Ngành điện phụ thuộc vào than nhập khẩu

(ĐTTCO) - Cuối tháng 3 vừa qua, hệ thống điện quốc gia thiếu hơn 3.000MW nhiệt điện do thiếu than, nhiều tổ máy phải dừng và giảm phát. Cung cấp than  còn khó, nguy cơ thiếu điện vào mùa hè sẽ trầm trọng.
 Điện thời điểm bình thường đã “nóng”, điện cho phục hồi kinh tế xem ra khó “hạ nhiệt”. Hiện dù có điện tái tạo từ gió, mặt trời nhưng phập phù. Chương trình từ nay đến năm 2025 cần đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500MW các nguồn điện tái tạo, gồm 4.000MW điện gió và khoảng 1.500MW điện mặt trời, kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp để đáp ứng nhu cầu công suất trong các giờ cao điểm. Chương trình điện hạt nhân dừng từ năm 2016. Rút cuộc vẫn phải là nhiệt điện chạy than, than nội không đủ phải mua than ngoại. Đã có mệnh lệnh “Không để thiếu điện”, thì lẽ đương nhiên phải nhập gấp than.
Xuân thu nhị kỳ đều tổng kết, đánh giá, tầm nhìn, song bỗng tá hỏa  rằng thiếu than. Tới 2025 càng cần nhiều than trong khi khai thác trong nước dậm chân tại chỗ, nên càng phải nhập khẩu lớn. Bây giờ mới vỡ lẽ, không phải bất cứ loại than nào cũng dùng để đốt thành điện, mà phải là than thích ứng với thiết kế của từng loại tổ máy, nên càng phải nhập than ngoại. Khi nhập khẩu thì lộ ra điều thật như đùa. Giá FOB nhập từ Indonesia về Việt Nam 73,6USD/tấn, cộng với cước vận chuyển về cảng Cát Lái, Đồng Nai 27USD/tấn, giá thành mỗi tấn than nhập khẩu 100,6USD. Trong khi than cám 10B2 của ta đang xuất khẩu 108,6USD/tấn, cộng cả cước vận chuyển 14USD/tấn, lên 122,6USD/tấn.
Cấp tốc nhập khẩu than, nên chúng ta đã đề nghị Đại sứ Australia thúc đẩy để sớm đưa than về Việt Nam. Và Australia sẽ cung ứng ổn định cho Việt Nam than chất lượng tốt, giá hợp lý để có giá thành sản xuất điện ở mức phù hợp, đảm bảo  đủ điện cho sản xuất cùng an sinh xã hội của ta. Tiếp sau đã đề nghị Đại sứ Nam Phi kết nối giữa các chủ than của Nam Phi với các đồng nghiệp Việt sớm ký hợp đồng, đưa gấp than về. Nam Phi sẽ bán cho Việt Nam than chất lượng tốt, hợp với công nghệ của các nhà máy nhiệt điện than và các ngành sản xuất của Việt Nam. Có đi có lại, Đại sứ đề nghị Việt Nam khơi dòng cho một số mặt hàng thế mạnh của Nam Phi vào ta.
Dịch Covid-19 dần được kiểm soát có hiệu quả, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu than tăng dần; căng thẳng Nga - Ukraine bùng phát, dẫn đến nguồn cung than không đáp ứng nhu cầu, khiến giá than liên tục tăng đạt các kỷ lục, nay vẫn neo ở mức cao. Hộc tốc mang than về, nhiều khả năng phải mua than trên “thị trường giao ngay”, dễ bị bắt bí. Trong binh tình này, việc nhập khẩu than không thể ăn đong từng chuyến, mà phải có chiến lược, nhưng hàng loạt vấn đề sẽ nảy sinh không dễ hóa giải. 
Từ 2015, ngành than đổi chiều từ xuất khẩu ròng sang nhập khẩu than chủ yếu cho các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam, song số lượng chưa lớn như dự định, nên năm nay phải nhập khẩu gấp để phòng bị cho thiếu điện sẽ gay gắt. Kẹt một nỗi, ta chưa thực sự bước vào “chợ” than thế giới - thị trường do các tập đoàn tài chính thương mại lớn trên thế giới định đoạt. Nay, chân ướt chân ráo bước vào, ta không dễ tiếp cận nguồn than khối lượng lớn, ổn định, chất lượng ngon lành. Vì vậy, cần có đội ngũ sành sỏi buôn bán đối ngoại và kỹ thuật về than chuyên dùng điện, than mỡ, than cốc cho các nhu cầu khác… để đạt được các hợp đồng cạnh tranh, tránh rủi ro…
Dòng điện rồi đây sáng, mờ hay vụt tắt sẽ phụ thuộc vào than ngoại. Nước ta đã, đang và còn phụ thuộc đủ thứ ngoại, nay cõng thêm than, chưa biết bao giờ mới thoát dựa bên ngoài. Đáng nói, mới đây tại COP26, Việt Nam cùng nhiều quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Thế nhưng, trong khi thiên hạ đóng cửa mỏ than ta phải cố moi để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, cho các nhu cầu khác. Sự thể này có phần do đã “vô tư” rước về các nhà máy điện đốt than, không ngoại trừ trong đó có “đống sắt thải” họ đang loay hoay tìm cách tống khứ mà ta đã mua. 

Các tin khác