Mở cửa du lịch quốc tế, đừng quá kỳ vọng

(ĐTTCO) - Ngày 15-2, Việt Nam chính thức mở cửa đường bay quốc tế thường lệ sau gần 2 năm đóng cửa vì Covid-19, đồng thời sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ 15-3. Đây được xem là những tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của du lịch trong nước và quốc tế. Song việc phục hồi du lịch quốc tế vẫn chưa thể quá kỳ vọng. 
Từ 15-3-2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động ngành du lịch.
Từ 15-3-2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động ngành du lịch.
Nhiều tin vui
Việc mở cửa lại đường bay được ngành du lịch đánh giá như món quà đầu năm mới. Niềm vui của ngành được nhân lên khi mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ VH-TT-DL và ý kiến của các bộ, cơ quan về việc mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15-3 tới.
Theo đó, khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay; với các nước có quy định khắt khe hơn áp dụng theo quy định của các nước này; cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian tại Việt Nam...
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép từ ngày 15-3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện cấp visa điện tử, cùng các chính sách miễn visa đơn phương, song phương.
Trước dịch, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các bộ, ngành cũng thống nhất với đề xuất của Bộ VT-TT-DL về việc khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000USD (trung bình khoảng 30USD/người) trong trường hợp phải điều trị Covid-19 tại Việt Nam.
Điều này phần nào giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi có du khách mắc Covid-19 trong thời gian du lịch ở Việt Nam. 
Việc mở cửa lại hoàn toàn các hoạt động du lịch được xem là động thái tích cực, đáp ứng mong mỏi của những người làm du lịch, vì các quốc gia trong khu vực đã và đang khẩn trương mở cửa đón khách.
Như Campuchia, một trong những quốc gia tiên phong khi mở cửa vào tháng 11 năm ngoái. Thái Lan cũng đã tái khởi động chương trình test and go vào ngày 1-2 vừa qua. Malaysia cũng đồng ý mở cửa biên giới sớm nhất vào ngày 1-3 để đón khách du lịch không cần kiểm dịch… 
Bên cạnh đó, việc mở cửa du lịch sớm còn để đáp ứng nhu cầu muốn đến du lịch Việt Nam của nhiều du khách quốc tế. Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh.
Phân tích từ dữ liệu của Google cho thấy từ đầu tháng 1 đến nay lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21-1 tăng 425%, ngày 3-2 tăng 374% (so cùng kỳ 2021).

Nhưng đừng quá mừng
4 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (chiếm hơn 60% tổng lượng khách đến Việt Nam) lượng khách đến Việt Nam thời điểm này được dự báo sẽ rất hạn chế.
Thực tế, ngay từ đầu năm ngành du lịch cũng đặt ra mục tiêu khá kỳ vọng cho việc tăng tốc đón khách trong năm 2022. Cụ thể ngành du lịch kỳ vọng đón được 65 triệu lượt khách, trong đó sẽ đón 60 triệu lượt khách nội địa (bằng 3/4 lượng khách trong năm cao điểm 2019) và 5 triệu lượt khách quốc tế (hơn 1/4 lượng khách năm 2019); tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.
Với những thông tin mới trong tháng 2 và 3, còn có nhận định lạc quan rằng đến giai đoạn cao điểm cuối năm chúng ta có thể đón lượng khách quốc tế bằng 1/3 so với 2019. 
Song thực tế liệu có được như mong mỏi? Câu trả lời chính xác phải chờ tới cuối năm mới biết, nhưng nếu thử phân tích sẽ thấy tình hình có lẽ cũng không quá lạc quan như vậy. 
Nhìn lại thời điểm 2019, năm được đánh giá là hoàng kim của du lịch Việt Nam, khi đón lượng khách quốc tế kỷ lục 18 triệu lượt, phần đông vẫn đến từ 4 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (chiếm hơn 60% tổng lượng khách đến Việt Nam), trong đó thị trường Trung Quốc chiếm nhiều nhất.
Thế nhưng, khi Việt Nam công bố mở cửa lại các chuyến bay quốc tế thường lệ, Cục Hàng không cho biết Trung Quốc vẫn chưa đồng ý với đề nghị này. Đây sẽ là hạn chế khi muốn đón khách từ thị trường chính Trung Quốc. 
Đường hàng không chưa thuận lợi, đường bộ đón khách Trung Quốc cũng chưa có tín hiệu khả quan. Cho đến nay Trung Quốc vẫn thực hiện chiến lược Zero Covid và chưa biết sẽ kéo dài tới khi nào, nên mọi ngả đường đón khách vẫn sẽ nhiều gian nan. Khách Trung Quốc chưa thể quá kỳ vọng, trong khi khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc thì sao? 
Cũng trong động thái mở cửa các đường bay quốc tế thường lệ của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện vẫn hạn chế đối tượng nhập cảnh trên các chuyến bay từ Việt Nam đến để phòng chống dịch. Ở chiều khách đến Việt Nam tới thời điểm này Nhật Bản vẫn chưa quá cởi mở, khách Hàn Quốc có đến trong giai đoạn thí điểm nhưng lượng khách vẫn còn rất hạn chế. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15-3, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chờ Bộ VH-TT-DL cùng các bộ, ngành thống nhất quy định đón khách quốc tế cũng như phương án mở cửa và hướng dẫn chi tiết.
Chưa hết, các doanh nghiệp còn chờ chiến lược cụ thể khai thác thị trường mục tiêu của ngành. Nói là lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về Việt Nam tăng cao, nhưng lượng khách ấy từ thị trường nào, chúng ta có chính sách nào để thu hút họ thực sự lựa chọn Việt Nam… gần như vẫn còn chung chung.
Đó là chưa bàn đến sản phẩm, vấn đề tưởng cũ nhưng lại luôn mới, nhất là trong thời điểm sau dịch. 
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting, đánh giá sau dịch các quốc gia đều ở vạch xuất phát trong hành trình đón khách quốc tế trở lại. Quốc gia nào xuất phát sớm và có chiến lược tốt sẽ về đích sớm.
Nếu tính về thời gian chúng ta không muộn nhưng vẫn cần chiến lược cụ thể hơn. Bởi lẽ, mọi thứ sau dịch đã không còn như trước, đặc biệt là tâm lý, nhu cầu của du khách đã khác thời điểm trước dịch Covid-19.

Các tin khác