NĐ126: Không thể 1 nhóm trốn thuế mà khoanh cả vùng

(ĐTTCO)-Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5-12-2020, có quy định: “Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng (NH) cung cấp thông tin tài khoản (TK) thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm tên TK theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở TK, ngày đóng TK”, đã gây tranh cãi nhiều ngày qua. 
 NĐ126: Không thể 1 nhóm trốn thuế mà khoanh cả vùng ảnh 1
Để có thêm góc nhìn về nội dung này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, liên quan đến nội dung trên có nhiều quan điểm trái chiều, còn ý kiến của ông ra sao?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Quan điểm của tôi là không đồng ý quy định này của NĐ126. Tôi có đọc ý kiến một số chuyên gia nói đây là thông lệ của Mỹ, là hoàn toàn sai lầm. Ở Mỹ, các NH không cung cấp thông tin về TK của khách hàng cho cơ quan thuế.
Cụ thể, tôi sống ở Mỹ hàng chục năm vẫn chưa xảy ra việc NH phải cung cấp thông tin TK của tôi cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, các NH phải cung cấp thông tin về tiền lãi NH trả cho khách hàng gửi tiết kiệm với cơ quan thuế, vì đó là khoản sinh lời chịu thuế. Các NH chỉ cung cấp thông tin TK của khách hàng nếu có lệnh của tòa án.
Chẳng hạn, cơ quan thuế nghi ngờ cá nhân nào trốn thuế, họ có thể đến yêu cầu tòa án ra lệnh cho NH cung cấp số TK cũng như tất cả số dư trên TK đó cho cơ quan thuế để họ điều tra. 
Theo tôi, cơ quan thuế muốn các NH cung cấp thông tin TK thanh toán của từng người nộp thuế để truy thu những trường hợp trốn thuế. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng thông tin. Thứ hai, vấn đề bảo mật thông tin.
Ngay cả các NH quản lý TK còn xảy ra chuyện bị lộ thông tin, khách hàng mất tiền, thì việc cơ quan thuế cũng có TK với số lượng người chịu thuế lên đến con số hàng chục triệu, làm sao bảo đảm thông tin hoàn toàn bảo mật? 
Nếu không bảo mật được, thông tin TK lộ ra ngoài, rơi vào tay những tổ chức tội phạm, họ có thể sử dụng những thông tin đó để có những hành động đi ngược với quyền lợi của khách hàng, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Đồng thời, cơ quan thuế đòi hỏi các NH phải cấp thông tin TK người nộp thuế, ai là người chịu chi phí về nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện các nghiệp vụ NH liên quan đến ngành thuế, trong khi các NH đang phải tiết giảm chi phí tối đa để giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.
Vì vậy, quan điểm của tôi là các NH chỉ cung cấp thông tin trên TK của khách hàng nếu có án lệnh của tòa án. Trong trường hợp cơ quan thuế điều tra người nào đó nghi ngờ trốn thuế, họ có thể yêu cầu tòa án ban hành lệnh tra soát và thông tin cũng có giới hạn, thay vì bắt các NH làm đại trà như thế.
Ngoài ra, tôi cho rằng Quốc hội và Chính phủ cũng nên xem xét buộc người dân đóng thuế trên tiền lãi tiết kiệm, vì đó là thu nhập sinh lời và bắt buộc các NH phải báo cáo cho cơ quan thuế mỗi năm về số tiền lãi của khách hàng để họ đóng thuế.
- Có ý kiến cho rằng quy định này có thể khiến người dân không muốn thanh toán, giao dịch qua hệ thống NH, quay lại sử dụng tiền mặt, đi ngược với chính sách khuyến khích người dân hạn chế không dùng tiền mặt của Chính phủ?
- NĐ126 sẽ mở cho cơ quan thuế không gian điều tra rất lớn. Nếu thấy nguời nộp thuế có số tiền lớn vào TK, họ sẽ nghi ngờ khách hàng có nguồn sinh lời nào đó nhưng lại đóng thuế ít.
Trong khi về điều tra thuế, các nhân viên thuế và cơ quan thuế phải có sự nghi ngờ nào đó mới tiến hành điều tra. Bây giờ mở không gian rộng như thế, cơ quan thuế có thể lùng vào tất cả mọi chuyện, và làm như vậy sẽ gây sự rối loạn trong hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, nhiều người sẽ lo ngại tiền vào TK của họ qua việc vay mượn hoặc nhận từ người khác, thừa kế từ cha mẹ… sẽ bị cơ quan thuế soi, nên có thể họ sẽ chuyển sang nhận bằng tiền mặt.
Như vậy, quy định này cũng có mặt tích cực là có thể điều tra được những người trốn thuế và làm giảm vấn đề trốn thuế. Nhưng khi áp dụng, người dân có thể sẽ trở lại giao dịch bằng tiền mặt thay vì qua TK.
- Nhưng quy định này sẽ giúp ngành nắm được dòng tiền của các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới, nhất là khi có nhiều cá nhân nhận thu nhập khi kinh doanh qua các nền tảng như Amazon, Google, YouTube… nhưng không nộp thuế nguồn thu nhập này, thưa ông?
- Đúng là quy định này có nhiều mục đích. Một trong những mục đích là thu thuế những người kinh doanh online trên mạng xã hội mà phần lớn là trốn thuế. Nếu áp dụng NĐ126, ngành thuế sẽ nắm được đằng chuôi, có được thông tin TK và truy thu được thuế.
Đó là điều tốt, là biện pháp tương đối hữu hiệu để giảm trừ việc trốn thuế của những người kinh doanh online. Tuy nhiên, quy định đó lại tạo ra những hệ lụy khác của xã hội, như vấn đề bảo mật, những thông tin bị rò rỉ và có thể bị lạm dụng thông tin về thuế của người dân, chi phí cho NH… 
Vì vậy, muốn thu thuế của những người kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, Google, YouTube… có lẽ phải có những quy định riêng về vấn đề đó. Chẳng hạn, có thể quy định tất cả người kinh doanh trên mạng phải giao dịch qua TK và họ phải đồng ý cho cơ quan thuế theo dõi thông tin TK của mình.
Tức phải khoanh vùng khu vực ngành thuế nghi ngờ thiệt hại và xử lý vùng đó. Không chỉ vì vài triệu người bán hàng trên mạng lại gây ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân khác, như vậy sẽ không hợp lý.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác