Lo ngại chất lượng tăng trưởng, nợ công

(ĐTTCO) - Trong 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2017 và năm 2018, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã chỉ ra không ít bất cập trong phát triển kinh tế hiện nay, cũng như nỗi lo ngân sách khi nợ công sát ngưỡng cho phép, thu khó khăn, trong khi tính hiệu quả trong chi vẫn còn là dấu hỏi.
 
Lo ngại chất lượng tăng trưởng, nợ công
Tăng trưởngkhông theo logic
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhận xét số liệu tăng trưởng các năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng giữa các quý lên xuống đột ngột không theo logic. Các quý cuối năm tăng trưởng rất cao nhưng sang quý I năm sau giảm xuống rất nhanh và đột ngột. Nếu lý giải do quý I vào dịp Tết nên sản xuất giảm sút không thuyết phục, vì khoảng thời gian này được bù đắp bởi tiêu dùng và du lịch nên có giảm sút cũng không thể giảm quá sâu. 
Đồng thời, sản xuất cũng không thể đình trệ đột ngột trên diện rộng để GDP rơi tự do như diễn biến mấy năm gần đây. Như quý IV-2015 tăng trưởng đạt 7,01%, ngay lập tức quý I-2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%, giảm hơn 22%. Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý II, quý III và đạt mức cao 6,68% ở quý IV-2016, nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý I-2017, còn 5,1%. Và hiện GDP đang tăng tốc ở các quý cuối năm 2017, quý III đạt 7,46% và dự báo quý IV 7,31%. Vậy quý I-2018 liệu có thoát khỏi quy luật bất thường này và nếu tăng trưởng bộc lộ những điểm nghẽn bất hợp lý, trái với logic thông thường? Đề nghị Chính phủ làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay không để tình trạng này tiếp tục xảy ra ở các quý đầu năm.
Liên quan đến tăng trưởng GDP của năm 2018, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), nhìn nhận dù đã có những thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá nhưng vẫn lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm. Đó là Samsung không thể tăng trưởng vài chục phần trăm như quý III-2017; Formosa không thể tăng sản lượng đột biến; đồng USD trên thị trường thế giới không thể năm nào cũng mất giá mạnh tới 10% để xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm… 
Tăng trưởng kinh tế cao, nhưng gần 60% doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng làm ăn không có lãi. Trong 10 tháng năm 2017 số thành lập mới hơn 100.000 doanh nghiệp, nhưng số giải thể và tạm ngừng hoạt động cũng lên tới 60.000 doanh nghiệp. Để đạt được sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn, Chính phủ vẫn cần tập trung khơi thông các nguồn lực trong nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thông qua đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm các chi phí cả chính thức và không chính thức.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết theo thông lệ nhiều năm và gần như trở thành quy luật, hoạt động sản xuất, kinh doanh của quý I bị ảnh hưởng có yếu tố chu kỳ, đó là Tết Âm lịch, lễ hội, kết thúc của năm ngân sách, yếu tố mùa vụ. Hiện tượng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm và quý I năm sau thấp hơn quý IV của năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Quỹ Tiền tệ quốc tế nhìn nhận. Cũng theo ông Dũng, trong tổng giá trị GDP của năm, bình quân giá trị GDP của quý I chiếm 18%, quý II chiếm 24%, quý III chiếm 26%, quý IV chiếm 32%.
Tuy vậy, trong tranh luận ngay sau đó, ĐB Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh, có 2 nguyên nhân khác cần quan tâm. Thứ nhất, chúng ta đang cố tăng trưởng bằng mọi giá, những giải pháp đưa ra các quý cuối năm là những giải pháp ngắn hạn. Trước đây, các năm 2013, 2014 không như vậy, các quý tăng trưởng đều nhau, nhưng bắt đầu từ năm 2015, 2016 chúng ta bán thêm dầu và khai thác thêm tài nguyên, khoáng sản bán để đảm bảo cho quý III, IV tăng trưởng.Vì thế sang quý sau bị hụt hơi nên tăng trưởng bị giảm sút. 

Nỗi lo nợ công chưa dứt
Theo nhiều ĐB, bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm. Nợ công dự báo đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu tỷ đồng; trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7-8% tổng chi ngân sách nhà nước. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng - xấp xỉ 1/2 số tiền bán vốn nhà nước trong 5 năm. Khả năng trả nợ rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đáo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng nợ. Dự báo đến năm 2020 nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252.000 tỷ đồng. Nợ công cao nhưng nhiều năm nay vẫn chưa ưu tiên giảm bội chi để trả nợ. Tinh giản biên chế không đạt mục tiêu nên thực hiện giảm chi bộ máy không hiệu quả. 
Qua thanh tra, kiểm toán còn nhiều dự án, nhiều khoản chi sai xuất toán thu hồi; vốn ODA cứ ký vay nhưng không bố trí đủ dự toán, dẫn đến chưa đủ, chưa sử dụng để đầu tư, trong khi vẫn phải trả phí cam kết. Công trình kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, kế hoạch trung hạn bố trí 300.000 tỷ đồng vốn ODA mới chỉ đáp ứng được 70-80% cam kết đã ký. Nếu tính cả các hiệp định mới ký thêm mới đáp ứng được khoảng 62-65%. Nhưng việc ký thêm các hiệp định mới vẫn đang diễn ra và chưa đánh giá tác động lên nợ công một cách thỏa đáng. Năm 2015-2016 đã bổ sung dự toán, đã quyết toán, nhưng kỳ họp này vẫn xin bổ sung dự toán ODA 14.000 tỷ đồng. Tình trạng này kéo dài nhiều năm và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, tình hình thu chi ngân sách và nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây, vẫn là chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao tới 64%, vẫn là nợ công đang sắp đụng trần 65% Quốc hội cho phép… Điều đáng nói năm nào chúng ta cũng muốn tiêu nhiều tiền hơn năm trước, trong khi nợ công đang gần sát mức trần. “Tôi đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch chỉ tiêu cụ thể về cắt giảm biên chế, quy trách nhiệm cho từng lãnh đạo bộ, ngành và địa phương giống như cách Thủ tướng và Chính phủ đã áp đặt mệnh lệnh cho các bộ, ngành phải cắt giảm tối thiểu 30-50% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong vòng 2 năm tới” - ĐB Lộc nói.
 Do mô hình tăng trưởng không bền vững nên dễ bị tổn thương, như Samsung có vấn đề là tăng trưởng suy giảm ngay. Chúng ta phải đẩy mạnh xu hướng, mô hình tăng trưởng bền vững từ nội lực của nền sản xuất kinh tế, không quá phụ thuộc vào yếu tố tác động bên ngoài. Trong năm 2018 khi chúng ta giảm dầu thô, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 33-34%, trong khi năm 2017 của tốc độ này 33,4%. Như vậy, chúng ta chưa thoát khỏi tư duy tăng trưởng từ vốn và lệ thuộc vào khai thác tài nguyên. 
ĐB Hoàng Quang Hàm

Các tin khác