Lỗ nghìn tỉ, 11 bộ báo cáo về 2 dự án bauxite Tây nguyên

(ĐTTCO)-Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ có 11 bộ, 2 địa phương và 2 tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo Chính phủ về hiệu quả của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây nguyên.
 
Tổ hợp bauxite Tân Rai tại Tây nguyên
Tổ hợp bauxite Tân Rai tại Tây nguyên

Bộ Công thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề cương tổng kết, và chủ trì nhận báo cáo, tổng hợp đánh giá. Tháng 10.2017, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp báo cáo theo nhiệm vụ được phân công.

Theo đề nghị của Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan tham gia vào hiệu quả dự án là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông - Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng; các doanh nghiệp gồm Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Báo cáo toàn diện về hiệu quả dự án bao gồm 5 phần chính, trong đó quan trọng nhất là đánh giá chủ trương thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn; công nghệ ứng dụng và thị trường, sản phẩm giá cả sản phẩm của hai dự án nói trên.

Đặc biệt, nhiều hạng mục đánh giá hiệu quả dự án được Bộ Công thương yêu cầu các bộ, ngành và địa phương báo cáo cụ thể và chịu trách nhiệm chính. Trong đó, phần đánh giá năng lực của chủ đầu tư, năng lực của nhà thầu ảnh hưởng đến hiệu quả dự án thuộc về trách nhiệm riêng của Bộ Công Thương và TKV.

Ở khâu công nghệ áp dụng và chuyển giao công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo đánh giá tác động và tính hiệu quả. Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, TKV, các tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông được yêu cầu báo cáo về công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án quan trọng này.

Đối với hiệu quả dự án của thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá cả, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công Thương và TKV phải chịu trách nhiệm báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Báo cáo tác động xã hội của dự án do các bộ, ngành và hai địa phương có hai dự án nói trên thực hiện.

Về vai trò quản lý Nhà nước đối với việc triển khai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, Bộ Công thương chịu trách nhiệm báo cáo hiệu quả vai trò, trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bộ, ngang bộ và của chủ đầu tư dự án, giám sát dự án.

Trước đó, hồi tháng 3, Thanh tra Bộ Tài chính có kết luận thanh tra dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) sau 3 năm vận hành. Tại dự án Tân Rai, tổng mức đầu tư cho dự án này là 7.787,5 tỉ đồng (khoảng 493,5 triệu USD), với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2006 - 2009.

Tuy vậy, qua 4 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỉ đồng (hơn 800 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu. Sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ tháng 10.2013 đến hết tháng 9.2016, đã lỗ 3.696 tỉ đồng.

Còn tại Dự án Nhân Cơ, theo quyết định đầu tư ban đầu (năm 2007), vốn đầu tư cho dự án này chỉ 3.285 tỉ đồng. Đến năm 2014, tổng vốn đầu tư đã tăng lên đến 16.821 tỉ đồng. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm; dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả; do thay đổi tỉ giá cùng một số thay đổi về chính sách...

Cũng theo đoàn thanh tra, tính đến thời điểm cuối tháng 11.2016, dự án Nhân Cơ đã cơ bản hoàn thành, chạy thử có tải và ra sản phẩm hydrat, alumin.

Các tin khác