Nghị định 65: Được phát hành trái phiếu để “đảo nợ”, nhưng không dễ

(ĐTTCO) - Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) bổ sung 2 quy định mới, là doanh nghiệp (DN) được phép phát hành trái phiếu (TP) để đảo nợ, và phải mua lại TP đã phát hành trước hạn nếu vi phạm. Đây được xem là những quy định tiệm cận với thông lệ quốc tế, là công cụ hữu hiệu để giúp DN gỡ khó cho mình, đồng thời  giảm thiểu rủi ro cho thị trường.

Hợp thức hóa “đảo nợ”, nhưng điều kiện khắt khe
Một điểm mới của NĐ65 được dư luận đặc biệt quan tâm và theo các chuyên gia kinh tế đã cập nhật theo thông lệ quốc tế, là cho phép DN cơ cấu lại các khoản nợ trước đó của mình, hay còn gọi là đảo nợ. Với quy định này, DN có thể phát hành TP để đảo nợ để đảm bảo dòng tiền kinh doanh, miễn sao không trái pháp luật và DN phải đảm bảo đủ nghĩa vụ lãi suất và nợ vay TP cho nhà đầu tư (NĐT), thậm chí mức lãi suất này có thể cao hơn thông thường.
Trước khi có NĐ65, chưa có quy định nào cho phép DN được phát hành TP để đảo nợ, song pháp luật cũng không cấm hành vi này. Thực tế, những năm qua, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, dù không có quy định, song việc nhiều DN phát hành TP để đảo nợ diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, một số DN còn lập những “sân sau”, công ty “con”, công ty “vệ tinh” để huy động vốn qua kênh TP nhằm mục đích trả nợ cho công ty “mẹ”, gây nhiễu loạn thị trường TPDN.
Nghị định 65: Được phát hành trái phiếu để “đảo nợ”, nhưng không dễ ảnh 1
Thực trạng trên cho thấy áp lực đảo nợ của các DN hiện nay rất lớn. Số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán SSI công bố: số TPDN đến kỳ đáo hạn trong 2 năm 2022-2023 ước 540.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các DN khá cao.
Một số liệu khác cũng cho thấy, tính riêng từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 112.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn, và trong tổng dư nợ 1,4 triệu tỷ đồng TPDN hiện nay có tới 700.000-800.000 tỷ đồng dư nợ thuộc về nhóm bất động sản (BĐS). Với quy định về đảo nợ trong NĐ65, được cho sẽ giúp DN khơi thông dòng vốn, giảm bớt áp lực.
Đánh giá về quy định này, FiinGroup, công ty chuyên về đánh giá và xếp hạng tín nhiệm DN, nhận định đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về TP. Dù vậy, theo FiinGroup những điều kiện đi kèm để đủ tiêu chuẩn đảo nợ sẽ chặt chẽ hơn.
Cụ thể, NĐ65 quy định hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn, do đó nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch mới có thể tham gia hoạt động phát hành TP. 
Điểm đáng chú ý, NĐ65 cho phép các DN được phát hành TPDN để đảo nợ, nhưng chỉ đảo nợ cho chính DN đó. Công ty “mẹ” không thể phát hành TP để đảo nợ cho công ty “con” và ngược lại. FiinGroup cho rằng, điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các DN, đặc biệt với các DN BĐS vốn sở hữu nhiều công ty con/liên kết để phát triển dự án.
Mặt khác, đây cũng là công cụ giám sát “sức khỏe” DN, bởi những DN không có năng lực tài chính thực sự, kinh doanh không triển vọng, sẽ không đủ điều kiện để được phát hành TP hay phát hành đảo nợ.

DN BĐS vẫn khó hút vốn
Theo quy định mới trong NĐ65, DN phải mua lại TPDN trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Đồng thời, trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố. 
Thực tế, khi NĐ65 chưa ban hành, trong những tháng gần đây, sau “hiệu ứng” từ vụ án Tân Hoàng Minh, xuất hiện một số DN “tự giác” mua lại số TP họ đã phát hành trước đó ra thị trường. Đó là Tập đoàn Gelex (mã GEX - HoSE) đầu tháng 6 đã mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng TP GEXH2124003. Đây là lô TP phát hành ngày 31-12-2021 và đáo hạn ngày 31-12-2024 với kỳ hạn 3 năm. Hay DN có liên hệ mật thiết với Gelex là CTCP Chứng khoán VIX (mã VIX - HoSE) mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng TP trước hạn cũng vào đầu tháng 6. 
Trước đó, hồi tháng 5, NHTMCP Phương Đông đã mua trước hạn toàn bộ lô TP 200 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thương lượng thành công để thanh toán trước hạn gói TP 155 tỷ đồng, CTCP An Phát Finance tất toán trước hạn toàn bộ 7 lô TP có tổng giá trị 570 tỷ đồng…
Rõ ràng, việc thắt chặt của cơ quan quản lý khiến nhiều DN dè dặt trong huy động vốn qua kênh TP, bởi phải chủ động công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn, chủ động mua lại trước hạn...
Theo nhận định của một số chuyên gia, việc bổ sung quy định DN phải mua lại TP trước hạn khi vi phạm sẽ giúp giảm rủi ro cho thị trường lẫn NĐT, ở khía cạnh khác cũng giúp DN tránh được những rủi ro lớn hơn.
Theo đánh giá của FiinGroup, các quý sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn đối với các DN khi phải xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi TP. Nguyên nhân chính được FiinGroup đưa ra là thị trường TPDN đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay và dòng tiền chảy vào các công ty con ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ bởi các Thông tư 16, 39 và mới đây là NĐ65.
Việc đáp ứng nghĩa vụ nợ sắp tới sẽ khó khăn hơn, trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng tiếp tục leo thang, làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của nhiều DN, nhất là các DN thuộc lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng gặp trở ngại tiếp cận dòng vốn tín dụng như BĐS. Chỉ tính riêng ngành BĐS, hiện đã chiếm 59% tổng giá trị đáo hạn, áp lực đáo hạn TPDN tính riêng trong năm nay đạt 35.560 tỷ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61.370 tỷ đồngvào năm 2023. 
Có thể thấy, dù giá trị TP đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ của nhóm BĐS vẫn rất lớn. Khi tình trạng “sức khỏe” DN không thực sự tốt, những quý tới đây hẳn sẽ là khoảng thời gian không mấy sáng sủa cho các DN nhóm ngành này. 
 Với quy định về đảo nợ trong NĐ65, được cho sẽ giúp DN khơi thông dòng vốn, giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, với DN BĐS khó có kỳ vọng phát hành TPDN mới chứ đừng nói đến “đảo nợ”.

Các tin khác