Nhiệm vụ, giải pháp của chính phủ nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch

(ĐTTCO)-Theo Nghị quyết số 84, Chính phủ đề nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nghị quyết nhằm mục tiêu duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội đề ra. Trong đó, Chính phủ đưa ra 3 nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Theo đó, Chính phủ đề nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, Chính phủ quyết định giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không được miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh còn dư nợ đến ngày 31/12/2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Nghị quyết nêu rõ việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31/12/2020; đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.

Chính phủ cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money).

Thêm vào đó, Chính phủ cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch; nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh việc gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp, Nghị quyết nêu rõ việc cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.

Chính phủ cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, kinh phí thực hiện năm Chủ tịch ASEAN 2020; hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao); tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt các khoản chi mua sắm chưa cần thiết.

Chính phủ cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch COVID-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội

Chính phủ giao các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; chủ động khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo giai đoạn; thu hút nguồn lực đầu tư mới.

Nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng chống dịch, Nghị quyết nêu rõ việc chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 30/6/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chỉ thị số: 20/CT-TTg ngày 17/5/2017; Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Chính phủ cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Ngoài ra, Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Chính phủ cho phép giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người theo các Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 và số 2086/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ theo tổng mức vốn cho từng địa phương.

Ngoài ra, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung liên quan đến quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh; giao Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong phạm vi tổng số vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định…

Các tin khác