Ngành bán lẻ nỗ lực khai thác thị trường 200 tỷ USD

(ĐTTCO) - Năm 2020, thị trường Việt Nam có bước nhảy ngoạn mục về quy mô, trở thành 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ có sức hấp dẫn vượt trội, đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển.
Người tiêu dùng mua sắm tại Co.opmart Lý Thường Kiệt Ảnh: CAO THĂNG
Người tiêu dùng mua sắm tại Co.opmart Lý Thường Kiệt Ảnh: CAO THĂNG

Mảnh đất màu mỡ


Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho đến nay, Việt Nam liên tục lọt vào tốp các quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới vì nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố đầu tiên là tiềm năng từ dân số trẻ nên có sức mua rất lớn.

Trong bức tranh chung về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, thì bán lẻ được xem là một trong những mảng màu tươi sáng nhất. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6% so với năm 2019, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng quy mô của thị trường vẫn tăng thêm hơn 11 tỷ USD. Nếu thị trường phục hồi và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ cần 2 năm nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể chạm mốc 200 tỷ USD.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho rằng, năm 2020 là năm hết sức khó khăn cho nhà bán lẻ Việt Nam. Không chỉ dịch bệnh mà thiên tai, bão lũ cũng đã kéo sức mua của thị trường giảm sút nặng nề. Trước tình thế này, ban lãnh đạo Saigon Co.op đã xây dựng nhiều kịch bản khác nhau để thích ứng với hoàn cảnh mới, trong đó tất cả kịch bản được đề ra là không có lãi. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, Saigon Co.op vẫn có lãi tuy không đạt kế hoạch đề ra, doanh thu ước đạt hơn 33.000 tỷ đồng, tương ứng gần 90% kế hoạch.

Hệ thống trung tâm thương mại (TTTM) lớn nhất Việt Nam là Vincom cũng ghi nhận, trong dịp tết, lượng khách đến các trung tâm mua sắm, ăn uống và giải trí vẫn đạt khoảng 80%-90% so với năm 2019. Báo cáo kinh doanh của Aeon Mall Việt Nam chỉ ra, kể từ khi các TTTM được mở lại từ ngày 24-4-2020 thì khách hàng tăng trở lại và từ tháng 10-2020, khách hàng tới Aeon Mall đạt hơn 90% so với năm 2019.

Năm 2020, bất chấp khó khăn, nhiều nhà bán lẻ FDI đã không ngừng mở rộng mạng lưới trên phạm vi cả nước. Nổi bật nhất là nhãn hàng thời trang Uniqlo mở thêm 5 cửa hàng tại Hà Nội và TPHCM; MUJI - thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản cũng đặt cửa hàng đầu tiên tại TTTM Parkson Đồng Khởi, TPHCM; thương hiệu thời trang thể thao Fila cũng “Bắc tiến” với 2 cửa hàng liên tiếp tại Hà Nội; hãng thời trang H&M cũng mở thêm 2 cửa hàng tại Hạ Long và Cần Thơ, nâng tổng số cửa hàng H&M tại Việt Nam lên 11, trong khi hãng này vừa phải đóng cửa 250 cửa hàng trên toàn cầu do dịch Covid-19. Ở mảng ẩm thực, thương hiệu lẩu Trung Hoa Haidilao Hot Pot cũng mở liên tiếp 3 cửa hàng trong năm 2020, đều tại các TTTM lớn…

Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn và sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Thời của bán lẻ hiện đại

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam, bức tranh bán lẻ năm 2020 đang thay đổi rất nhiều, đặc biệt là chân dung người mua hàng, điều này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2021. Thị trường bán lẻ ở kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng vẫn đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 và hệ thống phân phối này sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2021 cũng như tương lai gần.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, năm 2020 và đến thời điểm này, hàng loạt sạp hàng kinh doanh ngành quần áo, giày dép, đồ lưu niệm, mỹ phẩm, ăn uống tại các chợ truyền thống ở TPHCM vẫn đóng cửa chờ khách thì chuỗi các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị và TTTM tiếp tục phát triển, đa dạng hóa loại hình bán hàng theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang kênh bán lẻ hiện đại đang diễn ra sâu sắc, nhất là tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội…

Ông Nguyễn Anh Đức thừa nhận, dịch Covid-19 đã làm cho thị trường bán lẻ bị phân hóa rõ hơn. Ở mặt tích cực, nó giúp các nhà bán lẻ nhận diện rõ và tập trung hơn với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, tốc độ chuyển biến của nhóm khách hàng cao cấp diễn ra gấp 4-5 lần so với những năm trước. Đây là lý do Saigon Co.op phải đẩy mạnh hình ảnh mới gắn với chuỗi siêu thị cao cấp mang thương hiệu Finelife tại các thành phố lớn để phục vụ khách hàng cao cấp hơn trong năm 2021. Sự linh hoạt này để khởi động cho chiến lược 3 năm tới, Saigon Co.op có 100 siêu thị chuyên về hàng cao cấp trên thị trường. Đồng thời, năm 2021, Saigon Co.op dự kiến mở rộng 10 mô hình bán lẻ trên thị trường và thực hiện đa dạng hóa mô hình bán lẻ, đáp ứng tốt nhất cho các phân khúc khách hàng.

Cùng chạy đua với các DN trong nước, các nhà bán lẻ khối ngoại cũng đã lên kế hoạch đầu tư, nâng cấp và phát triển thêm nhiều điểm bán mới. Aeon Mall Việt Nam tiết lộ mục tiêu đến năm 2025, Tập đoàn Aeon sẽ phát triển 20 TTTM tại Việt Nam. Để cụ thể hóa, Aeon Mall đã chuẩn bị nguồn vốn lên đến 2 tỷ USD để đầu tư, phấn đấu xuất khẩu 1 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản và các nước khác. Theo ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam, trong kinh doanh chuỗi TTTM ở các nước châu Á thì Việt Nam là nước được khôi phục chuỗi sớm nhất nhờ những nỗ lực đối phó hiệu quả với dịch bệnh.

Không tiết lộ con số cụ thể nhưng Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã đầu tư rất lớn cho việc chuyển đổi bộ nhận diện thương hiệu mới từ Big C sang Tops Market và đại siêu thị Go! tại Việt Nam, với diện mạo hoàn toàn mới kết hợp với cải tiến không gian mua sắm, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Ngoài ra, Central Retail Việt Nam cũng khai trương các đại siêu thị để phủ kín các điểm bán tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Các tin khác