Nên bổ sung điện hạt nhân vào quy hoạch điện quốc gia

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS TRẦN CHÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần bổ sung điện hạt nhân vào trong quy hoạch điện quốc gia trong dài hạn, điều này giúp thực hiện được song song “mục tiêu kép” vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đáp ứng tiêu chí phát triển kinh tế theo mô hình “tăng trưởng xanh”.
Điện hạt nhân phối hợp cùng điện tái tạo là xu thế nhiều nước đang triển khai trong chuyển đổi cơ cấu nguồn điện.
Điện hạt nhân phối hợp cùng điện tái tạo là xu thế nhiều nước đang triển khai trong chuyển đổi cơ cấu nguồn điện.
PHÓNG VIÊN: - Ý kiến của ông như thế nào trước quan điểm đề xuất các nhà máy điện than hiện nay chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng thay than đá trong bối cảnh khí hóa lỏng giá đắt đỏ, chi phí đầu vào cao hơn? 
TS. TRẦN CHÍ THÀNH: - Quan điểm của tôi là trong hệ thống điện phải có nguồn điện chạy đáy và nguồn chạy đỉnh phụ tải. Nguồn điện chạy đáy là nguồn công suất lớn, ổn định như thủy điện, nhiệt điện than, điện hạt nhân.
Nguồn điện đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh có thể là nhiệt điện khí, diesel, hoặc năng lượng tái tạo (nếu có vào thời điểm phụ tải cao). Một hệ thống điện không thể ổn định nếu tỷ lệ nguồn ổn định đáp ứng phụ tải đáy không đủ lớn.
Rõ ràng hiện nay nguồn thủy điện hầu như đã khai thác hết. Nếu có điện hạt nhân thì có thể giảm nguồn nhiệt điện than, còn không có điện hạt nhân thì phải dùng nhiệt điện than.
Một đất nước phát triển công nghiệp cần nguồn điện công suất lớn và ổn định như thủy điện, nhiệt điện than, hoặc điện hạt nhân. Nhiệt điện khí phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí. Nếu không có đủ nguồn cung cấp khí ổn định (như nước Nga), thì phải dùng nhiệt điện chạy LNG.
Năm 2011 sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra sự cố, Nhật Bản đã dừng tất cả các nhà máy điện hạt nhân (50 lò trừ 4 lò Fukushima) để kiểm tra lại an toàn. Hiện nay đã khởi động lại 12 lò hạt nhân, và dự kiến trong hệ thống điện tương lai sẽ có khoảng 30 lò như vậy. Sau Fukushima, khi không có điện hạt nhân trong hệ thống, Nhật Bản đã thay thế bằng nhiệt điện LNG.
Nhưng giá thành điện LNG cao hơn điện hạt nhân ở Nhật Bản. Do đó Nhật Bản đã có chính sách tiết kiệm điện, nhưng giá điện cũng đã tăng cao sau Fukushima. Nhiệt điện LNG có công nghệ cũng phức tạp, cũng rất khó triển khai. Giá thành LNG cũng thay đổi liên tục, gần đây giá tăng cao. 
- Hiện nay, lộ trình sử dụng các loại năng lượng tái tạo đã được đưa vào trong quy hoạch, bao gồm chủ yếu điện mặt trời và điện gió. Theo quy hoạch và đang thực hiện, đến năm 2030, hai loại năng lượng này sẽ chiếm 28% cơ cấu tỷ trọng năng lượng (mỗi loại 14%). Cũng có ý kiến cho rằng con số này là quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu?
- Nếu phân tích cụ thể, có thể thấy điện mặt trời kém ổn định vì chỉ có ban ngày, và còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Diện tích làm điện mặt trời chiếm rất lớn. Gần đây Việt Nam đã phát triển quá nóng điện mặt trời và đang gây ra các vấn đề lớn.
Về điện gió trên bờ, hạn chế cũng phụ thuộc vào thời tiết (gió trên bờ không có tiềm năng lớn, và có thể bị ảnh hưởng khi có bão, là vấn đề xảy ra hàng năm ở Việt Nam). Điện gió trên bờ cũng cần diện tích, và nếu triển khai ở khu vực cao, thì thường phải phá rừng, làm đường vận chuyển trang thiết bị, lắp đặt…Điện gió ngoài khơi đang được nhiều tỉnh đề xuất đưa vào quy hoạch.
