Nâng cao khả năng hấp thụ nguồn lực hỗ trợ

(ĐTTCO) - Trong thời gian 2 năm vừa qua, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) trong việc chống chọi với đại dịch Covid-19 và duy trì hoạt động xã hội, sản xuất DN. 
Hồi sức cho DN là tất yếu, nhưng cần khai thông và minh bạch khả năng hấp thụ của từng DN.
Hồi sức cho DN là tất yếu, nhưng cần khai thông và minh bạch khả năng hấp thụ của từng DN.
Không ít các chính sách được ban hành kịp thời, có tác động lớn, tích cực đến đời sống kinh tế xã hội và được cộng đồng DN, người dân đánh giá cao. Bên cạnh đó, có một số chính sách tốt nhưng lại không được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời; đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận do gặp phải rào cản về thủ tục, về cơ chế thực hiện.
Từ cơ chế, thủ tục đến “zombie DN”
Chính sách vay để trả lương cho người lao động năm 2020 đã được DN kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó vẫn không có DN nào tiếp cận được, với lý do được cho rằng các yêu cầu, điều kiện để được vay là rất khó đáp ứng.
Đây là bài học rất lớn trong xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân, DN nói chung do tác động dịch Covid-19 trong thời gian tới. Điều này cho thấy cơ chế, thủ tục trong tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ ảnh hưởng lớn đến mức độ hấp thụ, hiệu quả của chương trình. 
Đối với chương trình lớn và dài hạn về phục hồi và phát triển kinh tế, yếu tố này đặc biệt trở nên quan trọng. Cơ chế, thủ tục không phù hợp có thể dẫn đến khả năng lạm dụng; ngược lại, cơ chế phức tạp, không hợp lý tạo thêm gánh nặng chi phí, rào cản pháp lý và gây ra méo mó, bất bình đẳng trong sản xuất kinh doanh.
Do đó, các điều kiện, thủ tục trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phải đảm bảo, không tạo ra rào cản và ứng dụng triệt để khoa học, công nghệ trong tổ chức thực hiện, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2020, hiện tượng “zombie DN” (DN xác sống) được đề cập đến và được kiến nghị các quốc gia khi thiết kế các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế cần cân nhắc: tình trạng “ốm yếu” của các công ty cộng với các chính sách hỗ trợ lớn, vô điều kiện có thể dẫn đến nguồn lực bị phân bổ sai; tiếp tục duy trì các công ty không có khả năng phục hồi, dẫn đến hạn chế cạnh tranh và cơ hội cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.
Do đó, cần thiết phải cân bằng giữa biện pháp hỗ trợ, đồng thời với duy trì cạnh tranh và thúc đẩy sáng tạo, đặc biệt chú trọng đến các DN thực tế đã phá sản nhưng chưa thanh lý. 
Đây là điều rất khó để nhận diện. Do đó, cần phải yêu cầu các công ty công bố rõ mức độ bị tác động bởi dịch Covid-19, nhu cầu tài chính mong muốn và cần phải được đánh giá thông qua kết quả hoạt động trước đó (lợi nhuận, lịch sử vay-trả nợ), để từ đó nhằm xác định các biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Cách tiếp cận này có thể giúp đảm bảo rằng nguồn lực hỗ trợ được phân bổ đúng cho công ty, ngành, lĩnh vực bị tác động bởi dịch nhưng cần tiếp tục phát triển và có thể phục hồi. Tóm lại, hỗ trợ cần bớt “hào phóng” đối với ngành, lĩnh vực ít tiềm năng phát triển hoặc không còn cần thiết trong tương lai. 

Hỗ trợ không cào bằng
Cùng với việc tính toán kỹ lưỡng, xác định đúng các đối tượng, cần thực hiện ngay các cải cách thể chế có liên quan bao gồm: (i) cải cách các thủ tục gia nhập và rút lui thị trường nhằm tạo thuận lợi nhất, nhanh nhất cho DN; thực thi mạnh mẽ chính sách cạnh tranh nhằm sàng lọc, phát hiện DN có khả năng phục hồi và phát triển. (ii) giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính không phù hợp, không cần thiết trong tiếp cận và phân bổ nguồn lực hỗ trợ; tránh trường hợp chính thủ tục này thành rào cản hoặc làm méo mó môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng với mức độ bị tác động khác nhau, cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các DN ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các DN thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19. Cần quan tâm hơn nữa các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm DN này.
Bài học ở nước ta trong thời gian vừa qua cho thấy rõ tầm quan trọng của yêu cầu này. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc “không cào bằng”, và đồng thời cần cơ chế phân bổ để nguồn lực hỗ trợ đáp ứng tốt nhất nhu cầu cần được hỗ trợ của nhóm đối tượng khác nhau với nhu cầu khác nhau, mức độ bị tác động bởi đại dịch khác nhau.
Theo thống kê của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), các quốc gia khác nhau áp dụng nhiều biện pháp tài chính trực tiếp và gián tiếp khác nhau.
Theo đó có 8 biện pháp hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước: (i) Khoản cho vay và bảo lãnh trực tiếp của Chính phủ, (ii) Hỗ trợ tiền (iii), Khoản trợ cấp, (iv) Hỗ trợ thông qua góp vốn, (v) Hỗ trợ thông qua Quỹ hỗ trợ kinh doanh, (vi) Hỗ trợ cho ngành hàng không, (vii) Hỗ trợ cho ngành, lĩnh vực cụ thể, (viii) Hỗ trợ thông qua đầu tư cho nghiên cứu, công nghệ, phát triển xanh. Một số khoản hỗ trợ mở mức độ đủ lớn và nhiều hỗ trợ xây dựng dựa trên cơ chế thị trường.
Như châu Âu (EU) đã chi khoảng 390 tỷ EUR để hỗ trợ tiền thông qua Quỹ phục hồi NGEU (Next Generation EU recovery fund). Chính phủ Bồ Đào Nha đã nâng mức sở hữu cổ phần của mình tại hãng TAP Air Portugal từ 50% lên 72%. 18 nước ở châu Âu đã đã có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch; một số quốc gia có biện pháp hỗ trợ cho ngành cụ thể, như: nông nghiệp (9 quốc gia),  xây dựng (5 quốc gia) và xuất khẩu (4 quốc gia).
Một số quốc gia thực hiện biện pháp hỗ trợ thông qua các quỹ, như Quỹ bình ổn thị trường vốn (equity market stabilisation fund ở Hàn Quốc), Quỹ trái phiếu Chính phủ ở Na Uy (Government Bond Fund).

