Mong muốn đón Tết an lành trước "cơn bão" COVID-19

(ĐTTCO)-Dù nhiều nơi trên thế giới vẫn đang chao đảo trước dịch bệnh COVID-19, người dân Việt Nam vẫn được hy vọng và mong mỏi về một cái Tết đoàn viên, ấm cúng, khởi đầu cho một năm mới yên vui, hạnh phúc.
Mong muốn đón Tết an lành trước "cơn bão" COVID-19

Việt Nam trải qua nhiều biến động của thiên tai, dịch bệnh bất thường và cũng lập nhiều kỳ tích mà cả thế giới phải ngưỡng mộ trong năm qua.

Trong những ngày đầu năm 2021, dù nhiều nơi trên thế giới vẫn đang chao đảo trước dịch bệnh COVID-19, người dân Việt Nam vẫn được hy vọng và mong mỏi về một cái Tết đoàn viên, ấm cúng, khởi đầu cho một năm mới yên vui, hạnh phúc.

Cú sốc vẫn mang tên "Corona"

Chính thời điểm mà mọi nhà, mọi người đang rộn ràng chuẩn bị cho thời khắc đoàn tụ sau một năm "bất thường" thì ngay trước Tết âm lịch đúng 2 tuần, đợt dịch COVID-19 thứ ba được phát hiện trong cộng đồng.

Các nhà dịch tễ học đến giờ vẫn chưa xác định được F0 của đợt dịch mới, nhưng điều mà các chuyên gia đã chắc chắn và liên tục khuyến cáo người dân trong những ngày qua, đó là chủng virus mới đã lây lan nhanh và mạnh mẽ.

Diễn biến những ngày qua cũng cho thấy điều này khi chỉ trong vòng 10 ngày, dịch bệnh đã lan ra 10 tỉnh, thành phố với 375 ca dương tính.

Tại những nơi dịch bệnh được phát hiện đầu tiên của đợt này, ngành y tế xét nghiệm 172 trường hợp đầu tiên và phát hiện 70 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây cũng là con số kỷ lục về ca lây nhiễm phát hiện trong một ngày kể từ khi dịch bệnh xâm nhập vào nước ta cách đây hơn 1 năm.

Việc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 công bố có tới 84 ca dương tính tại Hải Dương và Quảng Ninh ngày 28/1 vừa qua đã làm cho dư luận không khỏi sửng sốt và lo lắng, nhưng đó là sự lo lắng cần thiết để mọi người cùng nâng cao ý thức phòng dịch.

Truy vết thần tốc

Với kinh nghiệm truy vết, khoanh vùng, dập dịch từ những lần trước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo các lực lượng chức năng như y tế, công an, quân đội, các địa phương, truyền thông và các đội truy vết nhanh chóng chuyển trạng thái.

Các lực lượng chức năng đang ngày đêm chạy đua với sự lây lan có tốc độ "vũ bão" của dịch bệnh, quyết tâm ngăn chặn virus chủng mới phát tán.

Các chuyên gia truy vết cho biết họ đã giảm thời gian "bắt kịp" virus xuống còn 3-4 ngày, một nửa thời gian so với các đợt dịch trước đó ở Hà Nội, Vĩnh Phúc hay Đà Nẵng. Dù công tác phòng chống dịch đã được thực hiện nhanh hơn nhưng virus đã lây lan nhanh hơn so với trước đây.

Nhận định về việc nhiều F2 trở thành F0, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng thuộc Bộ Y tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cho biết, trước đây, những trường hợp có nguồn bệnh (F0) thường chỉ lan tới F1, còn F2 (người tiếp xúc với F1) thì hầu như không có.

Tuy nhiên trong đợt dịch này, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế nhận định virus đang lây lan rất nhanh. Do đó, trong thời gian ngắn, có thể lây từ F0 sang F1 rồi sang F2 vì "lây lan nhanh mà chưa kịp phát hiện thì sẽ lây càng nhanh".

