Nghị định 81: Giải pháp tình thế, chưa bảo vệ NĐT

(ĐTTCO)-Theo nhận định của nhóm chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) trong công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020, phát triển nóng và đầy rủi ro là trạng thái thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay. Do vậy, Nghị định 81/2020 sửa đổi Nghị định 163/2018 về phát hành TPDN nhằm nâng chuẩn phát hành TP liệu có bảo vệ nhà đầu tư (NĐT)?
Nghị định 81: Giải pháp tình thế, chưa bảo vệ NĐT
Giải pháp tình thế
Theo Báo cáo của VERP, trong 6 tháng đầu năm 2020, các DN đã huy động gần 160.000 tỷ đồng thông qua kênh TPDN, với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kỳ hạn bình quân 4,7 năm.
Nhìn về dữ liệu của những năm trước, cho thấy quy mô thị trường TPDN không ngừng tăng và có xu hướng tăng nóng qua từng năm. Theo nghiên cứu của SSI Research, quy mô thị trường TPDN đã tăng mạnh từ 9,01% GDP (năm 2018) lên 11,3% GDP (năm 2019). 
Tuy nhiên, song hành với sự phát triển nhanh, mạnh và nóng là những rủi ro và biến tướng đe dọa sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường TPDN và thị trường vốn nói chung. Tình trạng liên tục phát hành TPDN giá trị lớn với tổng mức dư nợ lên đến 10-20 lần vốn chủ sở hữu đã xuất hiện.
Theo nghiên cứu của SSI Research, tỷ trọng các DN bất động sản (BĐS) tham gia phát hành chiếm đến 38% giá trị toàn thị trường trong năm 2019, với mức tổng dư nợ vượt xa rất nhiều lần vốn chủ sở hữu, đã tạo những rủi ro tiềm tàng về tình trạng vỡ nợ nếu thị trường BĐS biến động bất lợi.
Hơn nữa, tình trạng không minh bạch, bất cân xứng thông tin thị trường, việc đánh giá tín nhiệm độc lập vẫn đang là vấn đề bị bỏ ngỏ, sẽ là những kẻ hở không nhỏ cho rủi ro bùng phát, đặc biệt đối với NĐT cá nhân. 
Nghị định 81/2020 ngoài những điều kiện đã được quy định trước đó, DN phát hành phải đáp ứng thêm 3 điều kiện quan trọng.
(1) Dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành, và đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng.
(3) DN phải ký hợp đồng tư vấn phát hành với tổ chức tư vấn hồ sơ phát hành. Tổ chức tư vấn phát hành có trách nhiệm rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện phát hành và hồ sơ phát hành TP của DN phát hành.
Ngoài ra, báo cáo tài chính trong hồ sơ chào bán TPDN phải có ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán. Trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ, khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện phát hành và DN phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý, có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.
Nghị định 81 cũng bổ sung các quy định tăng mức trách nhiệm quản lý, giám sát của Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán đối với vấn đề công bố thông tin, chế độ báo cáo, thống kê. 
Những quy định trên được cơ quan ban hành kỳ vọng tạo thêm được “bộ lọc” để “gạn đục khơi trong”, góp phần nâng chất lượng TPDN được phát hành ra thị trường. Qua đó, giải quyết được thực trạng lạm dụng phát hành TPDN để huy động vốn ồ ạt, liên tục và với tổng mức dư nợ vượt xa năng lực tài chính của DN. 

Rủi ro vẫn hiện hữu
 Quy định mới tại Nghị định 81/2020 chỉ là giải pháp tình thế. Về cơ bản, các vấn đề cốt lõi để phát triển thị trường TPDN và bảo vệ NĐT vẫn còn là bài toán lớn cần lời giải. 
Tuy nhiên, Nghị định 81 chỉ điều chỉnh các hoạt động chào bán riêng lẻ, đối với chào bán ra công chúng vẫn chờ đợi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực vào ngày 1-1-2021, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành khác đang trong thời gian soạn thảo.
Hơn nữa, Luật Chứng khoán 2019 lại có nhiều quy định điều chỉnh hoạt động chào bán riêng lẻ TPDN đối với công ty đại chúng. Một trong những nội dung đáng chú ý, là đối tượng tham gia đợt chào bán riêng lẻ chỉ bao gồm NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.
Như vậy, chỉ vài tháng nữa, khung pháp lý về phát hành TPDN lại tiếp tục thay đổi, ít nhiều gây nên xáo trộn cho thị trường. 
Thật ra, Nghị định 81/2020 chưa thiết lập được cơ chế bảo vệ quyền lợi NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân. Trong khi đó, NĐT cá nhân luôn là chủ thể yếu thế trên thị trường vì thiếu phương tiện, công cụ phân tích, thiếu thông tin lẫn kiến thức thị trường.
Thế nhưng, cơ chế đánh giá tín nhiệm độc lập đối với năng lực, triển vọng cũng như rủi ro của các đợt phát hành vẫn chưa hình thành. NĐT hoàn toàn thiếu kênh thông tin độc lập và khách quan để đưa ra quyết định đầu tư. 
Chính việc thiếu kết quả xếp hạng tín nhiệm nên dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các DN phát hành chủ yếu dựa vào lãi suất. Điều này vừa gây khó khăn cho DN có tiềm lực tài chính và có nhu cầu vốn so với DN tiếp cận thị trường với mục đích không chính đáng.
Mặt bằng lãi suất trên thị trường không phản ánh được mức độ rủi ro, đã đưa NĐT vào ma trận và có xu hướng chạy theo lãi suất bất chấp rủi ro. 
Dù nghị định mới bổ sung trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành đối với việc đánh giá điều kiện phát hành của DN, nhưng quy định này dường như không tạo nên hệ quả tích cực. Bởi lẽ, hoạt động tư vấn chỉ dừng lại ở việc đánh giá hồ sơ phát hành, không đi sâu vào các vấn đề quan trọng về năng lực tài chính, mức độ rủi ro…
Hơn nữa, thông thường tổ chức tư vấn phát hành đồng thời là đại lý phát hành hoặc bảo lãnh phát hành, nên sự đánh giá của tổ chức tư vấn phát hành là không khách quan.
Bên cạnh đó, tình trạng thông tin bất cân xứng và không minh bạch cũng chưa có cơ chế giải quyết. Nghị định 81/2020 không có quy định mới về công bố thông tin mà giao Bộ Tài chính hướng dẫn. 
Trên thực tế, chất lượng thông tin được công bố của DN chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, còn mang tính hình thức và thường thiếu thông tin quan trọng, thậm chí xuất hiện tình trạng “hai sổ”. Cơ chế kiểm soát chất lượng và tính kịp thời của thông tin còn bất cập.
Ngoài ra, chuyên mục về công bố thông tin tại trang thông tin của HNX rất sơ khai, chưa đáp ứng được yêu cầu tra cứu và theo dõi thông tin của NĐT.

Các tin khác