Nhiều giải pháp khơi thông chuỗi cung ứng hàng hóa

(ĐTTCO) - Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) đã và đang từng bước tháo dần những nút thắt, quy định không hợp lý để triển khai nhiều giải pháp khơi thông chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ người dân TPHCM.

Chọn mua nhu yếu phẩm tại điểm bán dã chiến do Công ty TNHH Aeon Việt Nam tổ chức. Ảnh: NGỌC HIỂN

Chọn mua nhu yếu phẩm tại điểm bán dã chiến do Công ty TNHH Aeon Việt Nam tổ chức. Ảnh: NGỌC HIỂN

Điểm bán lưu động

Ngày 14-7, hàng loạt hệ thống phân phối cam kết không tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường nguồn cung thực phẩm tươi sống thêm 30% so với ngày 13-7. Các đơn vị kinh doanh phối hợp cùng DN triển khai thêm những chương trình bán hàng dưới nhiều hình thức như điểm bán dã chiến trên vỉa hè trên đường Lê Quang Định (gần chợ Bà Chiểu) cung cấp rau củ quả, thịt, cá, trứng, bột ngọt, nước mắm, hạt nêm, bánh mì, xôi… Bảng giá được niêm yết trên tường, người dân dễ dàng xem giá, chọn hàng và thanh toán ở quầy thu ngân đặt bên cạnh. Chị Hà (nhà gần chợ Cây Quéo) cho biết, nhờ có thêm điểm bán mới, giá ổn định nên khá tiện dù xếp hàng, giãn cách lâu một chút.

Đại diện Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, điểm bán trên đường Lê Quang Định là một trong 4 điểm bán lưu động đầu tiên. Tùy cách bố trí của các quận huyện, đơn vị sẽ linh động thay đổi điểm bán. Chẳng hạn, ngày 13-7, ngoài điểm bán trên đường Lê Quang Định còn có 3 điểm bán ở đường Lý Thái Tổ, đường Cộng Hòa và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đến ngày 14-7, Aeon giữ lại 2 điểm ở Lê Quang Định, Lý Thái Tổ và chuyển sang 2 điểm bán mới là đường Bình Đông, quận 8 và Trường Võ Văn Thặng, đường Bùi Công Trừng, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Với mỗi điểm bán, Aeon cung ứng khoảng 40 sản phẩm thiết yếu, giá không đổi so với giá bán trong siêu thị nên vừa xuống hàng là bà con mua hết ngay…

Nhiều ngày qua, người dân 2 khu vực phong tỏa ở phường An Lạc, quận Bình Tân không còn vất vả trong việc tìm mua thực phẩm thiết yếu khi xuất hiện 2 điểm bán hàng lưu động của Bách Hóa Xanh. Ông Trịnh Quang Khải, Trưởng Ban Pháp chế Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, cho biết, mỗi ngày đơn vị bán khoảng 700kg thực phẩm thiết yếu từ thịt, cá, rau đến gạo, dầu ăn, đồ khô cho khoảng 300 cư dân nơi đây. Đến nay, Bách Hóa Xanh đã mở 4 điểm bán lưu động. Công ty đang thảo luận với Sở Công thương và các quận huyện về việc mở thêm nhiều điểm bán mới. Bách Hóa Xanh cũng sẽ kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Bình triển khai mô hình “Đi chợ giùm”. Theo đó, phiếu đăng ký mua hàng được chính quyền phát cho người dân đăng ký; siêu thị sẽ gom đơn và giao hàng tại điểm cố định vào ngày hôm sau.