Nâng cao sức chống chịu của DN
Nhiều báo cáo, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh, đồng thời với biện pháp hỗ trợ cần có thêm gói hỗ trợ để nâng cao năng lực DN, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực hỗ trợ và thúc đẩy quản trị công ty tốt hơn.
Cụ thể, OECD khuyến nghị thúc đẩy quản trị công ty nên được coi là một ưu tiên hành động trong phục hồi kinh tế. Theo OECD, quản trị công ty và thị trường vốn vận hành tốt đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid -19. 
Từ thực tiễn nước ta, việc thúc đẩy quản trị công ty tốt không chỉ cần thiết tại thời điểm hiện nay, mà xét về dài hạn cũng rất cần thiết trong nâng cao năng lực cạnh tranh DN và cần phải làm ngay cả khi không xảy ra dịch Covid-19 hoặc Covid-19 không còn nữa.
Bởi quản trị DN nhìn chung ở nước ta hiện nay còn hạn chế cả về nhận thức và thực tiễn thi hành, đặc biệt đang ở trình độ thấp so với khu vực và trên thế giới. Chỉ tính riêng trình độ quản trị các công ty niêm yết - là những công ty có trình độ quản trị cao nhất ở nước ta, được đánh giá thấp nhất trong 6 nước ASEAN.
Bài học từ cuộc khủng khoảng năm 2008 cũng đã cho thấy quản trị công ty vững mạnh có vai trò mang tính quyết định giúp công ty kiểm soát được tác động của các cuộc khủng khoảng bất ngờ, cũng như giúp cho công ty thích ứng tốt hơn đối với những thay đổi không thể lường trước trong môi trường hoạt động.
Khi khủng hoảng tác động tới công ty, một hệ thống quản trị công ty tốt sẽ cho phép công ty lập kế hoạch đối phó với khủng hoảng một cách hiệu quả, xác định và truyền đạt được vai trò và trách nhiệm một cách rõ ràng, cũng như thiết lập được một chiến lược trao đổi thông tin có hiệu quả. Các hành động này sẽ giúp công ty nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng và giảm thiểu những thiệt hại tới hoạt động kinh doanh.
Nâng cao khả năng hấp thụ nguồn lực hỗ trợ ảnh 1
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Từ thực tiễn nước ta và kinh nghiệm quốc tế, môi trường thể chế đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất nền kinh tế, cũng như hiệu quả và khả năng hấp thụ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Ở nước ta, nhiều chuyên gia đã cho rằng, cải cách thể chế là biện pháp ít tốn kém hoặc không tốn tiền, nhưng lại có tác dụng lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế thông qua góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh năng suất hơn, hiệu quả hơn, ít rủi ro, an toàn và bền vững hơn. 
Về phía DN, khá nhiều DN quan tâm đến cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Có thể thấy, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận tín dụng có thể có những giới hạn ngân sách, thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn và vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây.
Ý kiến từ phía cộng đồng DN trong khảo sát gần đây của VCCI, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19.
Các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội gần đây đều đã nhấn mạnh đến sự cần thiết, vai trò quan trọng và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong cải cách thể chế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, thì cải cách thể chế phải là một nội dung quan trọng và có những đặc biệt, khác biệt với chương trình cải cách thể chế. Đó là cơ chế phân bổ và tiếp nhận nguồn lực, thì thể chế ở đây chính là điều kiện, thủ tục tiếp cận và phân bổ nguồn lực hỗ trợ.
Các điều kiện, thủ tục này phải được thiết kế một cách hợp lý, phù hợp để không tạo thành rào cản dẫn đến khó tiếp cận hoặc không bình đẳng, làm giảm hiệu quả của chương trình. 
Có thể nói, yếu tố quan trọng cần cân nhắc, tính toán thận trọng trong thiết kế, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là năng lực hấp thụ. Trong các yếu tố cần lưu ý, thúc đẩy để nâng cao năng lực hấp thụ thì có nhiều yếu tố vừa mang tính tất yếu, dài hạn trong phát triển kinh tế nói chung, vừa cần thiết nâng cao hiệu quả khi triển khai chương trình.
 Hỗ trợ cần bớt “hào phóng” đối với ngành, lĩnh vực ít tiềm năng phát triển hoặc không còn cần thiết trong tương lai. Cần quan tâm hơn nữa các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém.

Các tin khác