Nhiều nội dung cần làm rõ Nghị định 126

(ĐTTCO)-Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ 5-12-2020, có những quy định có thể hiểu nối tiếp và mở rộng thêm trách nhiệm của NH trong việc phối hợp và hỗ trợ ngành thuế. Nhưng để thực thi trong thực tế, cần làm rõ và hướng dẫn nhiều vấn đề. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Giới hạn phạm vi thông tin NH phải cung cấp
NĐ126 quy định: “Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, NH cung cấp thông tin tài khoản (TK) thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm tên TK theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở TK, ngày đóng TK”. Việc cung cấp thông tin về TK này được thực hiện “lần đầu trong 90 ngày kể từ ngày NĐ có hiệu lực. Việc cập nhật các thông tin về TK được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử”.
Như vậy, việc cung cấp thông tin và cập nhật hàng tháng gồm các thông tin: tên chủ TK, số hiệu TK theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở và đóng TK, và chỉ với TK thanh toán; không cung cấp thông tin các TK loại khác như TK tiền gửi có kỳ hạn, TK chuyên dùng, TK ký quỹ, TK tiền gửi tiết kiệm…
Tuy nhiên, theo tôi cần quy định rõ phạm vi, mức độ người nộp thuế có TK thanh toán được ngành thuế yêu cầu và NH phải cung cấp. Vì thực tế mỗi lao động có thu nhập đều được gắn theo mã số thuế và hầu hết có TK thanh toán ở NH nên cần có giới hạn.
Đồng thời cần xác định rõ việc phải rà soát lại định kỳ (mỗi 3 hoặc 6 tháng) đối với danh sách đối tượng ngành thuế đã yêu cầu cung cấp thông tin TK, để thêm vào hoặc loại bỏ những trường hợp không còn cần thiết cập nhật thông tin.
Bởi nếu đề nghị NH cung cấp thông tin tất cả TK, sẽ lãng phí thời gian công sức và không phù hợp với mục đích của công việc là theo dõi để thu thuế.
NĐ126 quy định “NH cung cấp thông tin giao dịch qua TK, số dư TK, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế". Tuy nhiên, cần quy định rõ TK là TK nào trong quy định này. Vì với mục đích thanh kiểm tra xác định thuế và cưỡng chế thu thuế nên ngành thuế yêu cầu NH cung cấp thông tin, trong khi người nộp thuế có thể đang có tại NH 1 hoặc một số TK như TK thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn, chuyên dùng, ký quỹ, tiền gửi tiết kiệm…
Đồng thời làm rõ “thông tin giao dịch qua TK” là tất cả hay những thông tin nào trong quá trình giao dịch và lưu tại hồ sơ TK, như chứng từ, sổ kế toán chi tiết TK, hồ sơ vay nợ để nộp thuế, hồ sơ thanh toán xuất nhập khẩu, hồ sơ thanh toán dịch vụ với nước ngoài và chuyển giao công nghệ, hồ sơ thanh toán xuyên biên giới…

Ngành thuế phải cam kết với NH và trả phí dịch vụ
Trước tiên cần làm rõ người nào của ngành thuế có quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Cụ thể cần chỉ rõ những người có trách nhiệm và được ủy quyền mới có thẩm quyền đề nghị NH cung cấp thông tin, gồm  Tổng cục trưởng, tổng cục phó, Vụ trưởng và Vụ phó Vụ thanh tra Tổng cục Hải quan; Cục trưởng phó Cục điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng cục phó Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng cục phó hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Chi cục trưởng chi cục phó Chi cục hải quan.
Về cách thức chuyển nhận thông tin, NĐ126 quy định NH cung cấp thông tin TK thanh toán của từng người nộp thuế cho ngành thuế dưới hình thức điện tử. Như vậy, ngành thuế cần phải có thông báo bằng văn bản tới NH về định danh địa chỉ nhận thông tin từ NH (tên cổng nhận thông tin, người truy cập…) và việc này được thực hiện khi có thay đổi, nhằm bảo đảm việc cung cấp thông tin đúng địa chỉ, mặt khác làm căn cứ xác định trách nhiệm trong việc thu nhận, bảo quản và sử dụng thông tin mà NH đã cung cấp cho ngành thuế, ngăn ngừa rủi ro cho các bên liên quan theo quy định của pháp luật.
Trong đó phải xác nhận với nhau rằng, cơ quan thuế và hải quan chỉ được sử dụng các thông tin của người có TK và giao dịch với NH mà NH cung cấp vào mục đích liên quan nghiệp vụ thuế. Người có trách nhiệm của cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lộ thông tin, gây rủi ro cho NH và người có liên quan.
Hiện nay để thực hiện các nghiệp vụ NH liên quan đến ngành thuế, thực hiện các yêu cầu và đề nghị của ngành Thuế, NH phải sử dụng lượng nhân lực đáng kể và nguồn lực lớn khác để trang bị máy móc thiết bị, xây dựng hệ thống công nghệ đáp ứng chuẩn thông điệp dữ liệu trao đổi thông tin. Những thông tin này phải theo đúng định dạng các thông điệp cơ quan quản lý thuế ban hành. 
Ngoài ra, NH phải thực hiện một số việc, như cung cấp thông tin TK thanh toán của từng người nộp thuế. Việc này cập nhật hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Cung cấp thông tin giao dịch qua TK, số dư TK, số liệu giao dịch theo đề nghị của cơ quan thuế.
Hàng tháng NH phải kê khai, nộp vào ngân sách số tiền khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành. Chịu trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và gửi kết quả theo dõi này về Tổng cục Thuế hàng tháng theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành…
NH là doanh nghiệp kinh doanh, ngành thuế phải trả phí dịch vụ cho NH khi nhận thông tin NH cung cấp, để NH bù đắp lại 1 phần chi phí bỏ ra cho các hoạt động phục vụ ngành thuế.   

Các tin khác