“Mở” nhưng vẫn có “rào”

(ĐTTCO) - Các biện pháp phi thuế quan của Liên minh châu Âu (EU) như quy định về chống bán phá giá, kiểm dịch động thực vật (SPS) và các quy định khác về kỹ thuật (TBT), được xem là rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này, ngay cả khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Rào cản phi thuế quan
Với EVFTA, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, hoặc sau lộ trình ngắn. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký kết cho tới nay. Các ngành dự kiến hưởng lợi nhiều từ EVFTA là những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày, dép, mũ, dệt may và nông thủy sản. Các ngành chịu sức ép cạnh tranh dự kiến có hóa chất, phương tiện và thiết bị vận tải, thực phẩm chế biến và sản phẩm kim loại cơ bản. 
Tuy nhiên, các ngành được dự báo hưởng lợi tối đa nhưng cũng phải đối mặt với thách thức, bởi rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình, với nông sản dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt, nhưng đa số ngành hàng như chè, rau quả… vẫn vấp phải những hạn chế do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
“Mở” nhưng vẫn có “rào” ảnh 1 Rào cản vào EU gây khó cho Việt Nam đơn cử như thủy sản xuất khẩu bởi 
dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng.
Đối với thị trường EU, rào cản phi thuế quan mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải thường là những nhóm ngành/hàng xuất khẩu ta có nhiều lợi thế. Đơn cử, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản EU quy định rất chặt chẽ. Trong khi đó, hiện trong chăn nuôi nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng, nông dân và doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng kháng sinh (AMU) để phòng ngừa, điều trị các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm cho gia cầm và gia súc, để lại tồn dư khá lớn trong các sản phẩm xuất khẩu. Đây là hạn chế lớn cho sản phẩm thuộc nhóm ngành chăn nuôi của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Về khách quan, biện pháp hàng rào phi thuế quan EU sử dụng về cơ bản tuân thủ nguyên tắc trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, các nước vẫn có thể đặt ra các tiêu chuẩn hay rào cản mới, miễn sao đảm bảo tính minh bạch, hợp lý và tính giải trình. Trong trường hợp xuất khẩu tăng nhanh do hàng rào thuế quan hạ thấp, rất có thể EU sẽ kích hoạt các biện pháp bảo hộ khác, như chống bán phá giá, đối kháng và tự vệ.
Từ nhiều năm qua, không chỉ EU, rào cản phi thuế quan được nhiều nước dựng lên nhằm bảo hộ sản xuất và người tiêu dùng nội địa. Rào cản thuế quan bao gồm nhiều loại như các biện pháp cấm, hạn ngạch về số lượng, giá trị được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định; hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động vật, các quy định về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa… 
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiện có 9 biện pháp phi thuế quan chính được các quốc gia sử dụng. Trong đó, tỷ lệ các nước sử dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật 37,5%, rào cản kỹ thuật đối với thương mại 37,5%, kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển và các thủ tục khác 1,3%, các biện pháp cấp phép không tự động, cấm hạn ngạch 2,4%...

Chủ động thay đổi để thích ứng
Có thể nói, đối với các rào cản phi thuế quan của EU, doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải chủ động thay đổi cấu trúc để thích ứng. Điều đáng lưu ý, hầu hết biện pháp kỹ thuật EU đưa ra được áp dụng ổn định, thường xuyên và liên tục. Hàng hóa từ tất cả nguồn đều phải đáp ứng các điều kiện này, không riêng gì đối với doanh nghiệp Việt sau khi EVFTA có hiệu lực. Vì vậy, về nguyên tắc không có biện pháp phòng tránh hay đối phó, chỉ có biện pháp duy nhất là tuân thủ. 
Vấn đề đặt ra là tuân thủ các biện pháp này đòi hỏi những thay đổi quan trọng không chỉ với hàng hóa thành phẩm xuất khẩu, mà cả quá trình nuôi trồng, khai thác nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, đóng gói, vận chuyển sản phẩm. Thực tế cho thấy, hàng rào kỹ thuật không đơn giản chỉ liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, còn bao gồm nhiều vấn đề khác như môi trường sinh thái, trách nhiệm xã hội, xuất xứ hàng hóa... Chính vì vậy, đối với hàng hóa xuất khẩu, cần phải quan tâm từ khâu nguyên liệu đến lúc tạo ra thành phẩm hoàn hảo, đủ tiêu chuẩn bán ra nước ngoài.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trước mắt Việt Nam cần làm ngay khi EVFTA có hiệu lực là tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vi phạm để đảm bảo uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Về lâu dài, chính sách của Nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi một cách cơ bản và đồng bộ để từng bước thích ứng.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, ngay cả khi EVFTA có hiệu lực vẫn có 2 thách thức trong thương mại và sản xuất doanh nghiệp Việt cần lưu ý. Thứ nhất, ở khía cạnh thương mại, khi thuế quan được giảm, hàng hóa châu Âu sẽ vào Việt Nam dễ dàng hơn và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Việc cạnh tranh tạo ra tác động tích cực vì người dùng có nhiều lựa chọn khi đa dạng chủng loại hàng hóa, đồng thời cũng là đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế. 
Thứ hai, ở chiều ngược lại, khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, bên cạnh những tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, còn phải tuân thủ những yêu cầu về chính sách sử dụng lao động. Do đó, để đảm bảo về những quyền lợi dành cho người lao động, doanh nghiệp phải tăng chi phí nhân công. Đây sẽ là thử thách lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.  
 Trước mắt cần làm ngay khi EVFTA có hiệu lực là tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm sản xuất, xuất khẩu. Về lâu dài, chính sách của Nhà nước cũng như các doanh nghiệp cần phải thay đổi một cách cơ bản và đồng bộ để từng bước thích ứng.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR

Các tin khác