Nhà thầu ‘ngán ngẩm’ vì thua lỗ, giải ngân đầu tư công 6 tháng mới đạt 27% kế hoạch năm

(ĐTTCO) - Số liệu của Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, tỷ lệ ước tính giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 mới đạt 27,75% kế hoạch Chính phủ giao.
Tỷ lệ trên thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2021 là 29%). Trong đó, vốn trong nước đạt hơn 29%, vốn nước ngoài đạt 8,6% kế hoạch.
Tính chung 6 tháng, cả nước chỉ có 7 bộ ngành và 12 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 35%.
Có đến 40 bộ ngành và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25%, trong đó có 25 bộ và một địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 10%.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền.
Nhà thầu ‘ngán ngẩm’ vì thua lỗ, giải ngân đầu tư công 6 tháng mới đạt 27% kế hoạch năm ảnh 1 Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 từng được xem là biểu tượng của thi công đúng tiến độ và được "biểu dương" thì giờ đây đơn vị thi công đang phải gồng mình gánh lỗ vì chi phí tăng cao.
Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu của ĐTTC, việc giải ngân chậm còn liên quan đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đang gặp một số khó khăn vướng mắc, nổi cộm là áp lực về chi phí đang đè nặng lên các nhà thầu.
Được biết, hiện Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đang xây dựng bản kiến nghị và sẽ trình lên Chính phủ và các cơ quan chức năng, đề nghị được hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về chính sách mà các doanh nghiệp tham gia thi công các dự án đầu tư công gặp phải. Đây cũng được cho là nguyên nhân khiến các dự án đầu tư công không triển khai đúng kế hoạch.
Cụ thể, theo đại diện VACC, do tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng, giá xăng dầu tăng cao trong khi Việt Nam lại không có cơ chế về bù giá, đã khiến doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ. Nếu tình hình này tiếp diễn thì các doanh nghiệp này sẽ không thể kham nổi.
Đại diện VACC dẫn chứng, đơn cử như dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, vốn từng được “ca ngợi” là dự án điển hình về tiến độ thi công nhanh, song đến nay đơn vị thi công cho biết nếu tính tất cả chi phí hiện tại so với mức giá hợp đồng thì nhà thầu đã lỗ đến 46%.
Cũng theo VACC, hiện nay các doanh nghiệp xây dựng trong nước đang có xu hướng chuyển sang thi công cho các dự án thuộc nhóm có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà không còn mấy mặn mà với các dự án đầu tư công, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Các tin khác