Những dấu ấn phát triển

Một góc sông Sài Gòn. Ảnh: NGUYỄN HUY ĐỨC
Một góc sông Sài Gòn. Ảnh: NGUYỄN HUY ĐỨC
Phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch
Về cơ bản kinh tế TPHCM đã phục hồi như trước dịch. Trên 98% các cơ sở sản xuất đã hoạt động bình thường, chuỗi cung ứng hàng hóa đã liền mạch, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng gần 2% so với cùng kỳ. Ước tính tháng 9-2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP đạt 4.156,2 triệu USD. Theo đà tăng trưởng như hiện nay, TPHCM có thể vượt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra trong năm nay từ 6-6,5%. Thực sự TPHCM đã bắt đầu đi vào quỹ đạo tăng trưởng và có khả năng chống chịu, phục hồi tốt nhất ở Đông Nam Á như WB đánh giá. 

Đã đặt được nền tảng vững chắc cho xã hội số
 TPHCM đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực: hành chính công, y tế, giáo dục, giao thông-vận tải, môi trường, quy hoạch đô thị, quản lý dân số... Tinh thần “xã hội số” đã lan rộng từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến người dân. Người dân đã làm quen với các đặc tính của TP thông minh, TP sáng tạo. TPHCM phấn đấu đến năm 2030 sẽ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, và nền kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.

Trở lại thu hút khách du lịch
TPHCM bắt đầu lấy lại được phong độ là điểm hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Số liệu của Sở Du lịch TPHCM trong 9 tháng năm 2022, ngành du lịch đón hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế và trên 21,6 triệu lượt khách nội địa; doanh thu đạt hơn 92.300 tỷ đồng. Hiện nay TP đang triển khai một loạt các chương trình nhằm thu hút khách như: ngắm TP từ trên cao bằng trực thăng, trải nghiệm du thuyền trên sông Sài Gòn, cảm nhận TP về đêm, du lịch xanh Cần Giờ… là những sản phẩm du lịch được nhiều người lựa chọn trải nghiệm. Các tuyến đường như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, bến Bạch Đằng, hồ con Rùa, phố đêm Bùi Viện… đang là những nơi thu hút khách du lịch. Các dự án mới đang hình thành như phố đi bộ quận Phú Nhuận, quận 5, quận 11.  

Đột phá cơ sở hạ tầng kỹ thuật
 TPHCM xác định  đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030” là một trong những khâu đột phá phát triển mạnh mẽ nhất. Tổng mức đầu tư dự kiến cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật là 970.654 tỷ đồng (tương đương 43 tỷ USD). Cầu Thủ Thiêm 2 đưa vào sử dụng là điểm sáng kết nối trung tâm TP và TP sáng tạo Thủ Đức.Trong năm 2022, đã khởi công dự án đường Vành đai 3 và chuẩn bị cho đường Vành đai 4, cùng Đồng Nai khởi công cầu Cát Lái nhằm đánh thức vùng đất phía Đông TP, đặc biệt là Nhơn Trạch. Việc đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ của TPHCM trong việc tạo động lực và đột phá phát triển nhằm đưa TPHCM trở thành trung tâm kinh tế - tài chính của Đông Nam Á.

Khởi động chương trình nhà ở xã hội 
TPHCM đang xúc tiến mạnh mẽ chương trình nhà ở xã hội nhằm đảm bảo an cư cho người lao động, với trên 20 khu đất có tổng diện tích hơn 38ha. Hiện đã khởi công 2 dự án nhà ở xã hội là dự án Tân Thuận Tây, quận 7 với 0,7ha và dự án DragonE-Home tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức có diện tích 1,9ha. TP đang thực hiện cam kết sẽ xây dựng 130.000 căn hộ từ nay cho đến 2030. 

Các tin khác