Làn sóng lao động hồi hương - Rào cản trong phục hồi kinh tế

(ĐTTCO) - Khi các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng được áp dụng ở TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, cùng với đó sự thiếu phối hợp trong triển khai các giải pháp chống dịch giữa các ngành và chính quyền địa phương đã ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội và ổn định cuộc sống. Điều này đã tạo ra một làn sóng di chuyển lao động lớn chưa từng có. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu để kéo những người lao động này quay trở lại thì quá trình khôi phục sản xuất để thúc đẩy phục hồi kinh tế sẽ rất khó khăn.


Bài 1: Lao động hồi hương và vấn đề chính sách

Khi người lao động, công nhân của các nhà máy, khu công nghiệp rời đi sẽ hình thành sự thiếu hụt trong lao động của các doanh nghiệp. Điều này cộng hưởng với đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đã gây ra hiện tượng mất mát đơn hàng, hợp đồng và thậm chí là các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn sẽ khiến các khu công nghiệp và khu chế xuất “chết lâm sàng”, làm cho nền kinh tế không còn động lực để phục hồi và phát triển. 

Đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Tính đến ngày 13-8-2021, có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở 19 tỉnh/thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách phải ngừng việc.
Đây chủ yếu là lao động phổ thông, không có kỹ năng chuyên môn cao nên có thu nhập thấp. Họ đã rút ra một nhận định là nếu tiếp tục bám trụ ở các thành phố lớn để làm việc tại các khu công nghiệp sẽ có cuộc sống rất bấp bênh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vô cùng bất định.
Kết quả khảo sát về tình hình người lao động từ ngày 1-8-2021 đến 8-8-2021 được thực hiện bởi Ban IV và VnExpress đã phản ánh phần nào những khó khăn mà người lao động gặp phải. Thời gian mất việc từ 1-3 tháng chiếm 50%, tương tự từ 3-6 tháng là 16% và trên 6 tháng là 15%.
Bên cạnh đó, khả năng duy trì sinh kế của người lao động là rất hạn hẹp thông qua thời gian có thể cầm cự với dòng tiền tích lũy rất eo hẹp, 50% người lao động cho thấy chỉ có thể cầm cự dưới 1 tháng. Trong khi đó, họ còn phải gánh chịu thêm các áp lực cuộc sống khác như chi trả cho việc giáo dục con cái online (41,2%), nuôi dưỡng người thân bị cách ly (28,5%), xét nghiệm Covid-19 (22,9%). 
Làn sóng lao động hồi hương - Rào cản trong phục hồi kinh tế ảnh 1
Do đó, một kịch bản sẽ xảy ra là có một số lượng lớn những lao động thuộc đối tượng này họ sẽ tìm những sinh kế mới, xoay quanh cuộc sống ở quê nhà và không cố gắng để quay lại với đời sống công nhân trước đây.
Nếu phần lớn lực lượng lao động trở về quê có tính dài hạn, chắc chắn sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Khi khống chế được dịch, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp và nhà máy sẽ mất vài tháng đến hàng năm để tuyển dụng lại lao động và phục hồi sản xuất. 
Đáng nói hơn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm là TPHCM có quan hệ trực tiếp với các chuỗi giá trị toàn cầu, việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của cả nước mà còn ảnh hưởng nhất định đến chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều này là một tổn thất rất lớn đến các điểm xếp hạng và thương hiệu của TPHCM, cũng như cả nước trong vấn đề thu hút đầu tư, tài trợ và cạnh tranh.

Hiệu quả của các chính sách hỗ trợ
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam tới nay, Chính phủ đã có hàng loạt động thái hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Số liệu từ báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã cho thấy Chính phủ đã gia hạn, miễn, giảm khoảng 123.600  tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí.
Trong đó, gia hạn nộp 87.200 tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 36.400 tỷ đồng. Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh bùng phát khốc liệt hơn, Chính phủ đã có Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 để hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với quy mô 26.000 tỷ đồng, bao gồm: miễn, giảm, hoãn đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí, tử tuất, cho vay trả lương, hỗ trợ tiền ăn...
Gói hỗ trợ theo nội dung Nghị quyết 68 đã được điều chỉnh về mặt phạm vi, đối tượng hỗ trợ so với năm 2020 theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, duy trì và chuẩn bị để doanh nghiệp có thể tái sản xuất, người lao động có thể tái gia nhập thị trường lao động.
Cụ thể, các chính sách về lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp có thể tiếp cận vay vốn nhằm chi trả lương cho các lao động tạm ngừng việc, hướng đến phục hồi sản xuất. Có 7/12 nội dung trong Nghị quyết 68 liên quan đến việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh.
Điển hình như hỗ trợ cho người lao động có thể duy trì việc làm với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng lại khó tiếp cận với gói hỗ trợ trong năm 2020 vì hầu hết đều là lao động tự do đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. 
Sau đó, do dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, khiến cho các biện pháp giãn cách phải được siết chặt và mở rộng, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục gặp khó khăn nghiêm trọng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh song song với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Làn sóng lao động hồi hương - Rào cản trong phục hồi kinh tế ảnh 2 Ảnh minh họa.
Điểm khác biệt từ Nghị quyết 105 chính là quy định rõ cách thức phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong công tác chống dịch và duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, phải đồng bộ và chặt chẽ. Điều này sẽ khắc phục được các bất cập trong thời gian qua như “giấy phép con” ở mỗi địa phương, hàng hóa vận chuyển liên tỉnh, liên vùng bị tắc nghẽn bởi cách thức phòng, chống dịch bất nhất hay vì sợ trách nhiệm của người điều hành. 
Các giải pháp của Nghị quyết 105 nếu được triển khai kịp thời, hiệu quả chính là “phao cứu sinh” khẩn cấp khi mà nguồn lực và mức độ chống chịu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã bị bào mòn, thậm chí là suy kiệt, cùng với những bất ổn vĩ mô trong thời gian qua.
Nghị quyết cũng đã ghi rõ phấn đấu đến hết năm 2021 sẽ có ít nhất 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng. 
Ngoài ra, để các chủ thể này quay lại sản xuất, các chính sách hỗ trợ khác tiếp tục được thực thi như: gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động. 
Các tổ chức tín dụng được khuyến khích miễn, giảm lãi phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo nới lỏng, linh hoạt các quy định, điều kiện trong cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Có thể nhận thấy Nghị quyết 105/NQ-CP đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp mang tính bao quát, dựa trên những khó khăn mà các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang đối mặt. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là làm sao khi dịch bệnh được kiểm soát và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh quay lại hoạt động thì có đủ lực lượng lao động để vận hành các quy trình này.
Do đó, cần phải có các giải pháp đồng bộ, hệ thống và quyết liệt để kéo người lao động, công nhân từ các vùng quê quay trở lại với nhà xưởng, máy móc, thiết bị, trở lại với hoạt động sản xuất-kinh doanh trước đây.

-------------------
Kỳ tới: Đón người lao động quay trở lại

Các tin khác