Tuy nhiên, theo tôi điện gió ngoài khơi có các hạn chế như sau: (1) Hệ số sử dụng công suất lắp đặt cao hơn so với điện gió trên bờ, nhưng giá thành cao hơn do công nghệ thiết bị đặt ngoài khơi. (2) Các trạm điện gió ngoài khơi sẽ ảnh hưởng đến giao thông vận tải, đến nghề đánh bắt cá của người dân ven biển.
(3) Hàng chục triệu con người sẽ ảnh hưởng do các cột điện gió trên biển, cũng như sóng âm phát ra sẽ xua đuổi các luồng cá ra khỏi khu vực. (4) Các hệ thống điện gió ngoài khơi nếu chủ đầu tư là nước ngoài, thì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng của đất nước nếu chúng ta không kiểm soát được…
Ngoài ra, điện gió hiện nay cũng còn hạn chế do có nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Việt Nam có nhiều bờ biển để làm điện gió ngoài khơi, chắc chắn là thế. Nhưng nhiều nước khác cũng có bờ biển dài như chúng ta. Câu hỏi của tôi là tại sao Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có bờ biển dài, sao họ không làm điện gió? Sao họ vẫn làm điện hạt nhân? 
Do đó quan điểm của tôi là chúng ta vẫn thúc đẩy và làm năng lượng tái tạo, nhưng không thể thực hiện với tỷ lệ cao trong hệ thống điện. Và điện hạt nhân phối hợp cùng điện tái tạo là xu thế nhiều nước đang triển khai trong chuyển đổi cơ cấu nguồn điện, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác.
Nên bổ sung điện hạt nhân vào quy hoạch điện quốc gia ảnh 1
- Như trên ông đã nói là nên bổ sung điện hạt nhân vào trong quy hoạch. Tuy nhiên, ngay cả điện hạt nhân thì thế giới hiện nay cũng đang có sự tái cơ cấu?
- Vấn đề này cần hiểu rõ và kỹ hơn, liên quan đến điện hạt nhân là lò mô-đun công suất nhỏ (SMR). 
Thứ nhất, SMR là công nghệ tiên tiến hiện nay, theo lý thuyết là đảm bảo an toàn cao hơn so với lò nước nhẹ (LWR). Tuy nhiên, lò nước nhẹ dùng nước làm mát, là công nghệ thuần thục đã được thế giới nghiên cứu gần 70 năm qua, và giới khoa học đã hiểu khá rõ về các vấn đề khoa học liên quan.
Sau Fukushima, các yêu cầu an toàn khắt khe đã được đưa ra, và các thiết kế mới về LWR thế hệ III+ đáp ứng các yêu cầu an toàn đó. Lò SMR là công nghệ mới, theo tính toán vật lý và mô phỏng thì có vẻ như đảm bảo an toàn hơn. Hãy để thời gian để chúng ta hiểu rõ hơn về các vấn đề khoa học liên quan đến SMR.
Thứ hai, các nước đang phát triển và quảng bá cho SMR là các nước đã có nền tảng khoa học công nghệ và công nghiệp về hạt nhân, về lò nước nhẹ LWR (như Mỹ, Pháp...). Khi đã có nền tảng khoa học công nghệ, nguồn nhân lực hùng hậu về hạt nhân, về lò nước nhẹ, thì hoàn toàn có thể xem xét việc đưa SMR vào hệ thống điện. Mỹ hay Pháp là trường hợp như vậy.
Tại sao Trung Quốc đang phát triển mạnh điện hạt nhân, nhưng họ vẫn dựa vào LWR là chính (hiện nay họ có khoảng 50 lò LWR, đến 2030 sẽ có hơn 100 lò LWR, và đến 2050 sẽ có khoảng hơn 270 lò LWR). Còn Việt Nam? Chúng ta chưa có đủ nền tảng khoa học công nghệ, công nghiệp hạt nhân để thúc đẩy công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ chưa được kiểm chứng như SMR hiện nay.
Tất nhiên tôi không loại trừ khả năng SMR sẽ được kiểm chứng và an toàn, đáp ứng yêu cầu khắt khe, và sẽ được triển khai sắp tới. 
Thứ ba, lò SMR có công suất nhỏ và sẽ phù hợp hơn với đất nước có diện tích đất lớn (vì cần nhiều địa điểm để xây dựng nhiều SMR so với lò LWR công suất lớn). Chúng ta là nước có diện tích lớn không thể không triển khai. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác