Ngân sách thất thu vì thuế ưu đãi quá nhiều

(ĐTTCO) - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hay khả năng cạnh tranh quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, phát biểu tại Diễn đàn Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, phát biểu tại Diễn đàn Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019.
Sáng nay 13-11, Diễn đàn Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019 với chủ đề “Hướng tới một hệ thống thuế công bằng” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Báo cáo công bố tại diễn đàn của VEPR về chi tiêu thuế ở Việt Nam cho thấy, ước tính chi tiêu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chiếm khoảng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 30% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp, 5% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn chi ngân sách cho y tế. 
Con số ước tính chi tiêu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 đạt gần 86.000 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2014 và tăng 50% so với năm 2012). Trong chi tiêu thuế, chi tiêu thuế do giảm thuế tăng gần gấp đôi từ mức 34.000 tỷ đồng (2012 và 2014) lên mức 64.000 tỷ đồng (2016).
Bên cạnh con số ước tính về chi tiêu thuế, báo cáo cũng chỉ ra số doanh nghiệp nộp thuế trong tổng số các doanh nghiệp có lợi nhuận dương là 48% (2012), 28% (2014) và 70% (2016). Đáng chú ý, số doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi thuế (cả miễn thuế và giảm thuế) chiếm khoảng 90% (2012 và 2014) và hơn 60% (2016). Thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế chỉ bằng khoảng 70% mức thuế suất phổ thông của thuế thu nhập doanh nghiệp. 
Bình luận về vấn đề trên, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, mặc dù đã có nhiều cải cách tích cực, thực trạng hệ thống thuế hiện nay của Việt Nam còn phức tạp, chưa tương đồng với các nước trên thế giới.
Cụ thể, một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có, cấu trúc thu ngân sách kém bền vững, tình trạng trốn và tránh thuế còn nhiều phức tạp đã khiến việc thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống, đây đang là một xu hướng đáng lo ngại. Điều đáng nói việc này đồng nghĩa hệ thống thuế hiện tại đang thất bại. 
Đại diện của VEPR cũng cho rằng, việc thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống vì nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân đáng chú ý nhất là hệ thống thuế hiện tại đang thất bại trong việc nắm bắt và phân phối lại thu nhập và tài sản của quốc gia. Thu ngân sách từ thuế giảm xuống là hệ quả của sự tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi, nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế (nguồn thu mất đi do ưu đãi thuế) vẫn duy trì ở mức cao. Điều này dẫn đến việc công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu ngày càng phát triển trong khi phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ lại bị bỏ qua.
Trong khi đó, ông Johan Langerock, chuyên gia về chính sách thuế của Tổ chức Oxfam cũng nhìn nhận, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế. “Trên thực tế, trong những năm qua, tổng thu ngân sách từ thuế đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự bền vững của ngân sách quốc gia. Một số phân tích cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan nhà nước của Việt Nam chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân tích hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế trong khi không thể bỏ qua việc tính toán này vì chi phí phải đánh đổi về mặt xã hội quá lớn”, ông Johan Langerock nói. 
Ông Johan Langerock khuyến nghị, Việt Nam cần xem xét việc loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia cũng như nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự quốc tế của mình.

Các tin khác