Mạng xã hội Việt Nam cần có giá trị mới

(ĐTTCO) - Mạng xã hội (MXH) Việt Nam vừa có thêm một “tân binh”, đó là Lotus.vn của Công ty VCCorp, được giới thiệu vào hôm 9-9. Trước đó đã có hàng loạt MXH Việt Nam được công bố như Gapo, Hahalolo… 
Nhưng chưa phải hết, theo lộ trình, trong nửa cuối năm 2019 đầu năm 2020, sẽ có 5 - 6 MXH Việt Nam nữa ra mắt thị trường. Liệu sự ồ ạt làm MXH có mang lại giá trị thực?
Tân binh Lotus.vn “phân phối nội dung”
Công ty VCCorp đã tổ chức họp báo giới thiệu MXH Lotus (Lotus.vn). Tại đây, ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp, cho biết các MXH ở Việt Nam hiện nay chưa chuyên nghiệp, ít cảm xúc, nặng về đọc, các nội dung “kén khách” và chưa có đất sống. Xuất phát từ đó, Lotus sẽ tạo ra các concept, ý tưởng sản phẩm tốt và đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Cụ thể, Lotus.vn cho phép chọn nội dung phù hợp cho người dùng, thông qua việc cá nhân hóa dòng tin (news feeds) và các luồng thông tin khác (bảng tin, trending news). Các thuật toán giới thiệu, chọn lựa thông tin liên quan tùy theo ngữ cảnh sử dụng, hệ thống AI và ML (trí tuệ nhân tạo và học máy) xử lý trên 5 tỷ bản ghi mỗi ngày nhằm phục vụ cho việc gợi ý nội dung đúng nhu cầu người xem…
Mạng xã hội Việt Nam cần có giá trị mới ảnh 1 Các bạn trẻ dùng thử mạng xã hội Việt Nam Lotus.vn. Ảnh: T.BÌNH
Ông Nguyễn Thế Tân cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Lotus.vn dưới góc độ nền tảng phân phối nội dung của người sử dụng tạo ra tới tay các độc giả. Theo đó, Lotus.vn sẽ thu hút người dùng bằng nội dung tốt hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn.
Ở giai đoạn này, Lotus hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung trong 20 lĩnh vực khác nhau (giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện, blog, vlog, lifestyle, giải trí, âm nhạc, marketing...) và trên 30 nguồn chính luận báo chí. Theo dự kiến, ngày 16-9 tới, Lotus.vn sẽ phát hành bản dùng thử (open beta) trong 3 - 6 tháng.
Từ đó, Lotus.vn sẽ mở truy cập dần dần đối với các thành viên mới nhằm chỉnh sửa những lỗi nhỏ, hoàn chỉnh các chi tiết phần mềm, hoàn thiện và bổ sung chức năng có trong kế hoạch, điều chỉnh hướng phát triển nội dung dựa trên phản hồi của người sử dụng và xã hội. 
MXH Lotus là dự án được thành lập, đầu tư và triển khai bởi VCCorp, với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước. Đến nay, dự án đã huy động được hơn 700 tỷ đồng từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước; phía VCCorp dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ đồng trong giai đoạn đầu để sẵn sàng tiềm lực cho việc phát triển lâu dài.
Con đường tìm kiếm “đất sống và tồn tại”
Trước đó, ngày 23-7-2019, MXH Gapo dành cho giới trẻ đã chính thức ra mắt, đồng thời nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Captital. Khoản đầu tư này dự kiến được sử dụng trong giai đoạn đầu với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng. Sau gần 7 tuần ra mắt, MXH Gapo sắp chạm mốc 2 triệu người dùng và dự kiến sẽ tổ chức sự kiện công bố thông tin mốc 2 triệu người dùng vào ngày 15-9.
Có thể nói, đó là sự thành công bước đầu của MXH Gapo, nhưng quảng đường phía trước còn dài, bởi thực tế là một loạt MXH xuất hiện trước đó rất rình rang nhưng cuối cùng rút lui “không kèn không trống”, như Tamtay.vn, Yume.vn, Zing Me, Go.vn…  
Có thể thấy, sự thâm nhập của Facebook và YouTube vào thị trường Việt Nam đã rất thành công. Đây là sản phẩm của những tập đoàn công nghệ toàn cầu, thị trường cũng toàn cầu, khách hàng cũng toàn cầu.
Hơn nữa, dù còn nhiều vấn đề vướng mắc, nhưng chắc chắn sức mạnh công nghệ, nguồn lực tài chính, khả năng “bản địa hóa” của Facebook và YouTube đã phủ kín thị trường Internet cũng như nhu cầu MXH của người Việt là điều thấy rõ. Đây là thách thức lớn của những MXH Việt Nam trên con đường tìm kiếm “đất sống và tồn tại”. 
Ngoài Lotus, Gapo, sản phẩm MXH Việt Nam còn có Zalo của VNG, Mocha của Viettel vẫn đang tồn tại và tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng riêng của mình. Zalo phát triển từ một ứng dụng OTT trên nền tảng di động từ sớm, có thời gian để tích lũy, điều chỉnh và tích hợp rất nhiều dịch vụ, ứng dụng đi kèm. Hiện Zalo có khoảng 70 triệu thuê bao và đang được đầu tư để trở thành “một siêu ứng dụng”, không đơn thuần là một MXH.
Còn Mocha hiện có hơn 20 triệu thuê bao, cũng phát triển từ một ứng dụng OTT với lợi thế của một nhà mạng di động và cũng đang được định hướng trở thành “một siêu ứng dụng”, với mục tiêu đối tượng là khách hàng trẻ thiên về các dịch vụ giải trí như phim, âm nhạc. Có nghĩa, Zalo và Mocha vẫn tiếp tục phát triển các giá trị trong nước, chưa thể và rất khó là sản phẩm toàn cầu, nên khó nói đến sự vượt trội.

Các tin khác