Nguy cơ đứt nguồn cung mì gói và đồ hộp ở TPHCM

(ĐTTCO) - Tại TPHCM, một số mặt hàng thực phẩm chế biến có hiện tượng thiếu hàng. Các nhà cung ứng cho biết gặp khó khăn về nguyên liệu và lao động nên khó đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Nguy cơ đứt nguồn cung mì gói và đồ hộp ở TPHCM

Liên hệ đi chợ hộ ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi gần nhà nhiều ngày nay vẫn không mua được đúng loại thực phẩm, chị Hạnh (TP Thủ Đức) lên mạng tìm mua mì gói, miến, gia vị, bột mì...

"Giật mình vì một thùng mì Hảo Hảo bình thường khoảng 100.000 đồng thì nay lên 145.000-160.000 đồng. Miến (hủ tiếu) Phú Hương từ 212.000 đồng lên 290.000 đồng. Chưa kể các loại bột, nui cũng tăng giá 30.000-40.000 đồng", chị nói.

Thực tế, gần 2 tuần trở lại đây, một số người tiêu dùng tại TPHCM cho biết phải mua một số loại mì gói, miến khô, nui, bột mì, bột năng... trên chợ mạng với giá tăng cao. Trong khi đó, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tình trạng thiếu hàng, khó mua.

Chợ mạng tăng giá, siêu thị thiếu hàng

"Tôi đặt mua hàng ở siêu thị nhưng 4 ngày vẫn chưa thấy gọi điện xác nhận đơn trong khi mua hàng trên mạng, giá ship rất đắt", chị Ngọc Thúy (quận 4) chia sẻ. Theo chị, mì gói, bún, miến phở khô là thực phẩm phổ biến của người có thu nhập hạn chế trong thời điểm này nhưng lại khó tìm mua, giá cao.

"Mấy tiệm tạp hóa gần nhà đều hết sạch các loại bột, mì gói, trên mạng mỗi loại đều tăng giá tới 40.000-50.000 đồng", chị nói. Một số người bán cho biết giá nhập từ nhà phân phối giá cao, thêm chi phí vận chuyển nên đẩy giá sản phẩm lên cao.

"Tôi chỉ còn mì Hảo Hảo và một số loại bột như bột năng, bột mì, bột gạo... đa số nhập về từ trước đợt siết chặt giãn cách. Hiện nay nhập hàng về rất khó chứ chưa kể giá tăng", chị Hiền, một người kinh doanh online tại quận 7 cho hay.

Nguy cơ đứt nguồn cung mì gói và đồ hộp ở TPHCM ảnh 1 Mô tả ảnh
Theo khảo sát của Zing, một số siêu thị trên địa bàn TPHCM có tình trạng khan hiếm một số loại mì gói, phở khô, miến, đồ hộp... Anh Mạnh (TP Thủ Đức) cho biết từ 2 tuần trước anh đi siêu thị cũng chỉ có các loại mì gói của Masan, phở gói Vifon và các loại mì nhập khẩu.

Đại diện một hệ thống thừa nhận gần một tháng nay các loại đậu, bột, mì, hủ tiếu, phở khô, bún khô đều đang có nguy cơ đứt hàng. Đặc biệt là các mặt hàng bột rất khan hiếm, một số nhà cung cấp không đủ lượng hàng cung ứng cho siêu thị.

"Còn một số sản phẩm như mì gói vẫn về hàng nhưng hết rất nhanh trên kệ", đại diện siêu thị cho hay. Theo đại diện này, nhu cầu tăng cao, các tổ chức và cá nhân mua số lượng lớn để làm từ thiện. Trong khi đó, nhà sản xuất phải đáp ứng điều kiện "3 tại chỗ" và nguồn nguyên liệu khó vận chuyển về nhà máy, do đó không thể cung ứng kịp.

"Trước đây một số nhà cung ứng còn nhận gia công các sản phẩm cho siêu thị nhưng hiện cũng tạm dừng vì không đủ nhân lực để sản xuất sản phẩm của họ", đại diện này cho hay.

Đại diện Aeon Việt Nam cũng cho biết so với hàng tươi sống, sản phẩm khô như các loại bột có tình trạng khan hiếm hơn. "Các loại mì gói, hủ tiếu khô, bún, phở khô nếu thiếu cũng chỉ thiếu trong 1-2 ngày lại về hàng", đại diện này chia sẻ.

Thực tế hiện nay, việc thiếu nhân lực sản xuất, thiếu nguyên liệu do khâu vận chuyển gặp khó và một số đối tác cung cấp nguyên phụ liệu ngưng hoạt động dẫn tới nhà cung cấp không đủ hàng cung ứng.

Nguy cơ đứt hàng ở TPHCM

Đại diện Công ty TNHH sản xuất bột mì Vimaflour - thương hiệu bột mì Hoa Ngọc Lan - cũng cho biết hiện nay công suất sản xuất quá nhỏ nên không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại thị trường TPHCM.

Nguy cơ đứt nguồn cung mì gói và đồ hộp ở TPHCM ảnh 2 Thời điểm 2 tuần trước, tại một siêu thị TP.HCM không còn một số loại mì gói thông dụng. Ảnh: M.D.
"Trên thực tế, ở thời điểm này doanh nghiệp không thể cung ứng các sản phẩm bột mì vào TP.HCM do số lượng sản xuất còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường miền Bắc và miền Trung", đại diện công ty cho biết.

Theo đại diện Vimaflour, hiện bột mì Hoa Ngọc Lan xuất hiện tại thị trường TPHCM là do các nhà phân phối tự chuyển vào chứ không phải chủ trương của công ty.

