Nhìn lại kinh tế quý I-2022: Phải nhìn vào chất lượng đời sống người dân

(ĐTTCO) - Tăng trưởng GDP quý I-2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của 2021 và 2020, đánh dấu sự quay lại với mặt bằng tăng trưởng 5% hoặc cao hơn sau vài năm chật vật. Trong khi đó lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, và chỉ số CPI tháng 3 tăng 0,7%.


Áp lực tăng lãi suất, chi phí đầu vào của sản xuất tăng, người dân gặp muôn vàn khó khăn là chuyện phải đến trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Áp lực tăng lãi suất, chi phí đầu vào của sản xuất tăng, người dân gặp muôn vàn khó khăn là chuyện phải đến trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Những tín hiệu lạc quan nhưng mới ở một chiều
Một vài con số lạc quan từ tăng trưởng khu vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng cho thấy những điểm sáng, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn như khu vực du lịch. Lấy thí dụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù khu vực vận chuyển hành khách giảm 23,6%. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 năm 2022 tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Những con số đó cho thấy những tín hiệu khá lạc quan về nền kinh tế, mặc dù không toàn màu hồng. Với mục tiêu tăng trưởng trên 6% cả năm, thì con số 5% của quý I vẫn còn khiêm tốn. Lạm phát 1,92% không cao,  không thấp nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi những rủi ro do giá xăng dầu và nhiều loại chi phí khác tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu, do chiến tranh vẫn chưa hoàn toàn phản ánh hết về mặt bằng giá cả.
Nói một cách nào đó, những con số thống kê quý I-2022 phần lớn phản ánh những diễn biến quá khứ của các tác động việc mở cửa nền kinh tế trở lại, nhưng vẫn chưa phản ánh nhiều tác động của kỳ vọng lạm phát do tăng giá nguyên vật liệu cơ bản và hàng hóa tiêu dùng trong nền kinh tế. 
Một trong những khu vực sẽ bị tác động lớn nhất chính là chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Theo báo cáo của IHS Markit về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), chi phí đầu vào tăng nhanh nhất trong gần 11 năm và niềm tin kinh doanh giảm. Đà tăng trưởng sản xuất của Việt Nam cũng có tín hiệu chậm lại, khi mà chỉ số PMI giảm từ 54,3 điểm của tháng 2 còn 51,7 điểm trong tháng 3. Mức trên 50 điểm nghĩa là sản xuất vẫn mở rộng, nhưng tốc độ mở rộng đã chậm lại, nói cách khác đà tăng đã chững lại.
Điều này phù hợp với diễn biến ở các nền kinh tế phát triển tăng trưởng mạnh trong năm 2021 như Anh hay Mỹ. Khi lạm phát tăng mạnh trở lại, mức độ mở rộng của nền kinh tế bắt đầu mất động lực và sụt giảm khi thu nhập dôi dư của người dân teo tóp trở lại, nhất là sau khi các gói hỗ trợ kinh tế dần được thu lại và lãi suất trong nền kinh tế không còn siêu rẻ nữa. Triển vọng lãi suất tăng đặt ở trước mắt, trong khi thu nhập thực của người dân giảm thì doanh nghiệp sẽ bi quan và thận trọng hơn.
Áp lực nhưng phù hợp thực tế
So với các nước, Việt Nam đang “trễ pha” hơn một vài tháng trong việc tăng lãi suất và lạm phát, nhưng có thể thấy những áp lực này đang dần xuất hiện.
So với những nước này, Việt Nam đang “trễ pha” hơn một vài tháng trong việc tăng lãi suất và lạm phát, nhưng có thể thấy những áp lực này đang dần xuất hiện. Việc đấu thầu trái phiếu chính phủ thất bại ngày 30-3 chính là một tín hiệu của điều đó. Có thể dự đoán trái phiếu chính phủ đang đứng trước áp lực phải tăng lãi suất để cải thiện tiến độ huy động cho cân đối ngân sách, khi mà lượng trái phiếu phát hành hiện tại chỉ mới đạt vào khoảng 8% kế hoạch năm 2022.
Áp lực tăng lãi suất, chi phí đầu vào của sản xuất tăng là chuyện bình thường trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, nó sẽ làm cho triển vọng hồi phục kinh tế thêm nhiều chông gai. HSBC vừa điều chỉnh lại dự báo, hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,2%, nâng mức lạm phát lên 3,7%. 
Về cơ bản, đây không phải là điều gì quá xấu mà phù hợp với thực tế hơn. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu 4% năm nay là nhiều thử thách. Nhưng ngay cả trong trường hợp nó bị vượt qua, thì cũng không phải là trạng thái lạm phát chung 2 con số như nhiều người lo ngại. Ngay cả ở Mỹ khi mà giá cả một số mặt hàng tăng 50-60% thì đến nay lạm phát của họ cũng chỉ tiệm cận con số 8%. Vì vậy, nói về con số thì không phải là một điều quá đáng sợ.
Tuy nhiên, điều hành kinh tế không nên chỉ nhìn vào những con số chung như vậy, mà phải nhìn vào chất lượng tăng trưởng và đời sống người dân. Con số tăng trưởng 6% sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu như mức thu nhập thực của người dân thực tế bị giảm đi.
Ở nhóm thu nhập thấp nhất, khả năng lương của họ sẽ tăng thấp hơn lạm phát và tăng trưởng kinh tế là sự thật, trong khi “rổ hàng hóa” tiêu biểu của họ có thể tăng mạnh hơn nhiều con số 4% bình quân vì những chi tiêu thiết yếu cho thực phẩm, năng lượng, của họ vốn dĩ có thể chiếm quyền số cao hơn quyền số trong một rổ tiêu dùng trung bình, vì nó đã bị thói quen chi tiêu của người trung lưu và thượng lưu “pha loãng”. 
Nói cách khác, người thu nhập trung bình và thấp sẽ bị tác động nặng nề hơn bởi lạm phát và có nguy cơ thu nhập thực giảm chứ không tăng do thu nhập tăng chậm hơn chi tiêu thiết yếu. Điều này đang diễn ra ở Châu Âu và trở thành một vấn đề xã hội cũng như kinh tế. Về mặt xã hội, rõ ràng là nhiều người bị đẩy vào diện nghèo đói. Còn về kinh tế thì khi mà thu nhập dôi dư của một bộ phận người dân sụt giảm, sớm muộn thì nó sẽ tác động đến tổng cầu trong nền kinh tế. 
Việt Nam có một đặc thù là nền kinh tế hướng về xuất khẩu và các doanh nghiệp nước ngoài chiếm phần lớn miếng bánh xuất siêu, nên ảnh hưởng của tổng cầu tiêu dùng nội địa của bộ phận thu nhập thấp và trung bình đến tăng trưởng GDP có thể là không lớn. Nhưng nó cũng phản ánh một vấn đề khác: một con số GDP lạc quan hơn không có nghĩa là chất lượng sống và lợi ích của tăng trưởng kinh tế lan tỏa đến đa số người dân, mà trái lại, nó có thể chỉ tập trung vào một số ít và làm phân cực giàu nghèo trong xã hội ngày một mạnh hơn. 
Đó mới là thách thức thật sự với Việt Nam trong năm 2022, và các cơ quan lập chính sách nên có những chỉ tiêu đánh giá khác ngoài những con số tăng trưởng và lạm phát để đảm bảo theo dõi cũng như có chính sách hỗ trợ kịp thời với người dân, tránh tình trạng tăng trưởng nhưng chỉ một ít người giàu lên, còn số đông thì đánh vật với khó khăn. 

Các tin khác