Ngành nông nghiệp hữu cơ: Vẫn loay hoay trong thế khó

(ĐTTCO) - Mô hình nông nghiệp hữu cơ (NNHC), nông nghiệp sạch nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm sạch, an toàn, ít gây tác động đến môi trường... đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển. Tuy nhiên, có một thực tế việc tiêu thụ các sản phẩm NNHC, nông nghiệp sạch vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ngành nông nghiệp hữu cơ: Vẫn loay hoay trong thế khó ảnh 1 Một cơ sở trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. 
Những mô hình hiệu quả
Mặc dù đi sau nhiều quốc gia về các sản phẩm hữu cơ, nhưng sự nỗ lực của các doanh nghiệp và nông dân đã đưa Việt Nam vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm NNHC. Đến nay, cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất NNHC, tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô, sản lượng cũng như giá trị và chủng loại sản phẩm hữu cơ. Sản xuất NNHC tập trung tại một số tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhiều mô hình hợp tác xã đã sản xuất NNHC từ nhiều năm và sản phẩm sản xuất ra đã có sự gia tăng về giá trị, như mô hình sản xuất rau ở Lương Sơn (Hòa Bình), Thanh Xuân - Sóc Sơn (Hà Nội); chè Shan Tuyết  Bắc Hà (Lào Cai); cam Hàm Yên (Tuyên Quang)… 
 Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư sản xuất kinh doanh vào ngành NNHC. Theo đó, cần có cơ chế đặc thù của từng địa phương, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sang sản xuất NNHC. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng về tiêu chuẩn sản xuất và lợi ích từ sản phẩm NNHC.
Ông NGUYỄN XUÂN CƯỜNG,
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT
Sản phẩm NNHC đã bắt đầu hình thành, có thể kể đến thương hiệu gạo hữu cơ Tâm Việt của nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đang được thị trường đón nhận. Với mỗi ha lúa hữu cơ, cho năng suất hơn 4 tấn/vụ, dù thấp hơn so với sản xuất thông thường, nhưng lợi nhuận thu được hơn 18 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa thông thường 8 triệu đồng/ha.
Một hiệu quả nữa là chi phí sản xuất lúa hữu cơ giảm hơn so với canh tác thông thường, do nông dân không mất chi phí nhiều vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất NNHC có sản phẩm, đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, như Công ty Viễn Phú sản xuất lúa gạo hữu cơ 220ha, 2 vụ/năm, rau hữu cơ 50ha/năm; Công ty Organik Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ; Công ty Ecolink và công ty Hùng Cường xây dựng hệ thống công nhận quốc tế (ICS), dựa trên mạng lưới sản xuất nông hộ chè hữu cơ giống shan tuyết tại Bản Liền, tỉnh Lào Cai (374ha); Hà Giang (645ha)…
Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản hiện nay, đã có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn, được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận là Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk, với trang trại ban đầu tại tỉnh Lâm Đồng có tổng đàn 500 con bò sữa hữu cơ nhập từ Hoa Kỳ; Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty TH TrueMilk tại tỉnh Nghệ An, với tổng đàn bò sữa hữu cơ 1.000 con, dự kiến trong năm nay tăng lên  3.000 con.
Ngoài ra, đã có một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước như Trang trại Bảo Châu, Trang trại Anh Đào... 
Đặc biệt, mô hình nuôi tôm hữu cơ tại tỉnh Cà Mau, với 12 doanh nghiệp liên kết sản xuất trên diện tích 20.000ha, với 4.000 hộ nuôi; trong đó, tôm hữu cơ có sản lượng 8.000-9.000 tấn/năm.
Ông Peter Niedermeier, Tập đoàn Binca seafoods GmbH Germany, liên kết sản xuất tôm hữu cơ với nông dân Cà Mau chia sẻ: "Sản phẩm hữu cơ trước hết phải thân thiện với môi trường, xã hội và với người tiêu dùng. Cà Mau có diện tích nuôi tôm dưới tán rừng, đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ và giá trị tăng thêm cho người dân tham gia thực hiện mô hình này là 5%. Sản phẩm đạt chứng nhận tôm sinh thái đó đang được những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU chấp nhận sử dụng với giá cao”. 