Tương tự, bà Nguyễn Ngọc Liên Chi, đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Ngọc Chương - chuyên kinh doanh các loại bột mì tại TPHCM - cũng cho biết hiện nay hàng không thiếu nhưng bị tắc khâu vận chuyển.

"Trước đây công ty thường cung cấp bột mì cho các cơ sở nội, ngoại thành TPHCM và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai... nhưng hiện nay vì tình hình dịch bệnh phức tạp, vận chuyển rất khó khăn, công ty phải dừng hoạt động nửa tháng nay", bà nói.

Theo bà, các nguyên liệu sản xuất về TPHCM giảm rất mạnh, đặc biệt trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội, chưa kể giá tăng cao. "Ngoài ra, dịch bệnh không có lao động, đi lại khó khăn, chi phí '3 tại chỗ', nguy cơ lây lan nên nhiều nhà cung cấp cũng dừng hoạt động khiến nguồn cung giảm sút".

Bà Nguyễn Thị Thảo Viên - Giám đốc nhân sự CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre (quận Tân Phú, TPHCM) - cũng cho biết hiện nay việc sản xuất theo "3 tại chỗ" với số lao động giảm mạnh cũng khiến lượng hàng hóa của CJ Cầu Tre cung ứng cho các siêu thị giảm theo.

"Hơn nữa, việc vận chuyển các loại nguyên liệu về nhà máy cũng rất khó khăn. Đa số nhà cung ứng thực phẩm chế biến sẵn đều gặp tình trạng này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng đáp ứng đủ đơn hàng theo cam kết", bà nói.

Nguy cơ đứt nguồn cung mì gói và đồ hộp ở TPHCM ảnh 3 Nhiều nhà cung ứng cho biết việc sản xuất theo "3 tại chỗ" gặp nhiều khó khăn khiến lượng hàng cung ứng không đủ cầu. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trước đó, trao đổi với Zing, ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam (doanh nghiệp có thị phần lớn trong ngành mì ăn liền) - cho biết thời gian gần đây tổng sản lượng sản xuất của công ty bị giảm so với bình thường do tình hình dịch bệnh phức tạp, cộng với việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

"Số lao động đăng ký '3 tại chỗ' chỉ chiếm khoảng một nửa tổng số lao động, do đó sản lượng sản xuất giảm rất nhiều so với bình thường. Điều này dẫn đến một vấn đề lớn là nguồn cung của chúng tôi đang không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường", ông thừa nhận.

Trong khi đó, đại diện Uniben - đơn vị sở hữu các thương hiệu 3 Miền, Reeva, Boncha và Joco - cho biết công ty này vẫn cố gắng cung cấp đủ lượng hàng hóa với các thương hiệu cho các điểm bán, nhà phân phối, chuỗi siêu thị.

“Số lượng hàng hóa gần đây không giảm mà có xu hướng tăng, trung bình khoảng gần 1 triệu đơn vị sản phẩm cung cấp ra trong 1 ngày. Hiện tượng thiếu hàng có lẽ do các nhà phân phối, điểm bán... chưa thể vận chuyển hàng giao đi trong nội thành TPHCM”, đại diện công ty cho hay.

"Số công nhân đăng ký 3 tại chỗ chỉ chiếm khoảng một nửa tổng số lao động, do đó sản lượng sản xuất giảm rất nhiều so với bình thường", ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam.

Tại tọa đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" ngày 4-9, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho rằng khó khăn lớn nhất không chỉ là đứt gãy chuỗi cung ứng mà khi sản xuất "3 tại chỗ" thì cũng chỉ có 30-40% doanh nghiệp sản xuất, dẫn đến lượng tiêu thụ đầu ra cũng bị ảnh hưởng.

Theo bà, khi dịch Covid-19 lây lan diện rộng, khâu thu hoạch, vận chuyển bị ách tắc thì không chỉ nông dân gặp khó khăn mà các doanh nghiệp cũng rơi vào tình thế thiếu nguyên liệu sản xuất. “Hiện một số mặt hàng nhu yếu phẩm không thiếu là do doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu dự trữ. Sau khi hết nguồn nguyên liệu này thì sẽ ra sao”, bà đặt câu hỏi.

Theo bà Chi, trước những khó khăn này, tất cả doanh nghiệp đều đồng lòng, cố gắng vận hành hết công suất và nỗ lực giữ giá. "Cần sớm có cơ chế đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia, đặt tại các vùng nguyên liệu lớn để lưu trữ sản lượng lớn các nông sản, thủy sản khi vào vụ thu hoạch", bà đề xuất.

Tại họp báo ngày 5-9, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết nhu cầu về thực phẩm tươi sống, chế biến… đang tăng lên. Sở Công thương đã rà soát, làm việc với các hệ thống phân phối, cho thấy họ đang gặp khó khăn.

"Vì các các nhà cung cấp thực phẩm chế biến chưa thuộc đối tượng đi đường, Sở đã rà soát để tính toán trước mắt ưu tiên cho các nhà cung cấp lớn, có hệ thống kho trung chuyển với hàng hóa dự trữ số lượng lớn, có đội ngũ xe chuyên chở nhiều sẽ được ưu tiên cấp giấy đi đường", ông nói.

Còn về thông tin sau 15-9 nhu cầu thực phẩm tăng, có thiếu hàng hóa cung ứng hay không? Ông Phương cho rằng, chưa có cơ sở với nhận định này. Tuy nhiên, Sở Công Thương luôn có phương án chủ động, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân.

Các tin khác