Đến nay, 8/10 địa phương có ca lây nhiễm là Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh.

Có thể vẫn tiếp tục có ca nhiễm mới, thậm chí là nhiều ca nhiễm từ các địa phương này, nhưng điều này không đáng lo ngại bởi các ca đều xuất phát hoặc có liên hệ với các ổ dịch đã được kiểm soát.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, công tác truy vết, xét nghiệm ở Gia Lai, Bình Dương cần tiếp tục được điều chỉnh. Một số đoàn công tác từ Bộ Y tế và khu vực phía Nam đã có mặt tại các địa phương này để hỗ trợ và hy vọng tình hình sẽ sớm được kiểm soát.

Những bài học không mới

Dù đợt dịch này chưa kết thúc, nhưng cũng có thể nhận ra một số sơ hở trong công tác phòng chống dịch.

Dịch khởi phát từ chủng virus mới, điều đó đồng nghĩa với việc đây là chủng virus xâm nhập từ ngoài vào chứ không phải rơi rớt và âm thầm phát dịch từ những đợt dịch trước. Công tác quản lý dịch bệnh đối với người nhập cảnh hợp pháp hoặc bất hợp pháp vẫn đang có kẽ hở.

Dù kiểm soát được dịch trong năm 2020, Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia luôn xác định chúng ta "mới chỉ thắng từng trận đánh" chứ chưa thể công bố khống chế dịch thành công bởi dịch vẫn còn phức tạp trên thế giới.

Trên cơ sở đó, người dân luôn được khuyến cáo thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là việc đeo khẩu trang khi ra nơi đông người, trên phương tiện giao thông.

Nhưng điều này đã bị lãng quên trên chuyến xe đưa dâu từ Nam Sách (Hải Dương) về Ba Vì (Hà Nội) ngày 18/1. Do không ai đeo khẩu trang trên xe đưa dâu nên 11/16 người đã mắc COVID-19 và chuyên gia truy vết Bùi Thế Duy đã gọi đây là chuyến xe "siêu lây nhiễm".

Nếu những người nhập cảnh được kiểm soát bệnh dịch một cách cẩn trọng hơn và nếu khẩu trang được sử dụng trên các phương tiện có đông người thì chắc chắn diễn biến dịch bệnh không lan ra nhiều địa phương như hiện nay. Nhưng tiếc thay, những giả định này đã không xảy ra.

Mong Tết an lành

Theo các chuyên gia dịch tễ và truy vết, để có Tết an toàn, mỗi người hãy luôn thực hiện 5K. Sử dụng khẩu trang khi ra khỏi nhà sẽ giúp chúng ta giảm mức nguy cơ lây nhiễm xuống rất thấp. Tăng cường khử khuẩn để nếu không may có tiếp xúc thì virus cũng không có nhiều cơ hội để xâm nhập sâu hơn hoặc lan ra rộng hơn.

Giữ khoảng cách, hạn chế có mặt ở nơi đông người, không khởi xướng các hoạt động đông người và hạn chế đi lại chính là cách hữu hiệu để ngăn virus phát tán rộng rãi. Nếu toàn dân thực hiện khai báo y tế thì công tác truy vết chắc chắn sẽ kịp thời và chính xác hơn nhiều.

Chỉ vài ngày nữa, thời khắc thiêng liêng, chuyển giao giữa năm Canh Tý và năm Tân Sửu sẽ tới. Tất cả chúng ta đều mong muốn đón Tết an lành, năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Mỗi chúng ta và tất cả chúng ta hãy cùng nhau thực hiện phương châm chống dịch mà Chính phủ và Bộ Y tế đã đề ra, thì dù được đón Tết bên gia đình hay trong nỗi nhớ mong đoàn tụ với người thân, vẫn sẽ là Tết an lành cho tất cả mọi người.

Các tin khác