Nền công nghiệp và dịch vụ chưa bền vững

(ĐTTCO) - Từ ngày 1-10, người dân cả nước quặn lòng nhìn dòng người rời bỏ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê, nơi họ từng cho là “quê hương thứ hai”. Trước tình cảnh này, có ý kiến nói việc lao động bỏ đi đúng quy luật phát triển.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bởi trước đó, họ tin chắc rằng sau ngày 1-10, TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai bỏ giãn cách, đưa xã hội về trạng thái bình thường mới, người lao động (NLĐ) sẽ vui mừng, công nhân chuẩn bị đi làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), người buôn bán hành nghề dịch vụ chuẩn bị cho việc khai trương trở lại. Nhưng điều mong đợi đó không xảy ra.
Công nhân chỉ trông chờ đồng lương
TPHCM có hơn 1,2-1,5 triệu NLĐ từ các tỉnh đến, làm việc ở trong 22 KCN, KCX, khu công nghệ cao, hàng ngàn nhà máy, phân xưởng, các công trường xây dựng, tham gia các loại hình dịch vụ từ bán lẻ, bán hàng rong đến thu gom rác, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe…
Để có được lực lượng lao động đông đảo như thế, trong đó có rất nhiều được học hành, đào tạo, huấn luyện kỹ năng bài bản, không phải ngày một ngày hai mà cả quá trình tích lũy lâu dài đến 30 năm. Đây là tài sản vô giá được trao truyền, nhân rộng cho tới ngày nay. 
Nhưng toàn bộ thành quả của lực lượng sản xuất ấy có nguy cơ bị đứt gãy và biến mất. Đồng Nai, Bình Dương đã sản xuất trở lại, nhưng chỉ 40% công nhân trở lại làm việc, TPHCM cũng trong tình trạng tương tự.
Dù muốn hay không cũng phải nói những gì đang diễn ra cho thấy một nền công nghiệp và dịch vụ không bền vững.  
Nền công nghiệp và dịch vụ chưa bền vững ảnh 1
Từ năm 1990 TPHCM bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa, đến nay TP đã đầu tư khá nhiều vào các KCN như đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội, cải tiến thủ tục hành chính, hải quan, logistics… Nhưng hình như quên mất NLĐ nhập cư, hoặc coi họ là công dân hạng 2, không nằm trong diện các chính sách phải phủ kín.
Câu hỏi “từ xưa đến nay ai lo cho NLĐ” dường đã có sẵn câu trả lời: “chủ DN trả lương tháng, còn NLĐ tự xoay sở”. Hơn 90% công nhân ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương là nhập cư từ các tỉnh ĐBSCL, Tây nguyên, miền Trung, do vậy họ chỉ trông mong vào đồng lương. 
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, lương trung bình của công nhân 6,5 triệu đồng, nếu tăng ca và làm thêm có thể được 10 triệu đồng (mức cao nhất của lao động phổ thông ở TPHCM).
Nhìn vào cơ cấu chi tiêu của 1 công nhân, mỗi tháng họ gửi về quê 2 triệu đồng, ăn uống 3 triệu đồng; xăng dầu, điện thoại, tiêu vặt 500.000 đồng; nhà ở, điện nước 2,5 triệu đồng (mức thấp nhất). Nếu không đau ốm, không chi đám ma, đám cưới, sinh nhật, khéo lắm họ tích lũy được 1-1,5 triệu đồng. 
Vì là người ngụ cư họ không được tiếp cận dịch vụ công như người địa phương. Ai có con nhỏ phải gửi vào nhóm trẻ tư nhân (phần nhiều là bất hợp pháp), các trường tiểu học, trung học dân lập, tư thục, tức họ phải đóng tiền cao hơn gia đình có con em có hộ khẩu.
Các loại phí khác cũng phải đóng cao hơn, chưa kể các thủ tục hành chính như mua xe, kết hôn, ly hôn, mua nhà cửa với họ dường như đóng lại. Trong điều kiện bình thường, công nhân sống rất vất vả, nhiều công ty sa thải công nhân ở độ tuổi 45-50 để nhận người trẻ hơn, những người này trở về quê dường như trắng tay, không còn sức lực nữa. 

Giá trị của NLĐ nhập cư
Và đây chính là nguyên nhân sau 4 tháng giãn cách họ thực sự đã “kiệt sức”, “kiệt tâm”, “kiệt quệ”. Số tiền tích lũy ít ỏi nhanh chóng hết, số tiền cứu trợ 2 đợt 2,5 triệu đồng chả thấm vào đâu.
Nhiều người nhận xong trả tiền nhà trọ, tiền vay mua thực phẩm thuốc men trước đó là hết, đúng tình cảnh “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, chưa kể nhiều người không nhận được đồng nào qua mấy đợt cứu trợ. Suốt 4 tháng, họ sống cầm cự qua ngày bằng gạo, rau của bà con xóm giềng, của phường cứu trợ.
Theo lý lẽ thông thường, khi bình thường mới trở lại họ sẽ bắt đầu cho chuỗi mưu sinh mới. Nhưng mưu sinh ở TP khác nông thôn, dù buôn bán vặt vãnh cũng phải có vốn chí ít cũng tiền triệu. Nhưng họ đã kiệt sức, vì họ không phải là khách để ngân hàng chào đón, cũng không đủ dũng khí đâm đầu vào tín dụng đen. Đã vậy dịch tái phát thì sao?
Chính vào thời điểm ấy, những người đồng hương cùng quê, cùng huyện, cùng xã nhắn tin cho nhau hẹn hồi hương. Cái thông tin ấy như tia hy vọng cuối đường hầm cho những người suốt 4 tháng bó gối nhìn trời trong căn phòng trọ chật chội, và “tâm lý bầy đàn” lan truyền nhanh chóng: Về quê rồi tính sau.
K. Mark nói “Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể làm ra lịch sử. Nhưng muốn sống được trước hết cần có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa”.
Giá như cách nay 30 năm, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai nhận ra giá trị của NLĐ nhập cư và có những chính sách đối xử đúng mức thì đâu đến mức này. Ngày ấy, nếu các tỉnh, thành cùng chủ DN xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thì hay biết bao nhiêu. 
Khi người công nhân được chăm lo tốt cho đời sống, sức khỏe, học hành cho con cái, đảm bảo được chế độ an sinh, có tích lũy, họ sẽ làm ra sản phẩm nhiều hơn, tốt hơn và cố nhiên họ sẽ trung thành với ông chủ của mình, cũng như báo đáp lại TP đã cưu mang, đối đãi họ tử tế bấy lâu nay một cách thực lòng mà không cần phải kêu gọi, ngăn cản. 
Trước dịch, mỗi ngày TPHCM thu ngân sách 1.200-1.500 tỷ đồng. Chưa có số liệu nào công bố, nhưng chắc chắn hơn 1 triệu lao động nhập cư đóng góp trong ấy nhiều lắm. Sau dịch, hy vọng các nhà hoạch định chính sách đối với công nhân và lao động nhập cư sẽ thay đổi quan điểm, cũng như cách hành xử hợp tình, hợp lý hơn. 

Các tin khác