Lo tài sản dôi dư được phép kinh doanh

(ĐTTCO)-Sáng 29-5, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC).
 
ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công Ảnh: LÃ ANH
ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công Ảnh: LÃ ANH
Vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là quy định về sử dụng, khai thác TSC chưa sử dụng hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập...
Băn khoăn việc cho phép liên doanh, liên kết

Theo dự thảo luật, các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác TSC chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập vươn lên tự chủ ngày càng cao hơn hoặc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho ngân sách.
Cùng với đó, dự thảo đã bổ sung các quy định về bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao, việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí đối với tài sản thuộc các đơn vị sự nghiệp quản lý trong việc cho thuê, liên doanh, liên kết. Đối với việc khai thác TSC chưa sử dụng hết công năng, dự luật cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác TSC vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết đúng với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp và công năng sử dụng của tài sản để tránh lãng phí.
Mặt khác, nhằm chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng tiếp tục đầu tư, mua sắm mới các tài sản từ nguồn vốn ngân sách dẫn đến lại dư thừa công năng, dự thảo đã bổ sung quy định không đầu tư, xây dựng mới tài sản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.

ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, cần cân nhắc luật hóa các đơn vị sự nghiệp công lập chưa sử dụng hết vào liên doanh liên kết vì hoạt động của đơn vị này do ngân sách đài thọ. Việc cho phép sử dụng TSC để cho thuê, kinh doanh, liên kết… là hợp pháp hóa thực tiễn hiện nay và ảnh hưởng đến mục tiêu hoạt động chính của những đơn vị này, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục…
Những hoạt động kinh doanh thực hiện theo quy luật thị trường có thể mất vốn, ảnh hưởng uy tín nếu góp vốn bằng thương hiệu của đơn vị. “Do đó, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập kinh doanh dịch vụ cân nhắc thận trọng và cần đánh giá đơn vị nào đủ điều kiện có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp”, ĐB Lê Anh Tuấn nói.
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chia sẻ, nếu quy định tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp được sử dụng TSC được giao vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh thì cần phải quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong phê duyệt đề án, thẩm định, phê duyệt chủ trương nhằm xác định trách nhiệm cá nhân trường hợp xảy ra thất thoát, sử dụng không hiệu quả TSC.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích, xu hướng chung là “thường xin quá lên để bớt đi là vừa” khi mà cơ chế xin - cho vẫn là chủ yếu và việc không sử dụng hết công suất thiết kế cần phải ngăn chặn. Do đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập cho phép sử dụng tài sản dôi dư kinh doanh chỉ nên trước khi luật này có hiệu lực còn khi luật này được thi hành thì phải chấm dứt vì như vậy là lãng phí, mất công bằng.
“Tôi nhớ mãi câu nói của một ĐB mà tôi rất tâm đắc: Tham ô, tham nhũng tội đã nặng nhưng lãng phí tội còn nặng hơn nhiều”, ĐB Nguyễn Anh Trí nói.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện khoảng 2 triệu người. Chi phí cho việc vận hành bộ máy là rất lớn, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác TSC chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho thuê liên doanh, liên kết giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, tạo ra nguồn thu phục vụ hoạt động đầu tư nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế, tăng cường xã hội hóa.
Tuy nhiên, để việc khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập được chặt chẽ, dự thảo luật đã rà soát, bổ sung các yêu cầu khi sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh gồm: không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu tài sản nhà nước, bảo toàn, phát triển vốn tài sản nhà nước, sử dụng tài sản đúng mục đích, đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ…

Thị trường hóa số đẹp liệu có cần?

Vấn đề đấu giá biển số đẹp “đột nhiên” trở thành điểm gây nhiều ý kiến tranh luận khác nhau giữa các ĐBQH. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), việc kho số mà đưa ra đấu giá có lợi hàng ngàn tỷ đồng thì việc gì chúng ta không đưa vào. Tuy nhiên, cái khó bây giờ là biển số gắn với xe thì dứt khoát khi bán xe, chủ xe có quyền bán cả biển số chứ không thể bán xe riêng, biển số riêng được vì số đấy gắn với xe. Hay như biển số nhà, tương tự cũng gắn với đất nên khi đấu giá, biển số có thể mua bán kèm được.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), lại cho rằng, việc này liên quan đến quyền tài sản, theo quy định tại Hiến pháp, nếu người sở hữu xe với biển số đẹp (như biển số tứ quý chẳng hạn) thì người sở hữu có quyền bán biển số khi không còn dùng nữa. Lúc đó, quản lý nhà nước về biển số xe này sẽ như thế nào? Do đó, cần hết sức cân nhắc điều này vì thực sự tâm lý cần số đẹp là có nhưng số đó là số ít.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đồng tình quan điểm và cho rằng, số đẹp thì Nhà nước bán như thế còn số không đẹp công dân có quyền bỏ tiền ra từ chối để đảm bảo công bằng không? Ví dụ số 13 “ba chìm bảy nổi, liệu công dân có quyền từ chối?” 
Có thể tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, mạng điện tử
Trong phiên họp sáng 29-5 của Quốc hội, sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã báo cáo thẩm tra về dự án luật này. Nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Tố cáo nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập như tờ trình của Chính phủ đã nêu, song Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo cần đặt trong bối cảnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền tố cáo.
Từ đó, về hình thức tố cáo, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Hơn nữa, một số văn bản Luật hiện hành cũng ghi nhận các hình thức này.
Với tố cáo nặc danh (đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ người tố cáo), mặc dù đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo Luật là không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh, song một số thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. 
Ông Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc bổ sung vào dự thảo luật các quy định về bảo vệ người tố cáo, song cho rằng các quy định này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo.
Do đây là nội dung quan trọng, là một trong những vấn đề trọng tâm trong sửa đổi luật lần này nên đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thêm để có quy định cụ thể, đầy đủ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhằm bảo đảm tính khả thi của luật, đáp ứng được mục đích sửa đổi Luật Tố cáo. 

Các tin khác