Mục tiêu cơ bản phục hồi kinh tế

(ĐTTCO)-Hiện nay Chính phủ, chuyên gia và các nhà kinh tế đang trăn trở về kế hoạch phục hồi hay tái thiết nền kinh tế sau dịch Covid-19. Nhiều giải pháp được tính đến, từ tầm chiến lược của Chính phủ đến sự hợp tác, tích cực, chủ động xây dựng giải pháp, chiến lược riêng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các bên liên quan.
Dệt may hiện nằm trong nhóm ngành chịu tác động lớn và thiệt hại lớn từ dịch Covid-19. Ảnh: LONG THANH
Dệt may hiện nằm trong nhóm ngành chịu tác động lớn và thiệt hại lớn từ dịch Covid-19. Ảnh: LONG THANH
Điều quan trọng đầu tiên cần xác định rõ thế nào là phục hồi kinh tế, vấn đề và mục tiêu cần đạt được là gì; tính toán đến bối cảnh kinh doanh mới trong thời gian tới; đối chiếu với các giải pháp nước ta đã và đang thực hiện, để trên cơ sở đó tìm giải pháp phù hợp, bao gồm giải pháp nào đã có và sẽ tiếp tục được thực hiện, giải pháp đang có nhưng cần thay đổi và đâu là giải pháp mới…

Chính sách kịp thời
Theo báo cáo nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đang có 15 nhóm ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19, trong đó 9 nhóm ngành chịu tác động mạnh với mức độ thiệt hại lớn và 6 nhóm ngành chịu tác động ở mức độ vừa phải. Các nhóm ngành chịu tác động lớn và thiệt hại lớn bao gồm dệt may, da giầy, sản xuất sản phẩm từ gỗ, sản xuất kinh doanh thép, du lịch, vận tải, kho bãi…
Nhìn rộng hơn, dịch Covid-19 không chỉ gây tác động trực tiếp mà còn gây ra nhiều hệ lụy và tác động gián tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội. Bối cảnh thời gian tới diễn biến của dịch Covid-19 được dự đoán khó lường, khó dự đoán. 
Đối với mục tiêu này, Chính phủ đã có những chính sách kịp thời và phù hợp, bao gồm chính sách tiền tệ - tín dụng, chính sách tài khóa tạo dòng tiền cho DN và chính sách về an sinh xã hội, ưu tiên phòng chống dịch hiệu quả kết hợp với mở cửa và nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề hiện nay là thực hiện có hiệu quả, nhanh chóng, công bằng và đúng đối tượng.
Việc triển khai nhanh sẽ giúp DN xây dựng được chiến lược ứng phó và phục hồi kinh doanh. Việc triển khai công bằng và đúng đối tượng sẽ thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới mô hình, phương thức kinh doanh. 
Riêng chính sách tài khóa về giãn, hoãn hoặc giảm tiến độ các khoản nghĩa vụ tài chính của DN, về ngắn hạn sẽ giúp họ có thêm dòng tiền để duy trì kinh doanh. Tuy nhiên, về lâu dài khi hết thời gian tạm hoãn hoặc giãn có thể lại là khó khăn khi gia tăng thêm gánh nặng tài chính cho DN.
Do đó, ngay từ bây giờ cần tiếp tục nghiên cứu để có thể linh hoạt về tiến độ và thời gian thanh toán các nghĩa vụ đang được tạm hoãn, giãn.  
Ngoài biện pháp đang áp dụng của Chính phủ, cộng đồng DN và các bên có liên quan cũng cần có sự hợp tác để chia sẻ, qua đó giảm bớt thiệt hại chung cho cả nền kinh tế và xã hội. Đối với DN là các bạn hàng, đối tác, nhà cung cấp… cần thảo luận và thống nhất lại các hợp đồng dang dở hoặc không đúng tiến độ, thay vì đòi bồi thường thiệt hại hoặc kiện tụng, vừa giúp DN khôi phục kinh doanh và giảm bớt phí tổn nếu để tranh chấp xảy ra. Bởi xét cho cùng dịch Covid-19 là vấn đề khách quan, ngoài mong muốn của cả 2 bên. 
Đối với các bên có liên quan, như người cho thuê nhà cũng cần có sự chia sẻ thiệt hại đối với DN, như giảm hoặc không thu tiền thuê nhà. Nhiều trường hợp, nếu không có sự chia sẻ sẽ dẫn đến tổn hại lớn hơn cho cả 2 phía và sau đó là cả nền kinh tế.
Chủ nhà sẽ bị thiệt hại nếu DN không thể tiếp tục thuê và trả lại nhà, trong khi việc cho đối tượng khác thuê không dễ dàng. DN do phải trả lại mặt bằng nên có thể tốn kém hơn khi phục hồi sản xuất, kinh doanh vì phải đầu tư xây dựng địa điểm kinh doanh mới. Do đó, các bên đều thiệt hại nếu thiếu sự hợp tác và chia sẻ. 

