Nguy cơ lạm phát ngoài tầm kiểm soát

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh lạm phát gia tăng khắp nơi, như Mỹ có mức tăng cao nhất 40 năm, nhiều nước châu Âu, châu Á ở mức cao 2-3 thập niên. Những con số đáng sợ đó do dịch Covid-19 kéo dài, chuỗi cung ứng bế tắc, và mới đây chiến sự Nga - Ukraine khiến kinh tế thế giới như “đi trên dây” và doanh nghiệp phải lao vào vòng xoáy.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Các NHTW mắc kẹt
Hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTW) trên toàn cầu đã phải tăng lãi suất (LS) để kiềm chế lạm phát (LP), hoặc chí ít cũng thu trở về những gói kích cầu đã bơm ra trước đó và hứa hẹn sẽ tăng LS trong tương lai gần như Mỹ, Anh, Canada hay Australia.
Theo số liệu của CME Group và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), có xác suất lên tới 100% sẽ tăng LS ngay trong tháng 3, và có tới hơn 60% xác suất Fed tăng LS tới 6-7 lần trong năm nay.
Dù vậy vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, do cuộc chiến Nga - Ukraine các NHTW sẽ thay đổi chính sách tiền tệ của mình, tức không tăng LS nữa, thậm chí quay trở lại nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy kinh tế, từ đó tiếp thêm nhiên liệu cho thị trường tài chính. Quan điểm trên đã lý giải rằng khủng hoảng kinh tế tài chính 2008 các NHTW cũng bơm tiền ào ạt, nhưng LP hầu nhưng không đạt được mục tiêu trong hơn thập niên sau đó.
Tuy nhiên, thời điểm đó Fed chủ yếu chỉ bơm tiền vào hệ thống tài chính, cụ thể là các NH để giải quyết các khoản nợ xấu dưới chuẩn. Còn giai đoạn 2020 tới nay, tiền được bơm trực tiếp vào nền kinh tế, thậm chí đưa đến tận tay người tiêu dùng đã kích hoạt LP mạnh mẽ. 
Thật sự, các NHTW đang bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi việc giữ LS ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhưng làm gia tăng rủi ro giá cả hàng hóa leo thang dễ gây LP. Còn việc thắt chặt chính sách có thể giúp dập tắt LP thông qua kìm hãm nhu cầu, nhưng nhu cầu đối với hàng hóa cũng giảm xuống khi các gói kích thích kinh tế mất tác dụng, trong bối cảnh dịch Covid chưa thể kết thúc. 
Hiện giá cả hàng hóa tăng cao chưa có dấu hiệu dừng lại, giá dầu vượt mốc 100USD/thùng và cuộc chiến Nga - Ukraine có thể sẽ tiếp tục đẩy giá cao hơn trong thời gian tới, gây áp lực LP lớn hơn. Điều này còn chưa dừng lại, khi các nguồn năng lượng khác như than chỉ trong đầu tháng 3 giá đã tăng gấp đôi và có thời điểm tăng tới gần 50% chỉ trong 1 ngày. Cần lưu ý, giá năng lượng luôn là chi phí đầu vào rất lớn của các doanh nghiệp, từ đó tiếp tục đè nặng lên chi phí sản xuất kinh doanh và các loại hàng hóa khác, dẫn tới LP còn khủng khiếp hơn.
Do đó cuộc chiến có thể sớm qua đi nhưng hậu quả của nó với kinh tế sẽ còn lâu dài trong bối cảnh các NHTW trên TG đang đua nhau chạy đua tăng LS cũng như thắt chặt tiền tệ.

Lo ngại LP ngoài tầm kiểm soát
LP thường được nhắc đến với ý nghĩa không tích cực, đặc biệt là thời điểm nhạy cảm hiện nay mọi người lại càng bị ám ảnh hơn về nó. Tuy nhiên LP là một phần quan trọng khi kinh tế tăng trưởng. Nó đặc biệt tốt khi LP đạt được quanh mức mục tiêu. Thông thường LP mục tiêu sẽ được quốc hội mỗi quốc gia đưa ra vào thời điểm đầu năm. LP mục tiêu Anh, Mỹ hiện nay khoảng 2%. 
LP này được tính toán dựa trên việc giá cả tăng ở mức độ vừa phải đủ để doanh nghiệp, nhà sản xuất bán cùng một số lượng hàng hóa nhưng lại đạt được thu nhập cao hơn lúc trước. Điều này sẽ kích thích họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo đưa ra những sản phẩm dịch vụ tốt hơn. Tính toán này cũng bao gồm thu nhập của người tiêu dùng tăng tương ứng hoặc vượt hơn để họ sẽ không thấy LP là vấn đề. Mọi chuyện chỉ trở nên rắc rối khi thu nhập không thể tăng, còn LP vượt mục tiêu quá xa.
Khi LP có dấu hiệu ngoài tầm kiểm soát, NHTW và chính phủ các nước buộc phải hành động bằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, trong đó có việc tăng LS. Bởi tăng LS giúp LP được kiểm soát trong bối cảnh kinh tế vẫn duy trì mức độ tăng trưởng ổn định, thì mọi thứ vẫn tốt và thị trường tài chính vẫn được hỗ trợ. Còn ngược lại tăng LS nhưng LP vẫn ngoài tầm kiểm soát nền kinh tế vẫn đi chệch quỹ đạo.

Cẩn trọng dòng tiền đầu tư
Thông thường doanh nghiệp và người tiêu dùng bị tác động trực tiếp nhất bởi LP, khi chi phí đầu vào của họ không chỉ tăng cao mà còn tăng nhanh. Ngoài ra chi phí vay mượn cũng tăng sẽ dễ làm cho nợ xấu gia tăng và người ta phải hạn chế sử dụng đòn bẩy, từ đó dòng tiền cung cấp cho nền kinh tế và thị trường tài chính sẽ suy giảm. LP rõ ràng làm ảnh hưởng xấu đến thu nhập khi mà mọi người buộc phải tiết kiệm nhiều hơn, chi tiêu ít hơn, dẫn đến doanh số của doanh nghiệp và tiền lương nhân công khó tăng. 
Điều đặc biệt lớn nhất sau giai đoạn thị trường chứng khoán (TTCK), bất động sản (BĐS) và cả tài sản số (TSS) nhảy vọt, nhiều nhà đầu tư (NĐT) kiếm tiền có vẻ rất dễ dàng sẽ phải tính toán lại. Trong tình huống như vậy, dòng tiền thường được rút khỏi các nhóm rủi ro như CK, BĐS… chuyển sang các kênh an toàn, trú ẩn truyền thống cho dòng tiền như vàng, trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm…
Trong đó, vàng được hưởng lợi nhiều khi bất ổn và LP cao. Minh chứng 3 tháng đầu năm nay vàng là kênh tăng trưởng tốt nhất và còn có thể tăng cao hơn nữa trong cả năm tới. Nhiều dự báo kỳ vọng giá có thể vượt đỉnh lịch sử 2.075USD/oz ngay trong năm nay, vì thế vàng rất tiềm năng trong năm 2022.
Tuy vậy, vàng sẽ gặp bất lợi khi kinh tế ổn định, các kênh mạo hiểm như BĐS, CK… tăng điểm và LP được kiểm soát tốt. Do đó vàng chỉ nên  được nắm giữ với tỷ lệ nhất định trong danh mục của mỗi NĐT khi kinh tế bất ổn, LP kèm LS cao. 
 Trong bối cảnh bất ổn và LP cao, thực hiện tiết kiệm và đầu tư một cách khôn ngoan sẽ giúp mọi người tồn tại và vượt qua thử thách.

Các tin khác