Gian nan đầu ra
Là một nhà bán lẻ, Saigon Co.op cũng tham gia đầu tư NNHC. Tháng 5 -2017, Saigon Co.op đã đưa vào kinh doanh 4 nhóm thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Co.op Organic, đạt tiêu chuẩn Hoa Kỳ và châu Âu tại 7 siêu thị ở TPHCM. Các sản phẩm Co.op Organic được đưa vào kinh doanh đợt đầu tiên này gồm 2 loại gạo Jasmine và Japonica; rau có dưa leo, bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống...; hải sản có phi lê cá basa, tôm sú.  Đây là quyết định lớn của Saigon Co.op, dù công ty đã ý thức được 2 thách thức lớn. 
 Sự xuất hiện của các sản phẩm hữu cơ từ Saigon Co.op là tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam, và cho cả người tiêu dùng trong nước. Bởi lẽ, việc canh tác các sản phẩm hữu cơ không quá chú trọng vào năng suất, mà chú trọng việc bảo tồn hệ sinh thái bằng cách không dùng hóa chất trong suốt quá trình canh tác. Bên cạnh đó, khi nhà đầu tư lớn như Saigon Co.op cùng nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước phát triển sản phẩm hữu cơ, vùng canh tác sẽ được mở, từ đó giá thành sản phẩm hữu cơ sẽ giảm.
Ông PHẠM TRUNG KIÊN, 
Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op
Thứ nhất, dù nhu cầu có thật nhưng số lượng người tiêu dùng hiểu và sẵn sàng chi tiêu cho sản phẩm NNHC là không cao. Thứ hai, việc nghiêm túc đầu tư cho sản phẩm hữu cơ không đơn giản, đòi hỏi nhà đầu tư phải có đủ vốn, tâm huyết và sự kiên trì, bởi việc tạo ra sản phẩm đã khó, việc đưa đến tay người tiêu dùng càng khó và việc thuyết phục họ  sử dụng sản phẩm là khó nhất.
Bên cạnh đó, cũng phải ghi nhận một thực trạng là thị trường đang tràn lan quảng cáo các sản phẩm hữu cơ, nhưng chất lượng chưa thể xác định được. Việc này cũng góp phần gây khó khăn cho những sản phẩm hữu cơ thực sự khi muốn tiếp cận người tiêu dùng. 
Theo một vài khảo sát, hiện nay chỉ khoảng 1% dân số Việt Nam dùng thực phẩm hữu cơ. Nguyên nhân chính được cho giá bán quá cao, hơn cả những thực phẩm an toàn theo chuẩn VietGap và GlobalGap.
Lý giải việc này, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty gạo Trung An (Cần Thơ) - doanh nghiệp có diện tích trồng lúa hữu cơ lớn nhất hiện nay với khoảng 100ha - cho biết làm lúa thông thường ở ĐBSCL thu hoạch khoảng 5,5 tấn/ha, nhưng làm hữu cơ chỉ thu hoạch 2-2,5 tấn/ha, nên giá gạo hữu cơ cao, người tiêu dùng chưa chấp nhận.
Cũng theo ông Bình, cái khó không chỉ ở thị trường trong nước, mà gạo hữu cơ khi xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do những yêu cầu chung của xuất khẩu gạo. Cụ thể, với quy định của Nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo phải đạt nhiều điều kiện như kho chứa, nhà máy công suất lớn, trong khi các đơn vị làm gạo hữu cơ quy mô nhỏ, làm theo tiêu chuẩn hữu cơ nên sản lượng ít.
Hoặc như tại các nông trại của Saigon Co.op, năng suất canh tác các sản phẩm hữu cơ chưa cao, riêng việc khoanh vùng và phơi làm sạch đất cũng mất hơn 3 năm mới bắt đầu canh tác lứa đầu tiên được. Những thách thức này đòi hỏi phải kiên trì và hết sức kiên định để thực hiện đủ và đúng quy trình canh tác sản phẩm hữu cơ, không đốt cháy giai đoạn để giảm chi phí tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng vùng trồng với nhiều nông hộ và doanh nghiệp cũng không hề dễ.
Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội hữu cơ Việt Nam, nông dân và doanh nghiệp sản xuất NNHC đang rất khó tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng cũng như nguồn vốn chính sách. Đó là chưa kể đến việc doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian và kinh phí để đạt được chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và châu Âu, do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn riêng. 
Ngành nông nghiệp hữu cơ: Vẫn loay hoay trong thế khó ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các chuyên gia thăm các cánh đồng mẫu lớn trồng lúa theo mô hình NNHC.
Gỡ khó cho doanh nghiệp 
Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ KH-CN chính thức ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm NNHC. Việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các nước có nền NNHC phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để bà con nông dân thực hành NNHC, và căn cứ vào đó các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng hữu cơ trong thời gian tới. 
Tuy nhiên, dù có bộ chuẩn này, NNHC cũng không thể phát triển nhảy vọt, ào ạt trong tương lai vì còn rất nhiều khó khăn khác cần từng bước giải quyết. Đặc biệt, sản xuất NNHC của Việt Nam còn nhỏ bé về quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Việc chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang mô hình sản xuất hữu cơ chặt chẽ về quy trình và khắt khe về tiêu chuẩn, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, người nông dân và sự hợp tác quốc tế.
Tại diễn đàn quốc tế NNHC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, NNHC sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách cho tương lai. Và như thế, NNHC không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người, mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học. 
Bên cạnh đó, xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh, vận động kêu gọi được sự tham gia đầy đủ các thành phần trong xã hội, với hạt nhân là doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và tâm huyết với nông nghiệp. Ðồng thời, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải thật sự gần gũi, thấu hiểu để hỗ trợ hiệu quả cho đội ngũ doanh nhân, nhằm xây dựng một nền NNHC cơ toàn diện và có chiều sâu.
Cụ thể, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất hữu cơ cần được hưởng ưu đãi theo các Quyết định 738/QÐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ NN-PTNT, cũng như nghị định mới thay thế Nghị định 210 của Chính phủ. Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho người sản xuất và doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất, tổ chức sản xuất NNHC, như cần có quy định cụ thể mức hỗ trợ cho việc chuyển đổi đất canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ…

Các tin khác