Cần thêm giải pháp
Việc khôi phục và nối lại các hoạt động kinh doanh không đơn thuần là dịch giảm hoặc hết dịch thì mở cửa kinh doanh trở lại. Bởi điều này còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh ở các nước có quan hệ thương mại với nước ta.
Trong khi đó, chúng ta rất khó đoán định được việc kiểm soát dịch bệnh ở các nước đó, nên việc khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro và bất định. Các DN sẽ gặp phải một số loại khó khăn và thách thức trong việc khôi phục và nối lại các hoạt động kinh doanh. 
Thứ nhất, các DN có thị trường xuất khẩu hoặc cung cấp dịch vụ ra nước ngoài không thể tiếp tục kinh doanh do nhu cầu thị trường chưa có, vì dịch bệnh vẫn tiếp diễn tại các nước là đối tác khiến họ chưa khôi phục được hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, thiếu hụt các nguồn cung là các nguyên liệu đầu vào bởi các nhà cung cấp đang gặp khó khăn, chưa thể khôi phục được sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, chuyển dịch đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi sản xuất có sự thay đổi nhất định. Một số quốc gia có chính sách thu hút nhà đầu tư quay trở lại chính quốc. Điều này có thể dẫn đến thay đổi chuỗi sản xuất và cầu của thị trường, dẫn tới làm mất thị trường hoặc giảm cầu. 
Thứ tư, khó khăn của hoạt động logistics và thương mại qua biên giới, bao gồm cả thay đổi chính sách thương mại.
Thứ năm, mất các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp do đợt dịch đã bị giải thể hoặc phá sản, dẫn đến phải tìm kiếm các đối tác, bạn hàng, khách hàng mới.
Thứ sáu, khó khăn trong việc tuyển dụng lại lao động. Thứ bảy, khó khăn trong việc có được nguồn vốn đầu tư mới trong bối cảnh tình hình tài chính hiện tại của DN không tốt.
Trong bối cảnh trên, Chính phủ đã có một số chính sách nhằm giảm bớt khó khăn cho DN. Tuy nhiên, để DN vượt qua các khó khăn, và thách thức cần thêm các giải pháp. Cụ thể, đối với DN, cần ý thức rằng phục hồi sản xuất kinh doanh phải tính đến việc đổi mới sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, bạn hàng thay thế hoặc đổi mới mô hình, phương thức kinh doanh.
Đối với Chính phủ, giải pháp hỗ trợ thêm ngoài các giải pháp đang thực thi nên tập chung vào hỗ trợ kỹ thuật. Về phía thị trường cung cầu, hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường thay thế ở nước ngoài và khai thác mạnh mẽ thị trường trong nước. Các giải pháp sẽ là hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối DN trong nước. Quan trọng và lâu dài phải hình thành được chuỗi sản xuất trong nước nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu và nâng cao năng lực sản xuất trong nước. 
Ngoài Chính phủ, các hiệp hội DN đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp DN vượt qua khó khăn. Các hiệp hội phải cùng với DN và kết nối với các hiệp hội DN khác để tìm kiếm thị trường thay thế, giúp DN vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi và phát triển bền vững hậu Covid-19.

Các tin khác