Nay 'xanh' mai 'đỏ', phải làm gì để làm ăn bớt rủi ro?

(ĐTTCO) - Nhiều công nhân đang có tâm lý muốn doanh nghiệp chuyển từ mô hình "3 tại chỗ" sang mô hình "4 xanh" để được trở về nhà.
Các doanh nghiệp "3 tại chỗ" mong muốn thay đổi mô hình sản xuất theo phương án "4 xanh" một cách an toàn và ổn định. Ảnh: Châu Phạm
Các doanh nghiệp "3 tại chỗ" mong muốn thay đổi mô hình sản xuất theo phương án "4 xanh" một cách an toàn và ổn định. Ảnh: Châu Phạm

Dù khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phương án mở cửa sản xuất trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng về rủi ro lại bị buộc phải tạm dừng hoạt động nếu chẳng may phát sinh ca F0 trong nhà máy.

Theo các doanh nghiệp, khi đã xác định phải sống chung với Covid-19, việc xử lý với tình huống phát sinh ca F0 trong nhà máy cũng phải linh hoạt hơn, không nên đóng cửa nhà máy bởi sẽ gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng các địa phương cần có cơ chế tạo điều kiện đi lại cho người lao động, khi lực lượng lao động tại TPHCM đang thiếu hụt trầm trọng.

Bà Phạm Thị Châu (Công ty TNHH VEXOS VN): Lo nay "xanh", nhưng mai "đỏ"

Nhiều công nhân đang có tâm lý muốn doanh nghiệp chuyển từ mô hình "3 tại chỗ" sang mô hình "4 xanh" để được trở về nhà. 

Chúng tôi cũng đã nộp phương án "4 xanh" theo các tiêu chí của TP và của HEPZA vào chiều 23-9. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần phải xác định rõ trong tiêu chí để doanh nghiệp dễ dàng áp dụng.

Chẳng hạn, với "nơi ở xanh", hôm nay có thể "xanh" nhưng ngày mai có thể "đỏ", nhân viên không thể đi làm, dây chuyền sản xuất sẽ thiếu nhân sự, nhất là những người có vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất. 

Do đó, với những công nhân "vùng đỏ", chúng tôi đề xuất mở một khu lưu trú tạm thời trong nhà xưởng, tách biệt với các khu khác để họ sống và làm việc tạm, khi nào nơi lưu trú "xanh" sẽ trở về nhà.

Ngoài ra, TP cần ứng dụng công nghệ để tương tác với doanh nghiệp, tự động thông báo các "vùng xanh", "vùng đỏ" cho doanh nghiệp và công nhân để các doanh nghiệp chủ động hơn thay vì tìm hiểu thủ công.

Ông Nguyễn Đức Thuấn (Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam - Lefaso): Cần cơ chế cho doanh nghiệp tự chủ y tế

Các doanh nghiệp thành viên Lefaso có thể chủ động việc test nhanh tầm soát định kỳ, thành lập khu cách ly, tăng cường trang thiết bị, nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế... 

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc không thể giải quyết. Chẳng hạn, các doanh nghiệp không mua được các loại thuốc đặc trị Covid-19, trong đó loại Molnupiravir 400mg (hai viên/hai lần/ngày).

Đây là loại thuốc mà tất cả các doanh nghiệp còn duy trì được sản xuất đều cần, trạm y tế của doanh nghiệp cần phải có để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, cũng như tạo sự an tâm cho người lao động. 

Đặc biệt, không nên đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm trong phạm vi hẹp của một dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt. Doanh nghiệp cần được trao quyền chủ động trong phương thức tổ chức sản xuất cũng như phòng chống dịch. Bởi nếu để dịch bùng phát tại nơi sản xuất, doanh nghiệp sẽ là đơn vị thiệt hại nhiều nhất.

Ông Nguyễn Quốc Anh (Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM - RPMA): Phải tạo điều kiện cho lao động đi lại

Nhiều doanh nghiệp đã cho công nhân về quê từ cuối tháng 6-2021, ngay cả các doanh nghiệp đang hoạt động "3 tại chỗ" cũng chỉ duy trì số lượng lao động hạn chế. 

Do đó, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ gặp khó trong việc tập hợp lại lực lượng lao động. Trong khi đó, theo thống kê nhanh của RPMA, khoảng 40% doanh nghiệp (với 100 lao động/doanh nghiệp trở lên) có người lao động chưa tiêm vắc xin mũi 2.

Đây sẽ là trở ngại rất lớn cho các doanh nghiệp ngay cả khi huy động được người lao động quay lại làm việc. 

Để giải quyết được nhanh nhất bài toán "tắc" nguồn cung lao động, các địa phương cần sớm có hướng cho công nhân được di chuyển từ nơi này sang nơi khác để làm việc, tránh lãng phí nguồn vắc xin đã tiêm trong thời gian qua. 

Các nhà máy vẫn đang chờ người lao động để có thể mở cửa trở lại, công nhân lại rất cần việc làm để có thu nhập, tạo nguồn sống.

