Nghị định 126: Chặn đứng hành vi trốn thuế xuyên biên giới

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, ông ĐẶNG NGỌC MINH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, song cơ quan quản lý thuế vẫn chưa thể kiểm soát được các hoạt động này. Do đó, Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ126) là công cụ cần thiết để điều chỉnh các hoạt động TMĐT, kiểm soát vấn đề nộp thuế, chống thất thu ngân sách trong bối cảnh nguồn thu đang suy giảm.
Nghị định 126: Chặn đứng hành vi trốn thuế xuyên biên giới
PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông, NĐ126 có những quy định khiến dư luận băn khoăn, như quy định về việc cơ quan thuế sẽ kiểm soát tất cả thông tin tài khoản (TK) ngân hàng của cá nhân?
Ông ĐẶNG NGỌC MINH: - Trước hết, tôi khẳng định quy định các ngân hàng thương mại (NHTM) phải cung cấp thông tin TK khách hàng cho cơ quan thuế hoặc các cơ quan nhà nước khác không phải là quy định mới, còn trong NĐ126 được cụ thể hóa đối với ngành thuế.
Hiện nay Chính phủ mới có quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các NHTM đối với các cơ quan thuế, nhưng thực ra từ năm 2016, các NHTM đã kiến nghị với NHNN về việc ký hiệp định trao đổi thông tin TK của tổ chức, cá nhân là người Mỹ hoặc cư trú tại Mỹ với chính phủ nước này. 
Có nghĩa từ năm 2016, các NHTM đã có khả năng theo dõi, cung cấp các thông tin TK cá nhân, doanh nghiệp (DN) của Mỹ cung cấp cho cơ quan thuế của họ. Vì vậy, việc Chính phủ yêu cầu NHTM cung cấp thông tin cho cơ quan thuế trong nước không tạo khó khăn cho NH. 
- Như vậy cơ quan thuế sẽ kiểm soát tất cả TK cá nhân, tổ chức đang có TK mở tại các NHTM?
- Trước mắt, việc yêu cầu NHTM cung cấp thông tin TK NH của người nộp thuế sẽ chưa thể thực hiện đại trà. Tổng cục Thuế sẽ khoanh vùng nhóm đối tượng cụ thể để yêu cầu cung cấp thông tin về TK NH. Bởi với hàng chục triệu TK NH hiện nay, việc cơ quan thuế nắm được thông tin rất khó khăn do chưa đủ nguồn lực để kiểm soát và giám sát tất cả người nộp thuế.
Thay vào đó, chúng tôi sẽ khoanh vùng các nhóm cụ thể dựa trên việc truy “dấu vết” giao dịch. Thí dụ, chúng tôi đang nhắm đến chủ yếu là nhóm người nộp thuế có những giao dịch TMĐT thường xuyên và giao dịch liên kết xuyên biên giới mà cơ quan thuế đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc quản lý thuế, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt khi ngày càng có nhiều cá nhân nhận thu nhập từ kinh doanh qua các nền tảng như Amazon, Google, YouTube… lên đến con số hàng tỷ đồng, song cơ quan thuế vẫn chưa thể truy thu được.
Ngay cả khi thu được cũng chưa phản ánh đúng thực tế quy mô của các giao dịch TMĐT xuyên biên giới. Năm 2018, chúng ta chỉ thu được hơn 700 tỷ đồng, năm 2019 hơn 800 tỷ đồng và từ đầu năm 2020 đến nay được khoảng 1.000 tỷ đồng, quá ít so với thực tế. Do đó, NĐ126 khi được thực thi sẽ là chế tài giúp cơ quan quản lý thuế theo dõi các giao dịch NH, thông qua đó có cách quản lý thuế hiệu quả, chặn đứng các hành vi trốn thuế.
- Có ý kiến bày tỏ lo ngại khi cung cấp thông tin TK khách hàng cho cơ quan thuế, yếu tố bảo mật thông tin có được đảm bảo, hoặc có xảy ra chồng chéo khi người nộp thuế phải nộp thuế 2 lần, như trong giao dịch chứng khoán chẳng hạn, thưa ông?
- Thứ nhất, tôi khẳng định tất cả thông tin của người nộp thuế đều được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối. Vấn đề này đã được cơ quan thuế thực hiện rất tốt trong nhiều năm qua.
Hiện nay, cơ quan thuế chỉ yêu cầu cung cấp TK đối với vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự, không yêu cầu NHTM cung cấp toàn bộ TK cũng như số dư thanh toán của tất cả khách hàng. Việc yêu cầu NHTM cung cấp thông tin TK, giao dịch chủ yếu phục vụ cho thanh tra, kiểm tra. Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với NHNN và các tổ chức tín dụng ban hành quy chế, quy trình cung cấp dữ liệu TK thanh toán của khách hàng.
Thứ hai, việc truy thu thuế qua dấu vết cơ quan thuế nắm được qua dữ liệu từ tài TK NH cũng không có sự chồng chéo, người nộp thuế không phải nộp thuế 2 lần. Riêng đối với giao dịch chứng khoán, hiện nay các nhà đầu tư chứng khoán thường được chi trả bằng cổ phiếu, bao gồm cả cổ phiếu gốc và cổ phiếu thưởng.
Khi giao dịch, người giao dịch vẫn phải có trách nhiệm kê khai và nộp thuế đầy đủ, vì theo quy định đây là 2 khoản thuế khác nhau. Quy định chia bằng cổ tức chưa phải nộp thuế 5% ngay, khi nào bán cơ quan thuế sẽ thu. Còn khi thu tỷ lệ 0,01% là thu giao dịch chứng khoán, nên không thể nói đó là chồng chéo.
- Biện pháp kiểm soát TK NH để chống trốn thuế có phù hợp thông lệ quốc tế, thưa ông?
- Tôi khẳng định biện pháp kiểm soát TK NH để chống trốn thuế hoàn toàn phù hợp thông lệ quốc tế và nhiều quốc gia đã thực hiện. Trước đây chúng ta vẫn nghe chuyện các NH của Thụy Sĩ bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng.
Nhưng gần đây, trước yêu cầu của chính phủ nước này và các nước châu Âu, các NH của Thụy Sĩ đã phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.
Vì thế, việc các NH cung cấp thông tin cho các cơ quan thuế theo nội dung NĐ126 là phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây cũng là trách nhiệm của ngành NH và NH không thể lấy lý do bảo mật thông tin khách hàng để né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin.
Thí dụ, mới đây luật thuế của Ba Lan đã có những thay đổi quan trọng để kiểm soát việc trốn thuế. Theo đó, cơ quan lập pháp Ba Lan đã cho cho phép giám đốc các sở thuế nước này có quyền đề nghị các cơ sở tài chính cung cấp thông tin về người bị kiểm tra, hay các bên đang bị điều tra hay bắt đầu bị điều tra, tức liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến phần lớn xã hội.
Hoặc Thụy Điển, họ kiểm soát thuế rất tốt. Mỗi công dân Thụy Điển từ khi chào đời đã được cấp một mã số định danh là ngày, tháng, năm sinh, tên, quê quán… Thông tin mã số này được tích hợp chung cho cả mã thuế, mã công dân, TK NH. 
- Xin cảm ơn ông.
Box
NĐ126 nhắm đến chủ yếu là nhóm người nộp thuế có những giao dịch TMĐT thường xuyên và giao dịch liên kết xuyên biên giới mà cơ quan thuế đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu.

Các tin khác