Nga bị loại khỏi SWIFT: Tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

(ĐTTCO) - Sự kiện Mỹ, Anh, Canada và Ủy ban châu Âu thông báo chặn kết nối của một số ngân hàng (NH) Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Đây là hệ thống truyền tin nhắn giao dịch toàn cầu, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự kiện này liệu có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam?

Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT hầu hết các ngân hàng trong đó có Việt Nam đều bị tổn thương.
Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT hầu hết các ngân hàng trong đó có Việt Nam đều bị tổn thương.
Khi hệ thống SWIFT bị chặn…
Hiện nay, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam chủ yếu được xử lý bằng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU), do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế. 
Về bản chất, SWIFT không trực tiếp chuyển tiền mà chuyển những thông tin về giao dịch tiền dưới dạng tin nhắn có tính bảo mật cao, an toàn, nhanh chóng và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác. Điều này hỗ trợ các NH và doanh nghiệp (DN) dễ dàng thực hiện thanh toán không tiền mặt xuyên quốc gia.
Nga hiện có 291 thành viên hệ thống NH tham gia hệ thống SWIFT, với các hoạt động chiếm khoảng 1,5% các giao dịch của tổ chức này. Con số này tương đương với khoản thanh toán trị giá khoảng 800 tỷ USD/năm.
Ngày 2-3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo loại 7 NH lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, gồm VTB, Bank Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Bank Rossiya, Sovcombank và VEB. Các NH trong danh sách trừng phạt có thời hạn 10 ngày để chấm dứt các hoạt động trong SWIFT. Những NH Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ không thể thực hiện phần lớn giao dịch tài chính trên thế giới. 
Theo đó, các công ty và cá nhân Nga sẽ gặp khó khăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), cũng như vay mượn hoặc đầu tư ra nước ngoài. Các tổ chức tài chính trên thế giới cũng gặp khó khăn trong việc gửi tiền hoặc rút tiền ra khỏi Nga. Điều này cũng ảnh hưởng đến khách hàng nước ngoài của Nga, bao gồm những DN kinh doanh với Nga hoặc đang kinh doanh tại Nga.

Chưa ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam
Cũng như nhiều quốc gia có quan hệ kinh tế, thương mại với Nga, Việt Nam chịu những tác động nhất định từ việc các NH Nga bị ngắt kết nối SWIFT, tuy nhiên không quá lớn. Xét về bình diện quan hệ thương mại, mức tăng trưởng kim ngạch XNK Việt Nam - Nga năm 2020 đạt 5,3 tỷ USD, tăng hơn mức 4,42 tỷ USD năm 2019 tới trên 18%.
Trong đó, XK của Việt Nam sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, NK đạt 2,1 tỷ USD. Kim ngạch XNK Việt Nam - Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị XNK của Việt Nam trong năm này (chiếm 1,1% giá trị XK và 0,8% giá trị NK). Hay đối với hoạt động du lịch, Nga cũng là nguồn khách hàng quan trọng.
Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế đến từ Nga mới chiếm gần 8% tổng lượt khách trong 2 tháng đầu năm 2022. Do vậy, nguồn du khách Nga chỉ có những tác động nhất định đến đà phục hồi của ngành du lịch Việt Nam.
Trong đầu tư, việc chặn kết nối SWIFT của hệ thống NH Nga sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam. Các dự án có thể không nhận đầy đủ và kịp thời vốn để thực hiện đúng tiến độ đầu tư. Nga chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với 150 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 953,7 triệu USD.
Trong thực tế, phần lớn dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam là điện và dầu khí, trong đó nhiều dự án chưa được triển khai hoặc mới ở giai đoạn thăm dò tìm kiếm. Do đó việc ngưng trệ các dự án này hầu như không ảnh hưởng nhiều đến quy mô của ngành dầu khí. 

DN trực tiếp đầu tư ở Nga cần chủ động
Xung đột Nga-Ukraine đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt, dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, niken, ngô... do thị phần sản xuất và xuất khẩu của Nga và Ukraine rất lớn.
Do đó, nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu trên trong vài năm tới. Khả năng NK lạm phát vào Việt Nam sẽ tăng cao.
Hơn nữa, khi giá dầu mỏ, khí đốt và các nguyên vật liệu tăng cao sẽ làm tốc độ hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới chậm lại. Đây có thể là tác nhân gián tiếp làm suy giảm tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Với việc bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể sử dụng các công cụ truyền thống trước đây như điện thoại, máy điện tín, email để thực hiện giao dịch liên NH. Mặc dù các công cụ này đã lỗi thời, tốc độ chậm, độ bảo mật thấp, chi phí cao, nhưng đây cũng là giải pháp cho các NH bị ngắt kết nối SWIFT. 
Việc bị ngắt kết nối SWIFT có thể thúc đẩy Nga tham gia mạnh mẽ hơn các nền tảng công nghệ khác, như Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) Trung Quốc xây dựng từ năm 2015.
Hơn nữa, Nga cũng có thể kích hoạt Hệ thống tin nhắn chuyển thông báo tài chính trong nước SPFS. Giao dịch đầu tiên trên mạng lưới SPFS được thực hiện vào tháng 12-2017. Nga cũng tìm cách mở rộng sự kết nối của SPFS đối với hệ thống thanh toán toàn cầu. 
Hơn nữa, từ năm 2019, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu giải pháp thay thế cho cơ chế thanh toán SWIFT. Trong đó, hệ thống SPFS của Nga sẽ được kết nối với hệ thống thanh toán liên NH xuyên biên giới CIPS của Trung Quốc.
Mặc dù Ấn Độ chưa có hệ thống nhắn tin tài chính trong nước, nhưng nước này có kế hoạch liên kết nền tảng của NHTƯ Nga với một số dịch vụ đang được phát triển. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của SPFS vẫn được cho còn khá khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2020, hệ thống này mới có 400 định chế tài chính từ 23 quốc gia tham gia.
Trong bối cảnh này, các DN tham gia hoạt động XNK với Nga cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán, các phương thức thanh toán phù hợp khi giao kết hợp đồng với khách hàng.
Các phương thức thanh toán quốc tế an toàn như Thư tín dụng không hủy ngang (ILC) nên được xem xét áp dụng để thay thế các phương thức khác kém an toàn hơn. Đồng thời, các DN và NH Việt Nam cũng cần xem xét kỹ lưỡng uy tín, cũng như khả năng thanh toán của các NH thanh toán (đặc biệt trong bối cảnh cấm vận) trước khi giao kết hợp đồng. 
Đối với các đơn hàng trị giá nhỏ, DN có thể thanh toán qua kênh thanh toán KFT do NH Ngoại thương Nga (VTB) xây dựng. Đến nay, qua 5 năm triển khai, hệ thống KFT đã hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, có khả năng phục vụ tốt cho hoạt động thanh toán song phương giữa 2 nước.
Đồng thời, DN Việt đang làm ăn tại Nga và Ukraine cần chủ động giữ liên hệ với bộ phận Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại 2 nước này, để tìm biện pháp tháo gỡ nếu gặp khó khăn trong giao dịch. Ngoài ra, DN cũng cần nghiên cứu để mở rộng thêm thị trường các nước trong khu vực Á-Âu, các thị trường tại các khu vực khác trên thế giới, nhằm đẩy mạnh hoạt động XNK và tăng trưởng của DN.

Các tin khác