Những sự kiện kinh tế nổi bật 2018

Năm thứ 2 hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao

Đây là điểm sáng nổi bật năm 2018. Trong đó 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. 
Bao gồm các chỉ tiêu: GDP đạt 7,08%, vượt mục tiêu 6,5-6,7%; xuất khẩu vượt mục tiêu tăng trưởng 7- 8% (ước tăng trên 13%); nhập siêu dưới 3%; CPI 3,54%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33-34% GDP; hộ nghèo giảm 1-1,3%, riêng huyện nghèo giảm 4%; thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; lao động qua đào tạo đạt 58-60%; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 26 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018 (VBF 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ước tính tăng trưởng GDP 2018 đạt khoảng 7%, và Theo Tổng Cục Thống kê, con số này là 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Xét về quy mô nền kinh tế, con số ước đạt 5,53 triệu tỷ đồng (khoảng 240 tỷ USD).
Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam hiện tương đương 200% quy mô nền kinh tế, thu hút vốn FDI đạt hơn 30 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ.
Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 82,6% năm 2015 lên 84,3% năm 2018, tiến sát mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ra đời

Ngày 30-9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt và bắt đầu tiếp nhận việc quản lý hơn 2,3 triệu tỷ đồng tài sản của Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như điện, xăng, dầu, than, lương thực, viễn thông…
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có cơ quan chuyên trách trong việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay vì phân tán tại các bộ ngành như lâu nay. Việc ra đời của ủy ban này là bước quan trọng để phân biệt rõ và tách bạch hơn chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Siêu ủy ban ra đời hứa hẹn sẽ thay đổi căn bản cách thức quản lý vận hành của nhiều doanh nghiệp nhà nước, quy về một mối thay vì phân tán, vừa đá bóng vừa thổi còi như trước đây.
Những sự kiện kinh tế nổi bật 2018 ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Việt Nam gia nhập CPTPP

Ngày 12-11-2018, Quốc hội khóa 14 thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Động thái này được doanh nghiệp trong và ngoài nước chờ đợi, giữa bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.
Hiệp định gồm 11 nước với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 13% GDP toàn cầu. CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn về thị trường, ưu đãi, cơ cấu xuất khẩu và tiềm năng hội nhập.
GDP và xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng lần lượt 1,32% và 4,04% đến năm 2035; số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000-26.000. Dù vậy, tham gia CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ...

Xuất khẩu tăng trưởng cao, xuất siêu lập kỷ lục

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2018 ước đạt 482,23 tỷ USD, tăng trưởng 12,6% so với năm 2017. Cán cân thương mại 2018 ước thặng dư 7,2 tỷ USD (11 tháng thặng dư 6,8 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu nông sản với kim ngạch 40 tỷ USD, mức kỷ lục mới. Đây là con số ấn tượng cho thấy những sản phẩm nông nghiệp tăng cả về lượng và chất. Đáng lưu ý, năm 2018 ghi nhận 10 mặt hàng nông sản có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên như tôm, cá tra, gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, sắn, rau quả và lâm sản.
Xuất khẩu cao kéo theo cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tính chung, trong tháng 11 Việt Nam xuất siêu hơn 7,4 tỷ USD, gấp 2,5 lần năm 2017 và cao nhất trong 10 năm qua. Dự báo, xuất siêu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12, có thể tiến sát mốc hai con số. 

Nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh

Công cuộc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được phát động với những hành động thiết thực. Người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo và dưới bắt đầu nóng theo.
Hàng loạt bộ ngành đã đưa ra các tuyên bố cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Nhưng để việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được thực chất còn nhiều việc phải làm. Dư địa cho cuộc cách mạng này vẫn còn rất lớn, đòi hỏi ngọn lửa cải cách luôn được duy trì và hâm nóng.
Có như vậy, mục tiêu môi trường kinh doanh Việt Nam lọt top 4 ASEAN mới trở thành hiện thực. Trong 5.000 ĐKKD đã sửa đổi 542 ĐKKD, bãi bỏ 771 ĐKKD, thay thế 111 ĐKKD. Tuy nhiên chỉ 30% ĐKKD được cắt giảm là thực chất và có tác động tích cực.

Những đại án chấn động

Năm 2018, hàng loạt đại án kinh tế, tham nhũng gây nhức nhối đã được đưa ra xét xử công khai, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, không có ngoại lệ, không có vùng đặc quyền.
Tiêu biểu là vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt ngàn tỷ đồng; vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức; vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỷ qua mạng internet ở Phú Thọ; đại án DongABank liên quan đến Vũ Nhôm về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...  

Thiên tai dị thường

Năm 2018, thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam bộ. Thiên tai đã gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích.
Điều đáng lưu ý, năm 2018 dù thiên tai không khốc liệt như năm ngoái, nhưng có nhiều nét dị thường. Cụ thể, đợt mưa cấp tập ngày 23 đến 26-6 ở miền núi phía Bắc tới 500-600mm, khiến 32 người chết; lũ ở ĐBSCL đến rất sớm từ cuối tháng 8; cơn bão số 9 khi vào cách bờ 50-60km đứng im 5 tiếng sau đó mới vào đất liền.
Hay cuối tháng 9 trận mưa lớn nhất xảy ra tại TPHCM trong hơn 40 năm qua. Chỉ trong khoảng 1 giờ 30 phút, vũ lượng mưa đã đạt đến 204,3mm, vượt xa tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước, nhấn chìm 59 tuyến phố…

Các tin khác