Ngành da giày: Đơn hàng vẫn khả quan bất chấp dịch bệnh phức tạp

(ĐTTCO)-Nửa đầu năm, xuất khẩu giày dép các loại đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Bắc Mỹ, EU, châu Á đều tăng mạnh.
Trong nửa đầu năm, xuất khẩu giày dép các loại tăng 27,8% so với cùng năm trước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Trong nửa đầu năm, xuất khẩu giày dép các loại tăng 27,8% so với cùng năm trước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù dịch COVID-19 tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là tại các khu công nghiệp, song nửa đầu năm xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng khả quan.

Có được kết quả này, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), qua các đợt dịch trước, nhiều doanh nghiệp ngành da giày đã chủ động thích ứng, hạn chế tối đa những khó khăn để đứng vững trước những thử thách của thị trường.

- Bà có thể chia sẻ thêm về tình hình của các doanh nghiệp da giày trong nửa đầu năm?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Khó khăn luôn thường trực tại các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, đó là an toàn cho sản xuất và luôn lo lắng dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Chính việc chống dịch như vậy khiến gánh nặng chi phí tăng lên nhiều. Đơn cử, đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, tại một doanh nghiệp có công nhân bị nhiễm bệnh đã phải tạm dừng một xưởng sản xuất sản xuất trong điều kiện giãn cách.

Vì vậy, để duy trì sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải phát sinh thêm một số khoản chi phí phòng dịch, gồm chi phí mua dụng cụ test, trang bị đồ phòng hộ…

Thực tế, doanh nghiệp da giày mật độ công nhân rất đông, đứng cách nhau có nửa mét, khả năng nhiễm bệnh rất cao, do vậy phải tuân thủ phòng dịch. Kể cả doanh nghiệp chưa có công nhân nhiễm bệnh vẫn phải thực hiện giãn cách bởi nguy cơ rất lớn.

- Sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, phải giãn cách, chia ca như vậy đã ảnh hưởng như thế nào đối với kết quả sản xuất-kinh doanh của ngành, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Sản xuất trong nước khó khăn nhưng bù lại đơn hàng cũng tốt, điều này cũng giúp xuất khẩu của ngành da giày duy trì tăng trưởng, có những tháng tăng trưởng xuất khẩu của ngành đạt tới 20%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép các loại đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Bắc Mỹ, EU, châu Á đều tăng mạnh.

Có thể thấy, ngành da giày Việt Nam hiện đang có lợi thế so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh là ưu thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác. Với các thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, EU… đơn hàng trong nửa đầu năm 2021 tăng 10%.

Việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) cũng giúp doanh nghiệp da giày trong nước tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh vô cùng khó khăn.

Tiêu chí xuất xứ cho phép 40% công đoạn sản xuất trong nước không quá khó, doanh nghiệp trong nước đã thực hiện theo tiêu chí này khi sử dụng ưu đãi GSP trước đó nên không gặp trở ngại.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland cũng giúp da giày Việt Nam duy trì xuất khẩu sang thị trường Anh với kim ngạch khoảng 200-300 triệu USD/năm.

Chính phủ đang nỗ lực đàm phán để đưa thêm vaccine về Việt Nam, nhiều khả năng cuối năm 2021 chúng ta sẽ đạt mục tiêu hơn 70% dân số được tiêm vaccine. Như vậy sẽ rất tốt bởi đơn hàng cho quý 3,4 của các doanh nghiệp khá dồi dào, đồng nghĩa thị trường xuất khẩu vẫn giữ được ổn định.

Dù vậy, lo ngại nhất thời điểm hiện tại là đảm bảo an toàn cho sản xuất trong nước, bởi nếu để dịch bùng lên, nguy cơ các đơn hàng có thể dịch chuyển sang một số nước. Bởi các nhãn hàng lớn đều đặt nhà máy sản xuất tại nhiều quốc gia trong trường hợp bất lợi sẽ di chuyển đơn hàng rất nhanh.

Do đó, nếu bị đứt gẫy chuỗi cung ứng thì sẽ rất khó khôi phục lại bởi muốn thiết lập được chuỗi cung phải kéo theo nhiều khâu, từ hậu cần, nguyên phụ liệu, đến hệ thống tài chính.

Trong khi đó, muốn chen vào lại chuỗi cung ứng phải mất nhiều thời gian, chưa kể doanh nghiệp bị phá sản không thể nhanh chóng mở lại nhà máy. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho sản xuất là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay để đảm bảo được tăng trưởng xuất khẩu cho ngành không chỉ trong năm nay mà còn cho cả nhiều năm tới.

- Để chủ động các phương án trước mọi diễn biến của dịch bệnh, Hiệp hội đã có những giải pháp gì hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tốc độ luân chuyển hàng hoá rất nhanh, thời gian sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng rất ngắn, nếu không đáp ứng được sẽ bị loại bỏ.

Sau giai đoạn dịch bệnh, áp lực đầu tiên doanh nghiệp sản xuất da giày trong nước phải đối mặt là thiếu lao động. Do vậy, về phía doanh nghiệp cần chủ động tăng năng suất lao động.

Cùng đó, doanh nghiệp cần có cả chiến lược dài hơi cho đầu tư vào công nghệ để đổi mới sản xuất, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến mới có thể cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chí là điều kiện bắt buộc để có thể xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu lớn như EU.

Về phía Chính phủ, không chỉ bằng các gói hỗ trợ mà cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trên mọi phương diện, tránh tình trạng phí chồng phí ngay tại thời điểm khó khăn như hiện tại.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay, mọi sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu đều rất cần thiết đối với doanh nghiệp.

- Việc tiêm vaccine đối với doanh nghiệp trong ngành da giày đã được chuẩn bị như thế nào và Hiệp hội có kiến nghị gì trong việc giữ ổn định sản xuất?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Một số doanh nghiệp da giày như công ty Pouchen cũng đã được tiêm vaccine nhưng cũng chỉ cục bộ, số lượng doanh nghiệp được tiêm vẫn còn chưa nhiều.

Trước đây, Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ những doanh nghiệp nào nằm trong vùng dịch thì được ưu tiên tiêm.

Còn trong bối cảnh hiện nay, những khu lao động đông công nhân phải ưu tiên tiêm để họ tập trung sản xuất, không thể giãn cách được.

Hiệp hội đã kiến nghị và Chính phủ đã đưa công nhân tại các khu công nghiệp làm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine, đây là điều kiện rất tốt giúp doanh nghiệp bảo vệ người lao động, ổn định sản xuất.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác