Lỗ hổng chính sách BOT và ETC

(ĐTTCO) - Việc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC “dọa” trả lại dự án thu phí tự động không dừng ETC đang triển khai, cùng với những khoản vay nợ của các doanh nghiệp đầu tư dự án BOT đang dần chuyển sang nợ xấu ở các ngân hàng, là minh chứng cho sự thất bại về chính sách trong điều hành.

Tính toán sai từ đầu
Thực trạng của các dự án BOT hiện nay, được ví như “cục máu đông” về tín dụng cho ngân hàng và “mớ bòng bong” cho cơ quan chủ quản là Bộ GTVT, không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã biểu hiện những bất thường ngay từ khi bắt đầu thực hiện từ nhiều năm trước.
Đó là những tính toán sai lầm từ các bên tham gia ngay từ đầu, khi cho rằng có thể thực hiện được các dự án đúng như kế hoạch và thu về đủ số vốn đã bỏ ra đầu tư cũng như tiền lãi dự tính. Vì thế, khi các bên xây dựng kế hoạch, họ đã tương đối dễ dãi về mặt chi phí, nên đã chi rất nhiều vào các khoản khác, không chỉ là đầu tư đơn thuần. Đó có thể là chia phần trăm cho “bên A, bên B”, hay “phí bôi trơn”, khiến con số vốn đầu tư bị đẩy lên cao nhiều lần so với giá thực.
Thực ra, nhà đầu tư vẫn có thể thu hồi vốn và lãi đúng như kế hoạch, tức họ vẫn có thể trả được nợ vay ngân hàng, nếu chính sách không thay đổi và người dân không phản ứng gay gắt - điều đã diễn ra trong suốt thời gian qua và vượt ra ngoài dự kiến của doanh nghiệp. Nhưng ở đây có thể thấy doanh nghiệp đã gặp phải rủi ro do chính họ gián tiếp tạo ra, không phải do nguyên nhân khách quan.
Lỗ hổng chính sách BOT và ETC ảnh 1 Trạm thu phí BOT Cai Lậy - Tiền Giang cho đến nay vẫn chưa thu phí trở lại vì nhiều vấn đề tranh chấp chưa được giải quyết.
Bởi doanh nghiệp thu phí từ các trạm BOT quá cao, đặc biệt việc đặt các trạm thu phí tại những điểm người dân không có sự lựa chọn nào khác. Đây là sự “cưỡng ép” người dân, dẫn đến việc bị người dân phản ứng mạnh mẽ. Kết quả, các trạm BOT hoạt động không đúng như dự tính, nguồn thu không được đảm bảo, phát sinh nợ xấu tại ngân hàng. Trong khi đó, nguồn vốn dự trữ nhằm đảm bảo chia sẻ những rủi ro của doanh nghiệp đầu tư cho BOT đã không còn, dẫn đến thực trạng bi đát như hiện nay. 
Có thể nói, khâu tính toán, lập kế hoạch và giám sát của các bên cho dự án BOT đều có vấn đề ngay từ đầu. Từ khâu lập kế hoạch, triển khai đến giám sát, hoạt động đều mang tính chủ quan, không xét đến các yếu tố khách quan khác (ý kiến người dân, đánh giá của các tổ chức giám sát quốc tế độc lập, chia sẻ rủi ro).
Nhưng điều đáng nói là khả năng điều hành về mặt chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này đã tỏ ra quá yếu. Chính sách nhà nước là để điều chỉnh các lợi ích sao cho hài hòa, hợp lý, đảm bảo cho sự phát triển chung. Khi chính sách yếu sẽ dễ dàng bị các “nhóm lợi ích” vượt qua hoặc can thiệp để làm cho méo mó, không còn giữ được tính công bằng. 
Câu chuyện các dự án BOT đã cho thấy điều đó - một minh chứng rõ nét nhất cho sự thất bại của chính sách. Chính sách không đủ mạnh nên đã tạo điều kiện để “nhóm lợi ích” trỗi dậy, can thiệp, lái theo hướng có lợi cho họ. Sửa sai về chính sách nói thì dễ, nhưng thực hiện được cũng rất khó khăn, nhất là khi nó đã để lại những hậu quả, di chứng cho nền kinh tế mà có thể dư âm còn kéo dài nhiều năm nữa.

Cần rà soát lại toàn bộ
Về sự việc của VETC, đã có nhiều ý kiến khác nhau bàn về hướng xử lý vấn đề này. Chưa vội bàn đến những giải pháp cụ thể, trước mắt đây là lúc cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ các dự án đã và đang triển khai, cũng như nợ xấu ngân hàng của các doanh nghiệp đầu tư BOT. Đây là yếu tố có tính chất kỹ thuật, không chỉ là giải pháp tạm thời như kiến nghị giãn nợ, giảm nợ.
Nội dung rà soát cũng cần phải được mở rộng, kể từ khâu lập kế hoạch dự án ban đầu cho đến những khoản chi phí của doanh nghiệp cho dự án BOT. Cụ thể, phải xác định rõ các khoản chi của doanh nghiệp có chính xác là cho đầu tư dự án, có hợp lệ, hay là chi “ngoài luồng”, là “phí bôi trơn”, chia chác nhau. Chỉ khi rà soát, đánh giá và có đầy đủ thông tin, khâu tiếp theo mới bàn đến việc giải quyết như thế nào.
Đối với các khoản nợ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đầu tư cho dự án BOT, sau khi xác định là sử dụng đúng mục đích, đầu tư toàn bộ cho dự án thực sự, tùy từng mức độ có hướng giải quyết sao cho hợp lý, như có thể gia hạn nợ. Đây cũng là cách chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với những khoản vốn vay ngân hàng doanh nghiệp chi không hợp lý, không dùng để đầu tư cho dự án BOT mà chi cho việc khác, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, không thể buộc ngân hàng gánh đỡ việc này.
Cuối cùng là hệ quả từ chính sách. Chính sách đúng đắn, hợp lý, công khai, minh bạch sẽ đủ sức cân bằng, phân phối, điều hành các lợi ích trong xã hội để hướng đến lợi ích chung, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng khi chính sách yếu kém, dẫn đến bị can thiệp làm cho méo mó, thậm chí bị thao túng, sẽ để lại những hậu quả khôn lường. 
Trường hợp các dự án BOT là bài học đắt giá cho cơ quan chức năng trong tạo lập và điều hành chính sách. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được xem xét để thông qua, có thể sẽ là cơ sở để “vá” những lỗ hổng về chính sách trong thời gian qua. Nhưng, ngay cả khi đã có luật, nền tảng công khai, minh bạch vẫn phải được xem là yếu tố hàng đầu để đảm bảo rằng luật được thực thi đúng đắn. 
 Thực trạng của các dự án BOT hiện nay không phải bây giờ mới xảy ra, nó đã biểu hiện những bất thường ngay khi bắt đầu thực hiện từ nhiều năm trước. Đây là bài học đắt giá cho cơ quan chức năng trong tạo lập và điều hành chính sách.

Các tin khác