Nhiều mặt hàng sẽ tăng giá

(ĐTTCO) - Lý thuyết kinh tế học cổ điển, mô hình tổng cung - tổng cầu giải thích khá hiệu quả cơ chế mức giá chung (P) và mức giá kỳ vọng (PE) của thị trường điều chỉnh, để cung - cầu hàng hóa và dịch vụ của thị trường đạt trạng thái cân bằng. 
Nhiều mặt hàng sẽ tăng giá
Tương tự, mức giá của một nền kinh tế thay đổi đòi hỏi có sự tăng lên đồng loạt của tất cả mặt hàng, không phải chỉ mặt hàng X nào đó tăng sẽ khiến mức giá chung tăng.
Xăng dầu điện cùng tăng giá 
Kể từ đầu quý I-2019, giá bán lẻ xăng dầu tăng tốc độ phi mã. Trong khi đó, Liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết giá mặt hàng này trong nước cho đến nay vẫn duy trì mức thấp hơn khá nhiều so với giá cơ sở.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu của thế giới ở kỳ điều hành này tăng so với kỳ trước khoảng 3%. Do vậy, dù ngày 2-5 vừa qua giá xăng tăng 956 đồng/lít, nhưng quỹ bình ổn phải chi 925 đồng/lít đối với E5RON92 và 283 đồng/lít đối với xăng RON95. 
 Tâm lý thị trường thường ủng hộ giá cả vận động theo cơ chế thị trường hơn là sự can thiệp của chính phủ thông qua thu thuế. Nhưng nghịch lý là khi chính phủ trợ giá, làm cho hàng hóa nào đó rẻ đi, thị trường lại thường phản ứng tích cực. 
Cùng lúc, khi những ngày hè oi bức người dân dùng điện nhiều giá điện cũng tăng lên không kém. Giá điện sinh hoạt được cơ quan điều hành công bố tăng 8,36%, nhưng do cách tính giá theo 6 bậc tiêu thụ của Luật Điện lực năm 2013, nên thực chi của hộ gia đình tăng trung bình 35% giá trị so với hóa đơn chi trả kỳ trước.
Xem ra giá điện khó hạ nhiệt khi mới đây cơ quan khí tượng MeteoFrance của Pháp, ghi nhận Việt Nam sẽ tiếp tục trải qua đợt nắng nóng chưa từng thấy trên diện rộng, nhất là tại khu vực Nam Trung bộ.  
Cách tăng giá có phần “thốc tháo” của nhóm mặt hàng năng lượng gây dao động tâm lý với nhiều tầng lớp có mức thu nhập khác nhau của xã hội, từ nhóm thanh niên trẻ như sinh viên cho đến doanh nhân thành đạt. Phản ứng với đợt tăng giá xăng gần 1.000 đồng vào ngày 2-5 vừa qua, Tổng giám đốc Công ty cho thuê xe trực tuyến Aleka.vn, ông Lê Minh Tú, chia sẻ: “Các dịch vụ vận tải giao nhận, cấu thành xăng dầu chiếm khoảng 35% giá thành. Cứ mỗi lần tăng 5-7% nhưng mình không tăng được giá cho khách hàng, thực sự rất khủng hoảng”.
Từ câu chuyện về tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, nhiều ý kiến  ủng hộ giá cả vận hành theo cơ chế thị trường, hơn là cơ chế bảo hộ của chính phủ sẽ tác động lên giá cả hàng hóa và dịch vụ. Đó là lá chắn thuế của Mỹ khiến hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng của Mỹ tăng giá mạnh do chịu mức thuế cao. Trong khi đó, Việt Nam sử dụng quỹ bình ổn để điều tiết giá cả trong nước đối với nhiều loại mặt hàng. 

Tính “tan rã và kết dính” giá cả, tiền lương 
Mức giá chung tăng lên đòi hỏi có thời gian, nhưng nó thường bắt đầu với sự tăng giá một số nhóm hàng hóa quan trọng như xăng dầu, điện, y tế, giáo dục… Nếu giá cả hàng hóa tăng lên X%, nhưng thu nhập cũng tăng tương đương sẽ không ảnh hưởng tiêu cực lên mức sống.
Song một khía cạnh khác, giá cả có tính kết dính, nên trong thực tế giá cả không thể điều chỉnh đồng loạt tăng. Vì thế, giá xăng đã tăng gần 40%, nhưng giá ngành vận tải hay tiền lương chưa thể điều chỉnh tăng cũng là chuyện bình thường. Chi phí thay đổi giá cả đối với doanh nghiệp liên quan đến bài toán cạnh tranh, lương bổng liên quan đến kỳ xét hiệu quả công việc và hợp đồng lao động, gọi chung là tính kết dính. 
Chính sách điều tiết cho nền kinh tế cân bằng thường nhắm vào thúc đẩy tổng cầu hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế để nó đạt cân bằng, nhưng vẫn duy trì được sản lượng đạt mức sản lượng tiềm năng YP, và tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế giữ mức thất nghiệp tự nhiên. Nhưng khi giá tăng sốc lại có ảnh hưởng lên mức giá kỳ vọng PE. Từ đó, xảy ra sự điều chỉnh của tổng cung hàng hóa và dịch vụ chứ không phải tổng cầu. 
Nghĩa là, khi thị trường cảm nhận được mức giá đang tăng lên chóng mặt (như tình huống giá xăng tăng vừa qua), người lao động mang tâm lý đòi hỏi tăng lương nhanh chóng hơn, bức xúc hơn. Doanh nghiệp vừa chịu tăng chi phí sản xuất (như chi phí xăng dầu), lại vừa chịu áp lực trả chi phí lương tăng cao.
Như vậy khi chi phí tăng, doanh thu chưa tăng được do chưa thể điều chỉnh tăng giá bán ngay được, doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm quy mô sản xuất, giảm thuê nhân công để cắt giảm chi phí, nhằm duy trì mức lợi nhuận. Hoặc họ tiến hành tăng giá bán sản phẩm đầu ra của mình sớm nhất có thể, để trang trải bù trừ khoản chi phí tăng cao. 
Đối với những công trình, dự án đòi hỏi thời gian triển khai, khi PE được thị trường xác định cao, mức trượt giá cao, sẽ được đưa vào tính toán giá trị dự án. Khi PE cao, những khoản vay dài hạn cũng sẽ được áp dụng mức lãi suất cao. Kết quả, mức giá chung của nền kinh tế sẽ diễn tiến đồng loạt rất nhanh, bởi tính kết dính của giá cả đến từ giá cả kết dính hay tiền lương kết dính khả năng tan ra nhanh hơn. 

Các tin khác