Mở cửa hàng không quốc tế, chính sách phải thống nhất

(ĐTTCO) - Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để khôi phục thị trường du lịch là mở cửa hàng không quốc tế. Hiện Chính phủ đã đồng ý mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách thí điểm từ 1-1-2022. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, các cơ quan quản lý cần có chính sách phù hợp và thống nhất, theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho hành khách nhập cảnh.
Các vị khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam trong chương trình thí điểm đón khách quốc tế.
Các vị khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam trong chương trình thí điểm đón khách quốc tế.
Tự cách ly 3 ngày tại nơi cư trú
Theo ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA), khảo sát của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho thấy, hơn 70% khách trả lời không đi du lịch tới các quốc gia có yêu cầu cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh.
Qua kinh nghiệm thực tiễn tại các nước, chính sách y tế đối với hành khách sau khi nhập cảnh là điều kiện hết sức quan trọng để thu hút khách quốc tế, là yếu tố quan trọng để cạnh tranh giữa các quốc gia, điểm đến.
Để phục hồi du lịch, nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng chính sách nhập cảnh, chỉ yêu cầu hành khách đã tiêm đủ liều vaccine, xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước chuyến bay. Cũng có nước sau khi nhập cảnh, hành khách cũng được xét nghiệm ngay tại sân bay (Singapore) hoặc đợi xét nghiệm 1 ngày tại khách sạn (Thái Lan) là được đi lại tự do trong nước.
Với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho chủ trương mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ, Bộ Y tế đã khẩn trương ban hành các chính sách đối với người nhập cảnh qua đường hàng không. Nhận xét về chính sách này, đại diện các hãng hàng không cho rằng các điều kiện đã cơ bản thông thoáng, thuận lợi cho người nhập cảnh.
Theo đó, yêu cầu chung người nhập cảnh cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi); khi nhập cảnh Việt Nam phải cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-COVID để khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 không cần cách ly tập trung, mà tự cách ly, theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tại nơi lưu trú; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7…
Song nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể hơn cho các địa phương về việc ra quyết định cách ly hành khách, nếu không sẽ dẫn tới rất khó khăn khi triển khai trong thực tế. Bên cạnh đó, việc vẫn phải tham chiếu với các quy định khác cũng khiến việc thực thi có thể gặp vướng mắc.
Cùng với chính sách về y tế, Bộ Ngoại giao cần chủ trì đàm phán, sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine. 
Theo thông tin từ Cục hàng không Việt Nam, hiện các đối tác như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Belarus đã công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam và có tiến trình công nhận hộ chiếu vaccine.
Một số đối tác khác như Hàn Quốc, Trung Quốc... đang chờ bản mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất và xác nhận điện tử. Về phía Việt Nam, chúng ta đã công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng và mẫu hộ chiếu vaccine của 78 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những điều kiện thuận lợi để sớm khôi phục đường bay quốc tế.
Mở cửa hàng không quốc tế, chính sách phải thống nhất ảnh 1
 Cơ hội “sống, còn”
Theo đánh giá của các hãng hàng không, với những nỗ lực tháo gỡ về chính sách nhập cảnh, lộ trình mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách hoàn toàn khả thi.
Theo đó, trong giai đoạn 1, các chuyến bay thường lệ sẽ được nối lại với các thị trường có hệ số an toàn cao gồm Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ).
Đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đồng thời, số lượng công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao.
Tiếp theo, ở giai đoạn 2, các chuyến bay sẽ được nối đến 9 thị trường, gồm Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Kông (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moscow (Nga). Các thị trường được mở rộng này cũng là các đối tác hợp tác quan trọng với nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch với Việt Nam. 
Sau thời gian dài bị ngừng trệ, việc nối lại các đường bay quốc tế là cơ hội lớn, có ý nghĩa sống còn cho cả ngành hàng không, du lịch. Hiện các hãng hàng không đang tích cực chuẩn bị về phương tiện, nhân lực phục vụ, đối tác cung ứng dịch vụ, lữ hành, cơ sở lưu trú… để sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế. Vấn đề quan trọng nhất được các DN hàng không quan tâm, là hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng dịch đối với hành khách nhập cảnh của các cơ quan quản lý.
Ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Vietjet miền Bắc, cho rằng các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch đến Phú Quốc, Hội An thời gian qua rất thành công, cho thấy chúng ta đã có thể làm chủ được tình hình. Hơn nữa, nếu chúng ta đòi hỏi 100% an toàn không thể phục hồi được kinh tế, chỉ cần độ phủ vaccine cao và chúng ta chủ động được vaccine tiêm tăng cường có thể chung sống với dịch. 
Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở nước ta đã đạt ở mức cao. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31-12 phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em.  
 Mục tiêu trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế có hộ chiếu vaccine. Tổng thu từ du lịch trong năm 2022 dự kiến khoảng 400.000 tỷ đồng.
Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Các tin khác