả nước (chiếm 19,7% trong năm 2019). Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại (nhập siêu) với Trung Quốc với trị giá nhập siêu lớn, tăng từ 1,72 tỷ USD trong năm 2004 lên đến 34 tỷ USD trong năm 2019.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, điều này cho thấy chúng ta vẫn chưa thoát được việc phụ thuộc vào một vài nền kinh tế lớn và gần Việt Nam. Thực tế này cần được đánh giá sâu hơn để có những giải pháp phù hợp.

Một thực tế khác được Đoàn giám sát lưu ý chính là việc xử lý các vụ tranh chấp thương mại. Tính đến hết tháng 5-2020, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận và xử lý 174 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam. Trong đó bao gồm 99 vụ việc chống bán phá giá, 18 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 34 vụ việc tự vệ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu có con số cụ thể hơn về kết quả giải quyết các vụ việc trên. Ông đặt câu hỏi: “Bao nhiêu vụ thắng, bao nhiêu vụ thua, nguyên nhân là gì? Cơ quan tư pháp, các văn phòng luật sư có đủ năng lực để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài hay chưa”? Theo ông, Việt Nam có hơn 10.000 luật sư, nhưng số người có thể tham gia giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài rất hiếm, phần lớn là phải thuê bên ngoài với chi phí rất cao.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao hiệu quả của việc nước ta tham gia các FTA cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao. Trong số những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, có việc sửa đổi Luật Công đoàn, chính sách ưu đãi cho khu vực FDI hài hòa với chính sách đối với doanh nghiệp trong nước. Bà nhấn mạnh: "Khi giám sát tôi đau đáu nhất nội dung này”.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nâng cao vai trò của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát việc triển khai thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội để nội luật hóa các cam kết trong FTA đúng theo lộ trình.

Các tin khác