Ông Lê Mai Hữu Lâm (tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi): Nhiều quy định cần rõ ràng và cụ thể hơn

Ban lãnh đạo công ty và đội ngũ quản lý vừa họp để chuẩn bị cho việc thí điểm "4 xanh". Tuy nhiên, doanh nghiệp cảm thấy có nhiều rủi ro khi phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm, trong khi nhiều yêu cầu tại bộ tiêu chí vẫn còn chung chung, thiếu diễn giải nên các doanh nghiệp rất lúng túng. 

Chẳng hạn, phương án "4 xanh" quy định "không phát sinh các ca nhiễm (F0) trong 7 ngày" nhưng không nói rõ không phát sinh trước, trong khi áp dụng "4 xanh" sẽ giải quyết ra sao? Doanh nghiệp có được sản xuất tiếp hay không?...

Việc yêu cầu các công ty phải có hợp đồng đối với đơn vị y tế cũng cần phải quy định rõ hơn. Với việc xét nghiệm định kỳ cho công nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin, bộ tiêu chí cũng không nêu rõ là xét nghiệm mẫu gộp hay mẫu đơn. 

Ngoài ra, cần giải quyết cho một số công nhân tại các doanh nghiệp "3 tại chỗ" được về nhà. Chẳng hạn, doanh nghiệp chúng tôi có 5 công nhân neo đơn, con nhỏ... muốn được về nhà, danh sách đã được gửi lên khu công nghiệp nhưng các xã "vùng xanh" tại Củ Chi lại không tiếp nhận dù công nhân xét nghiệm âm tính.

Ông Nguyễn Đặng Hiến (Tổng giám đốc Công ty Bidrico): Nhiều rủi ro nếu vừa mở lại phải dừng

Từ thực tế doanh nghiệp đã thực hiện "3 tại chỗ", tôi thấy một số tiêu chí cần phải có sự linh hoạt hoặc có hướng dẫn rõ ràng hơn. Ví dụ với tiêu chí "7 ngày không có F0", nếu sang ngày thứ 6 xuất hiện F0, doanh nghiệp có được tiếp tục sản xuất hay không? 

Tuy nhiên, hướng khắc phục là chỉ nên tạm thời dừng phân xưởng trong một khoảng thời gian nhất định để xử lý, không nên dừng cả nhà máy.

Chúng ta đã thay đổi quan điểm là phải sống chung với Covid-19, nên việc ứng xử với nhà xưởng khi có F0 cũng phải khác trước khi các công nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin. 

Ngoài ra, tiêu chí "nơi ở xanh" cũng mang tính tương đối, bởi rất khó để khẳng định hàng xóm của công nhân không có nguy cơ lây nhiễm cho công nhân. 

Do đó, tôi cho rằng tiêu chí "4 xanh" phải nhìn nhận một cách thấu đáo hơn. Bởi nếu doanh nghiệp đã chuẩn bị nguyên liệu, lao động để tái sản xuất, mới hoạt động vài hôm đã có F0 mà phải ngưng sẽ gây thiệt hại rất lớn về tài chính, đơn hàng...

Ông Phạm Văn Việt (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean): Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó mở cửa lại

Đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chí vừa được ban hành, các doanh nghiệp buộc phải tổ chức lại nơi sản xuất với nhiều không gian, cùng hàng loạt các chính sách về y tế phải làm cho người lao động như xét nghiệm định kỳ, test nhanh, xây dựng phương án y tế... Nếu làm đầy đủ như quy định, doanh nghiệp chỉ có thể "chạy" được 70% năng suất so với trước dịch.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được một số điều kiện trong bộ tiêu chí. Chẳng hạn, với yêu cầu bố trí lại dây chuyền máy móc theo đúng khoảng cách tối thiểu 5m2/người tại phân xưởng sản xuất, không phải doanh nghiệp nào, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đủ điều kiện cũng như mặt bằng để đáp ứng. 

Trong khi đó, căn cứ vào bộ tiêu chí, chỉ có "đạt" hay "không đạt" cho từng hạng mục. Do vậy, doanh nghiệp thật sự gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn mở cửa sản xuất trở lại, nhất là trong bối cảnh nguồn lực đã cạn kiệt sau nhiều tháng đóng cửa.

Long An gỡ vướng đưa đón người lao động

Ngày 23-9, ông Nguyễn Thành Thanh - trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết địa phương này vừa thống nhất cho các công nhân có "thẻ vàng COVID-19" (đã tiêm 1 mũi vắc xin sau 14 ngày) tự đi làm bằng xe cá nhân trong nội huyện, các DN được yêu cầu kiểm soát việc đi lại của công nhân nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, với những công nhân có "thẻ vàng" từ các huyện khác, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức đưa đón.

Chỉ những công nhân có "thẻ xanh Covid-19" mới được tự đi làm bằng phương tiện cá nhân liên huyện. Với lao động ngoại tỉnh, Long An vẫn yêu cầu các sở thẩm định người về thật chặt chẽ, tránh lây lan dịch bệnh.

"Tình hình dịch bệnh tại TPHCM vẫn còn khá phức tạp, các doanh nghiệp nên tính toán chỉ đưa những chuyên gia, những lao động thật sự cần thiết về để đảm bảo dây chuyền sản xuất nhằm tránh tối đa việc lây nhiễm từ bên ngoài vào tỉnh" - ông Thanh khuyến cáo.

Các tin khác