Nhiều nhân tố đẩy lạm phát tăng

(ĐTTCO)-Năm 2020, chỉ số lạm phát (CPI) ở Việt Nam đã được kiềm chế ở mức 3,23%. Tuy nhiên, năm 2021 có nhiều nhân tố phức tạp có thể đẩy chỉ số CPI tăng cao, khó kiềm giữ ở mức 4% như mục tiêu. 
Nhiều nhân tố đẩy lạm phát tăng ảnh 1
Vì sao an toàn trong năm 2020
Nhìn lại việc kiềm chế lạm phát ở mức 3,23% trong năm 2020 của Việt Nam, có thể thấy có sự đan xen cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng đã làm cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới trong năm 2020 đã suy giảm 4,4%. Do các quốc gia thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh và nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, sản xuất kinh doanh trì trệ, nhu cầu về dầu mỏ, các nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất kinh doanh đều sụt giảm, giá cả xuống thấp.
Thậm chí giá dầu có thời điểm xuống rất thấp. Với một nền kinh tế có mức độ mở cửa hội nhập sâu rộng và có kim ngạch nhập khẩu hàng hóa rất lớn như Việt Nam, thì đây là nhân tố góp phần kiềm chế tăng giá và lạm phát. 
Thêm vào đó, để góp phần đẩy lùi dịch bệnh và kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển, các quốc gia trên thế giới đã có các gói hỗ trợ kinh tế từ ngân sách Chính phủ rất lớn.
Chính vì vậy, giá trị các đồng tiền chủ chốt và các đồng tiền trong khu vực đều có xu hướng giảm sút. Đây là cơ hội để VNĐ giữ vững giá trị, thậm chí lên giá, là cơ sở quan trọng để CPI luôn có mức tăng thấp.
Về nguyên nhân chủ quan, lần đầu tiên tại Việt Nam chỉ trong vòng 1 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất điều hành đã giảm từ 1,5-2%/năm; trần lãi suất tiền gửi giảm từ 0,6-1%/năm; trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm...
Việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đã hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh khó khăn do tác động của Covid-19.
Động thái này đã tạo điều kiện cho việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động và trên cơ sở đó dần hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các DN trong nền kinh tế có thể tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp hơn. Việc giãn, hoãn đòi nợ các khoản vay, tạm thời chưa chuyển nhóm nợ, thực hiện tái cơ cấu nợ cho các DN đã góp phần ổn định thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Có một lượng tiền lớn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán; nguồn vốn lớn chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản; vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021; cầu tiêu dùng tăng… là những nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao. 
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã có các gói hỗ trợ DN và nền kinh tế phục hồi và phát triển ngay trong và sau dịch Covid-19 (Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ miễn giảm hơn 20 loại phí, lệ phí cho các DN để giảm chi phí sản xuất).
Để giải phóng lượng hàng hóa chưa bán hoặc không xuất khẩu kịp, các DN đều có chính sách khuyến mại, giảm giá bán các mặt hàng làm cho giá cả nhiều nhóm hàng có xu hướng giảm. Thậm chí lần đầu tiên trong nhiều năm, ngành điện đã 2 lần giảm giá điện cho các DN và người dùng, điều này cũng làm CPI giảm thấp.   

Khó suôn sẻ trong năm 2021     
Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi và phát triển mạnh mẽ, sẽ tạo áp lực lớn đến mặt bằng giá cả, lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Trước hết, do việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, ý thức phòng chống dịch của người dân và toàn xã hội tăng cao, Việt Nam đã chuyển sang hình thức kiểm soát chặt chẽ biên giới, khoanh vùng dập dịch ngay tại gốc với phạm vi thích hợp, nền sản xuất của đất nước đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý IV-2020.
Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về lao động tăng lên. Thu nhập của người dân cũng tăng cao đòi hỏi hàng hóa cũng phải đáp ứng đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Cầu tiêu dùng tăng cũng là một nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao.
Mặt khác, thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng đã xuống tương đối thấp. Khi sản xuất phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao sẽ có khả năng thúc đẩy lãi suất và lạm phát tăng cao.
Hơn nữa, trong thời gian gần đây do lãi suất thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản, nên dù đại dịch bùng phát, nhưng giá cả các phân khúc của thị trường này không giảm, thậm chí ở nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM còn tăng cao.
Đặc biệt, có một lượng tiền lớn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán. Nếu cuối quý I-2020, VN Index khoảng 660 điểm thì đến đầu quý I-2021, chỉ số này đã tăng lên đến 1.130 điểm. Đây có thể là dấu hiệu nền kinh tế phục hồi rất tốt và kỳ vọng sáng sủa của các nhà đầu tư vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều nhân tố đẩy lạm phát tăng ảnh 2 Ảnh minh họa.
Nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát. Thêm vào đó, khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 cũng sẽ là một nhân tố có thể đẩy lạm phát tăng cao. 
Dự báo trong năm 2021, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6-6,7%, thì khả năng lạm phát sẽ trong khoảng 3,3% (±0,5%).
Nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8-7,4%, thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (±0,5%). 
Có thể thấy, để giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để làm tiền đề cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng, đặc biệt tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”. 

Các tin khác