Giao hàng trong 4 giờ

Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng tăng cường bán hàng trên các ứng dụng (apps), website (https://cooponline.vn/), liên kết với hầu hết apps của các hãng. Ở khu vực phong tỏa, đơn vị kết hợp tổ dân phố lập danh sách đi chợ giúp dân hoặc cung cấp combo 5-10 mặt hàng thiết yếu đến từng gia đình. Đơn cử, từ 14-7, quận 6 tổ chức tình nguyện viên phối hợp nhân viên Co.opmart Phú Lâm “đi chợ” mua hàng mỗi ngày 2 ca cho người dân. Saigon Co.op cũng tổ chức 2 điểm bán lưu động tại Thủ Đức và Cần Giờ và sẽ tăng số lượng điểm bán. Mỗi điểm bán lưu động có 5 ngành hàng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc và đồ dùng.

Ngày 14-7, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh giải pháp mua sắm trực tuyến với 3 kênh mua sắm linh hoạt tùy thói quen khách hàng gồm mua sắm trên website MM Click & Get (https://online.mmvietnam.com/), đặt hàng qua số hotline của từng siêu thị và qua kênh Zalo Official Account. Kênh mua sắm trực tuyến của MM Mega Market hiện cung cấp khoảng 7.000 sản phẩm từ hàng tươi sống, đông lạnh, đồ khô đến nhu yếu phẩm. Đơn vị cũng cam kết giao hàng sau 4 giờ khách đặt, miễn phí vận chuyển trong bán kính 10km, đồng thời giao hàng đến những địa điểm trong khu vực phong tỏa, cách ly. Những đơn hàng đặt sau 17 giờ sẽ nhận vào hôm sau.

Chiều 14-7, các hệ thống phân phối chủ lực như Saigon Co.op, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Central Việt Nam khẳng định, nguồn cung hàng nông sản thực phẩm không thiếu. Saigon Co.op đã tăng lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả hơn 30% so với ngày 13-7. Hàng hóa được phân phối ở gần 300 siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tại TPHCM. Với lượng dự trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá, Saigon Co.op đảm bảo cung ứng ổn định trong 3-6 tháng tới.

Trừ hệ thống Bách Hóa Xanh đang xem xét điều chỉnh giá bán một số nhóm hàng, tất cả hệ thống khác cho biết sẽ không tăng giá cũng như đảm bảo đầy đủ nguồn hàng, nhất là hàng tươi sống. Các hệ thống cũng thiết kế nhiều chương trình khuyến mãi để chia sẻ với người tiêu dùng.

Khôi phục một phần các chợ truyền thống

TPHCM hiện còn 63/234 chợ truyền thống hoạt động và kinh doanh thực phẩm. Ngày 13-7, Sở Công thương có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện căn cứ tình hình thực tế tại địa phương tổ chức đánh giá việc thực hiện các phương án phòng chống dịch của các chợ truyền thống trên địa bàn để có biện pháp khắc phục, nhanh chóng khôi phục, đưa vào hoạt động trở lại.

Trước mắt, rà soát, thí điểm lựa chọn 2 đến tối đa 10 tiểu thương (tùy theo quy mô hoạt động của chợ) kinh doanh mặt hàng rau củ quả, đồng thời tổ chức kinh doanh theo hình thức luân phiên trong trường hợp có nhiều tiểu thương muốn hoạt động trở lại. Hướng dẫn tiểu thương chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán, hạn chế việc tiếp xúc. Thực hiện phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bổ người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.

Sáng 14-7, mạng xã hội lan truyền thông tin sai sự thật, xuyên tạc về việc sẽ đóng cửa toàn thành phố. Nhiều người dân do cả tin đã đổ xô đi mua trữ thực phẩm, hàng thiết yếu, thuốc men. Hàng loạt siêu thị và cửa hàng thực phẩm trở nên quá tải. Các loại thực phẩm như trứng gà, thịt, cá, rau củ quả, mì gói hầu như bị vét sạch.

Thuốc cũng là mặt hàng được người dân tìm cách tích trữ. Ghi nhận từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều 14-7, nhà thuốc trên nhiều tuyến đường tấp nập người ra vào. Các loại thuốc được người dân mua nhiều nhất là thuốc hạ sốt, ho, thuốc cảm và vitamin C...

Các tin khác